CPH kiểu “ba nạc bảy mỡ”
Năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 202-CT về việc chuyển một số DNNN thành công ty cổ phần nhằm hướng đến 3 mục tiêu: một là, chuyển một phần sở hữu nhà nước thành sở hữu của các cổ đông nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; hai là, huy động được một khối lượng vốn nhất định ở trong và ngoài nước để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh; ba là, tạo điều kiện để người lao động thực sự làm chủ DN.
Xét trên phương diện cả lý luận lẫn thực tiễn thì hai mục tiêu sau đều có thể đạt được, mà không nhất thiết phải dựa vào CPH. Chẳng hạn, bằng các chính sách “cởi trói” cho tư nhân, phát huy quyền làm chủ kinh doanh của người dân, khơi dậy và khuyến khích tinh thần doanh nhân, tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế... Thực tiễn đã chứng minh, đây đều là những biện pháp có thể giúp huy động được một nguồn lực đáng kể trong và ngoài nước cho đầu tư và cũng là cách để phát huy quyền làm chủ DN thực sự của người dân.
Với mục tiêu thứ nhất, thực tế cho thấy, sau CPH, đã có nhiều DN hoạt động hiệu quả hơn và có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng không phải DN nào sau CPH cũng hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại là do CPH kiểu “ba nạc bảy mỡ”, tức CPH một phần rồi ngưng nhằm mục đích “chạy” đủ chỉ tiêu số lượng DN được CPH. Chính kiểu CPH này đã làm cho các yếu kém cố hữu của bản thân DNNN trước CPH tiếp tục tồn tại.
Chẳng hạn, những mâu thuẫn nảy sinh do tình trạng “ba trong một” (gồm sở hữu, điều hành và quản lý nhà nước) trong không ít DN vẫn hiện diện; những bất cập trong bộ máy quản trị điều hành không được giải quyết triệt để; tính kỷ luật, kỷ cương yếu kém và khả năng giám sát của thị trường bị hạn chế, khi DN sau CPH vẫn do cổ đông nhà nước chi phối. Những trường hợp CPH như vậy không những không đạt được mục tiêu mong muốn, mà còn gây tốn kém và lãng phí nguồn lực nhà nước, làm suy yếu sức cạnh tranh của các thành phần kinh tế khác cũng như cả nền kinh tế.
Những trở lực nội tại
CPH trong giai đoạn hiện tại không giống như thời kỳ đầu, không chỉ vì môi trường kinh tế và điều kiện hội nhập quốc tế thay đổi, mà còn là sự lớn mạnh không ngừng của hai thành phần kinh tế dân doanh và nước ngoài, song trước hết vẫn là những trở lực nội tại của chính khu vực kinh tế nhà nước.
Trở lực thứ nhất là sự đổ vỡ của bong bóng giá chứng khoán từ năm 2008, khiến cho việc CPH các DNNN trở nên thiếu sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, song quan trọng hơn vẫn là quan điểm của một số cơ quan nhà nước khi cho rằng, việc bán cổ phần ra thị trường với giá quá thấp sẽ khiến cho tài sản nhà nước bị thất thoát hoặc không hiệu quả.
Thứ hai, sau hơn 2 thập niên CPH đi cùng với các biện pháp cơ cấu và sắp xếp lại, số lượng DNNN ở Việt Nam đã giảm đáng kể, nhưng các DN chưa CPH phần lớn đều là DN có quy mô rất lớn, dẫn đến tình thế “quá lớn để thay đổi”.
Thứ ba, cùng với việc chuyển đổi ào ạt thành tập đoàn kinh tế nhà nước kể từ năm 2005, hoạt động đầu tư ngoài ngành của các DNNN cũng ngày càng được mở rộng. Sự đi xuống của thị trường tài chính và thị trường bất động sản đã dẫn đến tình trạng thua lỗ của rất nhiều DNNN. Điều này trở thành cái cớ để các DNNN thoái thác trách nhiệm thoái vốn và làm chậm tiến trình CPH.
Thứ tư, CPH cũng có nghĩa là Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu và như vậy sẽ giảm hoặc mất đi các đặc quyền cũng như các hình thức ưu đãi và trợ cấp trước đó được Chính phủ ưu tiên dành cho các DNNN. Rõ ràng, việc từ bỏ các đặc quyền và trợ cấp là điều thiệt thòi mà bản thân các DNNN không hề muốn. Do đó, sự trì hoãn CPH là một cách để kéo dài các đặc quyền và ưu đãi đó.
Thứ năm, bản thân lãnh đạo đương nhiệm của các DNNN cũng không muốn thay đổi và chịu thử thách. Thiếu sự am hiểu về nền kinh tế thị trường và các quy tắc kinh doanh chuẩn mực, trong khi với năng lực quản trị DN yếu kém lại được nuôi dưỡng trong môi trường thụ động không phải cạnh tranh đã làm cho các lãnh đạo này cảm thấy quá rủi ro khi phải CPH.
Thứ sáu, các DNNN được một số bộ, ngành và chính quyền địa phương sử dụng như một công cụ để thực hiện các chính sách quản lý và điều tiết kinh tế, đồng thời duy trì quyền lực và lợi ích kinh tế của bộ, ngành, địa phương. Việc CPH cũng có nghĩa là phải từ bỏ đặc quyền, đặc lợi, khiến họ, với tư cách là cơ quan chủ quản đại diện sở hữu, không mặn mà đẩy nhanh tiến trình CPH.
Dù được nhìn nhận dưới giác độ nào thì các nguyên nhân làm chậm trễ tiến trình CPH đều có cùng bản chất chính là sự giằng co về mặt lợi ích, chứ không đơn thuần là do các khó khăn mang tính kỹ thuật như vấn đề định giá DN hay rào cản bán tài sản nhà nước dưới giá trị sổ sách.
Với những trở lực nêu trên, Chính phủ cần có các chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, không chỉ đối với các DNNN chưa CPH, mà ngay cả đối với các DNNN đã CPH một phần. Mục tiêu của CPH lần này (kế hoạch 432 DNNN trong hai năm 2014 và 2015) cũng phải thay đổi căn bản, không thể đơn thuần dừng ở việc đổi tên gọi DNNN thành công ty cổ phần như cái tên trích yếu của Quyết định 202-CT năm 1992.
Đối với các DNNN đã CPH một phần, Chính phủ cần có các giải pháp gọt lớp “mỡ thừa” đang là tác nhân gây ra các “bệnh tim mạch”, là lực cản khiến cho nhiều DN sau CPH khó có thể hoạt động hiệu quả và có sức cạnh tranh, trong khi đây cũng là rào cản khiến cho các nhà đầu tư bên ngoài vẫn còn e dè khi tham gia vào việc cải tổ DN.