Công bố giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững

(ĐTCK) Lễ công bố Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững (SRA) vừa diễn ra tại TP. HCM, đánh dấu một bước tiến quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa DN Việt Nam và các nước trong việc thực hiện SRA.
Ông Reza Ali, Giám đốc thị trường mới nổi của ACCA cung cấp thông tin về giải thưởng “Báo cáo phát triển bền vững 2013" - Ảnh: Nhân dân Ông Reza Ali, Giám đốc thị trường mới nổi của ACCA cung cấp thông tin về giải thưởng “Báo cáo phát triển bền vững 2013" - Ảnh: Nhân dân

Đây là sáng kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và Ban Tổ chức cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (ARA), cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức tài chính quốc tế IFC và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA).

 

SRA là gì?

SRA là một khái niệm còn rất mới mẻ với DN Việt Nam . Theo các chuyên gia, thực hiện SRA chịu tác động của “cầu kéo” là sức ép của cơ quan quản lý và đòi hỏi của chính nhà đầu tư. UBCK đã tổ chức một số lớp tập huấn về SRA cho DN niêm yết và đưa một số nội dung cơ bản của SRA vào Báo cáo thường niên (ARA). Việc đánh giá và xếp hạng SRA ngày càng quan trọng, vì đây là yếu tố khuyến khích DN cạnh tranh làm tốt hơn SRA. Với lý do này, giải thưởng SRA tốt nhất sẽ chính thức ra đời từ năm 2013.

Bà Trần Anh Đào, Giám đốc Quản lý và Thẩm định niêm yết HOSE cho biết, Ban tổ chức cuộc bình chọn ARA quyết định, Cuộc bình chọn lần thứ 6 trong năm 2013 sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với những định hướng xa hơn là hướng DN công khai thông tin và xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên nền tảng phát triển bền vững, thông qua việc đáp ứng các tiêu chí trách nhiệm của DN đối với môi trường và xã hội. Trong khuôn khổ Giải ARA chính thức dành cho các báo cáo thường niên tốt nhất trong Top 10, Top 30 và Top 50, Hội đồng bình chọn sẽ trao thêm Giải thưởng báo cáo SRA đối với các báo cáo thường niên có nội dung về phát triển bền vững, trách nhiệm môi trường và xã hội. IFC và ACCA sẽ đảm nhận các vấn đề chuyên môn về tiêu chí đánh giá, đồng thời, cử người đại diện tham gia làm giám khảo cuộc bình chọn SRA này.

Theo kinh nghiệm của ACCA khi xem xét SRA ở các nước, điểm số dành cho SRA gồm 3 phần, trong đó, tính hoàn thiện chiếm 40% tổng số điểm, độ tin cậy (gồm phần thông tin lập kế hoạch dự phòng rủi ro, thu thập số liệu đánh giá tác động phát triển bền vững, chi phí tài chính…) chiếm 35% và 25% số điểm còn lại cho truyền thông, (là cách tiếp cận, tổng hợp thông tin, sử dụng trang web để phổ biến báo cáo…).

Tất cả các DN niêm yết trên cả HOSE và HNX có báo cáo thường niên công bố thông tin đúng theo quy định đều được tham gia chấm về nội dung phát triển bền vững. Báo cáo SRA được dùng để chấm giải có thể có thể là báo cáo độc lập hay tích hợp vào ARA.

 

Việt Nam đang tụt hậu về báo cáo phát triển bền vững

Nhiều tổ chức tài chính lớn giàu kinh nghiệm hoạt động trên toàn cầu đánh giá Việt Nam đang tụt hậu so với các nước trong khu vực liên quan đến mức độ thực hiện SRA. Ông Reza Ali, Giám đốc thị trường mới nổi của ACCA cho biết, nếu năm 2010, chỉ có 200 DN trong bảng xếp hạng DN lớn trên thế giới của Standard & Poor's lập SRA thì năm 2012 con số này là 500 DN. Ở Trung Quốc, năm 2011 có 701 DN đạt giải SRA và quốc gia này từ năm 2006 đã yêu cầu các DN nhà nước phải lập SRA. Ở Ấn Độ, 100 DN lớn nhất phải công bố SRA. Singapore hay Malaysia cũng đi theo xu hướng này và có các giải thưởng về SRA.

“Trong những năm gần đây, SRA là yêu cầu bắt buộc để tăng giá trị DN với nhà đầu tư và tăng tính chuyên nghiệp của báo cáo thường niên.  Các DN đã công nhận lợi ích của phát triển bền vững giúp thu hút nhiều nhà đầu tư, đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho cổ đông. Các đối tác lớn cũng yêu cầu các nhà cung cấp của mình thực hiện SRA”, ông Reza Ali nhấn mạnh. Theo thống kê của ACCA cũng như của PwC, các DN thực hiện SRA đem lại lợi nhuận cao hơn 10% so với DN cùng ngành nghề.

 

DN tiếp cận SRA như thế nào?

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn DN của PwC chia sẻ, có các cấp độ khác nhau của SRA. Mục tiêu phát triển bền vững có thể được thể hiện trong ARA, SRA tích hợp trong ARA. Cao hơn là phát hành SRA độc lập và được bên thứ ba kiểm chứng trước khi công khai. Ở cấp độ cao của SRA, ở Việt Nam chưa có DN nào thực hiện.

“Các DN có thể tiếp cận dần dần, lựa chọn thực hiện SRA ở mức độ khác nhau. Ban đầu có thể lựa chọn các tiêu chí đơn giản trong Sổ tay hướng dẫn lập SRA mà UBCK và IFC xây dựng và tiêu chí trong GPA - sáng kiến toàn cầu, để thực hiện trước, sau đó bổ sung dần các tiêu chí khác”, ông Thịnh tư vấn.

Chuyên gia của ACCA nhấn mạnh, DN có thể làm bất cứ dạng nào của SRA và công khai, nhưng quan trọng là các mục tiêu phát triển bền vững phải được sự cam kết cao nhất của hội đồng quản trị. Đó không phải là sáng kiến trong thời gian ngắn mà là mục tiêu thường xuyên, lâu dài. Các mục tiêu sáng kiến phát triển bền vững không được tách rời, mà phải gắn với các hoạt động sản xuất - kinh doanh như một mã gen của DN. SRA không phải một phần làm đẹp báo cáo, mà là phần không tách rời của báo cáo thường niên.

Theo bà Trần Anh Đào, rải rác trong ARA của DN niêm yết đã có nội dung liên quan đến SRA, nhưng DN mới chỉ nói lướt qua mà chưa có đánh giá tác động thực tế về sáng kiến phát triển bền vững mang lại. Các mục tiêu phát triển bền vững cũng chưa được thể hiện xuyên suốt và rõ ràng.

Sự ra đời của Giải thưởng báo cáo SRA tốt nhất sẽ là một động lực thúc đẩy các DN, trước hết là DN niêm yết ở Việt Nam, quan tâm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn báo cáo phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Thu Hương
Thu Hương

Tin cùng chuyên mục