DNNN thiếu minh bạch
Dù nắm giữ tổng khối tài sản lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 80% GDP (tính tại thời điểm cuối tháng 5/2015), tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng khu vực kinh tế nhà nước hoạt động kém minh bạch.
Kết quả một cuộc khảo sát về quản trị DNNN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tiến hành với 400 DNNN, bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và DNNN đa sở hữu cho thấy, chỉ có khoảng 28% các giao dịch kinh doanh của DN 100% vốn nhà nước được công khai. Và cũng chỉ có khoảng 27% giao dịch mua bán cổ phần của DN hoặc DN khác trong tập đoàn từ phía HĐQT/HĐTV, Chủ tịch HĐQT và Ban giám đốc được công khai.
Cũng theo kết quả cuộc khảo sát, có tới hơn 80% DNNN không gửi báo cáo tài chính hàng năm cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tỷ lệ DNNN không thực hiện yêu cầu gửi báo cáo này cho cơ quan tài chính cũng không nhỏ, khoảng 40%.
Bản thân chủ sở hữu nhà nước cũng chỉ được 51% DN do mình sở hữu gửi báo cáo tài chính giữa niên độ đầy đủ. Ngay cả các nội dung thông tin bắt buộc phải công bố như báo cáo tài chính năm; mục tiêu và chính sách thực hiện mục tiêu của DN thì cũng chỉ có 77% số DN có 100% vốn nhà nước thực hiện công bố mục tiêu, nhiệm vụ và các biện pháp, chính sách thực hiện; 88% thực hiện công bố báo cáo tài chính năm…
Các DNNN đa sở hữu thực hiện các yêu cầu này tốt hơn, tương ứng là 92% và 94%. Đây cũng là khu vực thực hiện tốt hơn công việc công bố thông tin liên quan đến lương thưởng cho HĐQT, Chủ tịch công ty, Ban giám đốc, Ban kiểm soát; các giao dịch với người có liên quan… với tỷ lệ từ 70-89% DN thực hiện công bố.
Một thực trạng đáng lưu tâm là mối quan hệ thông tin giữa DNNN với chủ sở hữu nhà nước không diễn ra thường xuyên, liên tục và dường như chỉ tập trung vào việc báo cáo hàng năm, dẫn tới chủ sở hữu nhà nước không có đủ thông tin để thực hiện trách nhiệm của mình một cách kịp thời, có hiệu quả và chuyên nghiệp như các nhà đầu tư khác trong nền kinh tế thị trường. Theo đánh giá của các chuyên gia CIEM, kết quả khảo sát này cho thấy tính minh bạch về thông tin trong hoạt động của các DNNN, đặc biệt là DN 100% vốn nhà nước còn rất hạn chế.
Vì đâu?
Tình trạng thiếu minh bạch thông tin của khu vực DNNN được Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải có nguyên nhân cơ bản là khung pháp lý về công bố thông tin của DNNN chưa thực sự đồng bộ. Các yêu cầu công bố công khai thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh của DNNN được đề cập ở nhiều văn bản pháp luật, nên phân tán, chưa tạo thành một khung khổ thống nhất về công bố thông tin. Đồng thời, trách nhiệm, trình tự, thủ tục công bố thông tin của DN và các bên liên quan cũng chưa được quy định đầy đủ, thống nhất.
Mặc dù trong năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg về quy chế công bố thông tin của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, quy định các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu phải công bố công khai một số thông tin liên quan đến hoạt động như: công bố báo cáo tình hình hoạt động hàng năm; báo cáo tài chính; chiến lược, kế hoạch phát triển DN; kế hoạch sản xuất, đầu tư hàng năm; kết quả sắp xếp, đổi mới DN; báo cáo thực trạng quản trị; công bố tiền lương, tiền thưởng của DN…, nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực thi quy định cũng như hiệu quả triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế.
Theo thống kê của cơ quan này, tính đến thời điểm tháng 5/2015, tức là gần 1 năm sau khi Quyết định 36 được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được một số nội dung công bố thông tin của một số doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố như Lâm Đồng (Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lâm Đồng), TP. HCM (Tổng công ty Bến Thành, Công ty Dịch vụ công ích Gò Vấp, Công ty TNHH Một thành viên Itaxa); thông báo bằng văn bản về công bố thông tin trên trang tin điện tử của doanh nghiệp (thông báo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Đầu tư Phát triển đô thị thuộc UBND TP. HCM).
Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, đánh giá sơ bộ cho thấy, tỷ lệ DNNN thực hiện công bố thông tin theo quy định của Quyết định 36 còn rất thấp, nội dung thông tin công bố còn sơ sài, chưa đầy đủ; quy trình công bố thông tin cũng chưa được đảm bảo theo quy định. Nguyên nhân một phần là do Quyết định 36 chưa có các hướng dẫn, biểu mẫu cụ thể về nội dung các thông tin cần công bố cũng như quy trình, trình tự thủ tục công bố thông tin của DN và các bên liên quan.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm về công bố thông tin chưa đủ sức răn đe, Thông tư 02/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới được ban hành chưa phát huy hiệu lực, dẫn tới việc các DN chưa thực hiện nghiêm túc quy định về công bố công khai thông tin.
Kỳ vọng thi Nghị định 81
Với cơ chế gắn trách nhiệm của từng vị trí công việc tới yêu cầu công bố thông tin, việc ban hành Nghị định 81/2015/NĐ-CP cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc rốt ráo thúc đẩy thực hiện mục tiêu áp đặt kỷ luật thị trường, tăng giám sát và nâng cao minh bạch của khu vực DNNN.
Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Nghị định 81 chính thức đưa vào thực thi từ ngày 5/11/2015 sẽ góp phần cụ thể hoá các quy định về yêu cầu công bố thông tin tại Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN, tạo khung pháp lý thống nhất về việc công bố thông tin hoạt động của DNNN, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại và cam kết hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng chuẩn hóa các mẫu biểu và nội dung thông tin cần công bố công khai của DNNN, bao gồm: chiến lược phát triển của DN, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm; kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích; kế hoạch sắp xếp đổi mới DN, thực trạng quản trị, cơ cấu tổ chức của DN, báo cáo tài chính, chế độ lương, thưởng của DN.
Đồng thời, xác lập quy trình và làm rõ quyền và trách nhiệm của DN, HĐTV/Chủ tịch công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện công bố công khai các thông tin về hoạt động của DN; giám sát việc công bố các thông tin đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, công khai và minh bạch của thông tin công bố.
Về chế tài, Nghị định 81 đã thể hiện sự kiên quyết xử lý đối với vi phạm với các chế tài mạnh như người quản lý DNNN có thể bị kỷ luật, hạ lương, thậm chí là xử lý hình sự nếu DN vi phạm quy định về công bố thông tin, dẫn đến hệ quả là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không kịp thời đưa ra ý kiến chỉ đạo, giải pháp... khiến DN lâm vào khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước. Danh tính DN vi phạm, chậm công bố thông tin sẽ được công khai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu không đôn đốc, giám sát, kiểm tra các nội dung về công bố thông tin của DN…
Với những quy định trên, các nhà quản lý kỳ vọng sẽ minh bạch hóa được thông tin các DNNN, công cụ hữu hiệu nhất để giám sát việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước, giám sát trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước nhằm hạn chế tối đa gian lận, thất thoát, lãng phí nguồn lực trong các DN, góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh cho DN.