Ngày 13/12, Quốc hội dành trọn ngày thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018. Báo cáo của Chính phủ về nội dung này gửi tới các đại biểu Quốc hội nêu nhiều con số đáng giật mình.
Một vụ cháy lớn “đốt” 40 tỷ đồng
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018 gửi tới Quốc hội.
Thông tin đến đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong giai đoạn trên, cả nước đã xảy ra 126 vụ cháy lớn, chiếm tỷ lệ 0,95%, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 35 người, bị thương 92 người. Thiệt hại về tài sản khoảng 5.000 tỷ đồng.
“Cháy lớn tuy chỉ chiếm dưới 1% tổng số vụ nhưng thiệt hại chiếm trên 70% tổng số thiệt hại” - Bộ trưởng nêu trong báo cáo.
Thiệt hại trung bình của 1 vụ cháy lớn khoảng 40 tỷ đồng. Các loại hình cơ sở xảy ra cháy lớn chủ yếu là cơ sở sản xuất công nghiệp có diện tích nhà xưởng, kho tàng với quy mô lớn, tồn trữ nhiều loại hàng dễ cháy.
Qua điều tra, cơ quan chức năng chỉ ra nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, khí đốt và do vi phạm an toàn PCCC trong thi công, hàn, cắt kim loại. Việc phát hiện và báo muộn cũng khiến cho 80% vụ cháy trở nên nghiêm trọng hơn.
“Cháy lớn chủ yếu xảy ra vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, lực lượng thường trực mỏng nên khi xảy ra cháy không phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời, khi cháy lan rộng mới báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp” - Bộ trưởng phân tích.
Việc xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong 50 vụ cháy lớn, theo Bộ trưởng, cũng đã được xem xét thấu đáo trên cơ sở kết quả điều tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Chẳng hạn trong vụ cháy ngày 18/10/2014 tại Công ty Việt Hà và Công ty Nippon Express, lô 38B KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội gây thiệt hại ước tính trên 215 tỷ đồng (theo báo cáo thống kê của các Công ty) đã có cán bộ phụ trách địa bàn/cơ sở bị hạ bậc thi đua. Mức kỷ luật này cũng được áp dụng với Phòng Cảnh sát PCCC số 6 thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội (trước đây).
Ở vụ cháy xảy ra ngày 30/11/2014 tại Nhà máy sợi 3 thuộc Công ty Dệt Hà Nam, KCN Châu Sơn, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (thiệt hại ước trên 128 tỷ đồng), cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính đối với ông Giang Anh Đức, Tổng Giám đốc công ty Dệt Hà Nam.
Về phía cơ quan Cảnh sát PCCC, cũng đã tiến hành họp rút kinh nghiệm quá trình tổ chức chữa cháy đồng thời cắt thi đua đối với cán bộ phụ trách địa bàn.
Tương tự, tại vụ cháy ngày 27/3/2015 tại Công ty TNHH may mặc Cây Dừa, ấp Phú Thành, xã Quới Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre (thiệt hại 102 tỷ đồng), công an tỉnh đã tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện công tác PCCC tại cơ sở, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan.
Qua đó, đã chỉ đạo kiểm điểm phê bình, điều chuyển cán bộ Cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của Công an và chính quyền cơ sở trong quản lý địa bàn.
Chưa nghiệm thu PCCC đã được đưa vào sử dụng
Làm rõ thêm về việc này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong số trên 2.000 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC được đưa vào sử dụng, phần lớn được xây dựng trước khi Luật PCCC năm 2001 được ban hành.
Một số công trình do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh, thi công sai so với thiết kế được duyệt. Việc lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị PCCC không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về PCCC.
Trong khi đó, có những công trình quá trình thi công kéo dài, chưa hoàn thiện nên mặc dù đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC song chưa tổ chức nghiệm thu.
Để giải quyết các công trình còn tồn tại vi phạm, theo Bộ trưởng Tô Lâm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với UBND cấp tỉnh, Chính phủ yêu cầu có các biện pháp xử lý, bắt buộc chủ đầu tư thực hiện, như ấn định thời hạn cho chủ đầu tư phải khắc phục các sai phạm và thực hiện việc nghiệm thu về PCCC trước khi đưa người dân vào sinh sống, làm việc.
Yêu cầu chủ đầu tư phải có các giải pháp tăng cường, bảo đảm an toàn PCCC trong thời gian thi công hoàn thiện công trình (trang bị các hệ thống, thiết bị PCCC tăng cường, bố trí lực lượng, phương tiện thường trực PCCC để phát hiện và dập tắt đám cháy ngay trong giai đoạn mới phát sinh….).
Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương phối hợp với các nhà đầu tư khác để có phương án di dời, bố trí chỗ ở và bảo đảm điều kiện cho người dân đã vào sinh sống tại tòa nhà trong thời gian thi công hoàn thiện và nghiệm thu về PCCC, nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.
Đồng thời, công khai danh sách các chủ đầu tư và công trình vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, không xem xét, cấp phép đầu tư các dự án mới cho các chủ đầu tư khi chưa khắc phục các vi phạm đối với các tòa nhà hiện hữu.
Đến nay, qua ra soát, Bộ trưởng cho hay, nhiều công trình chủ đầu tư đã có kế hoạch khắc phục và được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đối với 29.230/58.504 công trình đã được thẩm duyệt nhưng chưa nghiệm thu về PCCC, theo thông tin từ Bộ trưởng Tô Lâm, là do nhiều nguyên nhân.
Trong những kiến nghị gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở vi phạm.
Cùng với đó, phải công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp phép xây dựng đối với các chủ đầu tư cố tình “chây ì”, vi phạm các quy định về xây dựng và PCCC...