​Cổng làng tự sự

(ĐTCK) Tôi sinh ra từ làng, tôi là nơi khép lại những bộn bề cuộc sống và mở ra một chốn thanh bình, nhất là với những kẻ tha phương nơi đất khách.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Không ít bận, tôi đón vào lòng những đứa con xa quê nghìn ngày trở lại. Cái lúc ra đi háo hức, rộn rực bao nhiêu thì khi về tiều tụy, xác xơ nhường ấy.

Cũng lắm kẻ bước đi như chạy trốn, trong sự thúc ép của cuộc đời. Có kẻ ra đi trong nỗi đau lìa xóm, ly hương để rồi khi trở về thì vinh quy bái tổ. Nhưng điểm giống nhau là khi ra đi, thường thì ai cũng đều ngoái đầu nhìn lại, chẳng biết như một lời chào tạm biệt, hay để thốt lên một lời thề nào đó.

Thế rồi, người ta về và mang theo bao nhiêu cái mới, cái giọng nói ngọng líu ngọng lô giờ còn pha lẫn cả những tiếng “thanh-ciu”. Du lịch mở ra, cổng làng - tôi bỗng trở nên nhộn nhịp. Người ta đến mỗi ngày, mỗi nhiều. Những bậc thềm đá ong quen mặt bàn chân đất, dép cao su, tổ ong, thì giờ còn quen thêm cả tiếng “méc-xi bô-cu”, “bông-rua” này nọ.

Nếu ngày xưa giấc trưa êm ả chỉ có tiếng gió, lá đa rơi khẽ, thì giờ nơi tôi ở, huyên náo hơn nhiều. Cây ruối ngàn năm tuổi lại có vẻ thích nghi với thời cuộc hơn. Dẫu sống dở, chết dở mà lá vẫn xanh, xanh hơn cả thuở thanh xuân. Xanh như dải yếm của nàng mớ ba, mớ bảy trong trí nhớ mơ hồ của tôi vậy.

Có buổi, một người làng đem tôi làm mẫu ảnh, rửa ra thật to, rồi họ mang tôi lang thang lên phố thị dự triển lãm.

Qua cửa xe, tôi gặp nhiều cổng làng khác, giờ rặt những tiếng Tây. Mà cái nào cũng uy nghi lừng lững, cổng lớn, tường cao, có tường bao bao quanh chứ chẳng cô độc và trơ trọi như tôi. Nơi thì Urban, chỗ thì City, khi thì Village… Mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng tựu trung lại, nó vẫn mang trong mình trọng trách chuyển tiếp không gian, giữa cái chung rộng lớn của thế giới và cái riêng nhỏ hẹp của một ngôi làng.

Tôi từng nghe nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tán tụng về mình. Rằng cổng làng - tôi, là phên rậu cuối cùng để gìn giữ những nét xưa, nếp cũ, những giá trị tinh hoa của văn hóa truyền thống, của nét quê kiểng.

Người ta ví tôi như cái màng lọc, đi qua tôi, bao đứa con xa quê dẫu ngổ ngáo đến mấy cũng hóa hiền lành. Rồi thì nhờ bóng dáng tôi bao trùm suốt một thời thơ ấu, mà giúp nhiều kẻ thêm chân cứng đá mềm những lúc bị đời va đập…

Nhiều, nhiều lắm. Chẳng sai đâu. Nhưng giờ hình như cũng không còn đúng tất.

 Ảnh Shutterstock

Tôi từng sóng vai cùng lão đa, hay những rặng tre để gìn giữ nếp quê. Có bận, một tờ báo còn sinh ra hẳn một chuyên mục là “sau lũy tre làng” để nói về những chuyện quê, chuyện nông thôn. Nhưng giờ tre cũng hết. Những giá trị tưởng như nguyên bản không dễ bị tác động trước bụi thời gian, thì lại đang bị những nét Âu, nét Mỹ, bị những hơi thở đô thị hiện đại nhăm nhe đè nén.

Tôi biết, đã có nhiều thân phận như tôi bị đập đi, xây mới theo trào lưu trẻ hóa di tích. Kiểu như người ta biến thành nhà Mạc ở Tuyên Quang thành “cái lò gạch” thời anh Chí. Còn nhiều, nhiều lắm mà tôi không muốn kể. Càng kể, càng đau.

Bữa rồi, trong lúc trà trưa, tôi nghe hai bác nông dân nói chuyện. Bác thứ nhất bảo: Từ tháng sau tôi ra thành phố để trông con cho thằng cả. Chắc nhà tôi cũng đóng cửa để đấy, chứ giờ mỗi người mỗi nơi cũng khó. Mình già rồi, con cháu đặt đâu thì ngồi đấy!

Giọng bác này nghe mà chua xót nhường nào. Dường như nỗi đau lìa quê đang lớn hơn gấp bội niềm vui đoàn tụ cùng con cháu nơi thành phố.

Bác thứ hai cũng bảo: Hôm qua, thằng trưởng nam nhà tôi cũng bảo tôi đập cái cổng cũ đi, xây cổng mới cho cao ráo, tiện lợi. Hết bao tiền, nó gửi!

Giờ vợ chồng nó có ô tô. Mỗi lần về phải đi gửi nhờ vì cổng nhà tôi bé quá. Nó nói cũng đúng, nhưng kể, đập bỏ cái cổng cũ từ thời mình tự tay đóng gạch làm nhà, tôi vẫn cứ tiếc…

Nghe hai ông bạn già nói chuyện. Tôi lại nhớ những lần du hí nơi thành phố. Quả tôi gặp nhiều cánh cổng khổng lồ, có lẽ, chỉ riêng gạch xây thôi cũng đủ làm cả căn biệt thự hay vài ba ngôi nhà cấp 4 như ở làng.

Có điều, qua cổng đó, người ta cứ vội vàng sao ấy. Mà tôi cũng chẳng thấy ai ra đi ngoái nhìn lại bao giờ.

Có lẽ, cổng làng giờ đã khác xưa. Bạn nhỉ!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thành Nguyễn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục