Công bố Báo cáo xuất nhập khẩu năm thứ 8 liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.
Công bố Báo cáo xuất nhập khẩu năm thứ 8 liên tiếp

Sáng 16/5, Bộ Công thương công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Lễ công bố nằm trong khuôn khổ Hội thảo ‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Thương mại điện tử và Logistics hiện đại, bền vững’.

Đây là năm thứ 8 liên tiếp, Bộ Công thương công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu, "cẩm nang" chính thống cho các doanh nghiệp, đối tác, nhà quản lý... về tình hình thương mại của nước ta.

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.

Công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023.

Công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023.

Những năm qua, nhờ xuất bản liên tục, Báo cáo Xuất nhập khẩu đã cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm và đánh giá cao.

Báo cáo Xuất nhập khẩu 2023 có một số nội dung mới như: Xuất xứ hàng hóa; Tình hình thực thi các Hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP; Công tác triển khai đàm phán, ký kết, nâng cấp các hiệp định FTA; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu…

Năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sụt giảm tổng cầu, các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.

Vượt qua nhiều trở ngại, cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28,3 tỷ USD.

Cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu tiếp tục được duy trì ổn định, nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Trị giá nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước đạt 288,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh xuất khẩu chung gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 95,5 tỷ USD (giảm 0,3% so với năm 2022), thấp hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), đạt 259,1 tỷ USD (giảm 6,1%).

Xuất khẩu nhóm nông sản, thuỷ sản tăng so với năm trước, trong đó, một số nhóm hàng ghi nhận kim ngạch tăng cao so với năm trước như: xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7%; xuất khẩu gạo đạt 4,7 tỷ USD, tăng 35,3%; xuất khẩu hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18,1%.

Năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 301,1 tỷ USD, giảm 5,7% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Có 6 mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, bao gồm: điện thoại đạt 52,4 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 43,1 tỷ USD, giảm 5,7%; hàng dệt, may đạt 33,3 tỷ USD, giảm 11,4%; giày dép các loại đạt 20,2 tỷ USD, giảm 15,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt khoảng 14,2 tỷ USD, tăng 18,1%.

Cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu tiếp tục được duy trì ổn định, nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Trị giá nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước đạt 288,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Năm qua, công tác điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Bên cạnh đó, nhờ việc mở cửa trở lại sau một thời gian dài áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng dịch Covid-19, xuất khẩu sang thị trường tỷ dân đạt 49,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2022.

Cán cân thương mại theo hướng gia tăng trị giá mức xuất siêu, lần đầu tiên vượt 28 tỷ USD, nhưng Báo cáo cũng chỉ ra, xuất siêu giúp hỗ trợ chính sách tiền tệ, nâng cao dự trữ ngoại hối, tuy nhiên, xuất siêu gia tăng là do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu, cho thấy những khó khăn trong tình hình đơn hàng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Nhu cầu yếu, đơn hàng giảm làm nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất chưa tăng mạnh.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục