Doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội được hưởng mức thuế ưu đãi 10%. Thuế suất 10% cũng được áp dụng đối với thu nhập từ hoạt động báo in của cơ quan báo chí và thu nhập từ hoạt động xuất bản. Áp mức thuế suất 20% đối với thu nhập của các tổ chức tài chính vi mô (bằng với thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa - SME: sử dụng dưới 200 lao động và có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm)...
Trong khi doanh nghiệp lớn phải chịu thuế suất 23%, thì việc SME chỉ chịu thuế suất 20% liệu có công bằng không, thưa ông?
Khoảng 95% trong số hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động là SME và đa số doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động thuộc nhóm này. Vì thế, việc giảm thuế suất với đối tượng này thấp hơn mức phổ thông cũng là công bằng và đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, tạo điều kiện để SME tăng tích tụ, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Chúng ta áp mức thuế 20% đối với SME và việc thực hiện ưu đãi thuế cho một số lĩnh vực, ngành nghề cũng là một trong những hình thức giảm thuế TNDN trong điều kiện chưa thể giảm ngay thuế suất phổ thông xuống 20%. Đây cũng là một trong những biện pháp để thực hiện Chiến lược Cải cách hệ thống thuế, với mục tiêu đặt ra là trong giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách nhà nước tương đương 23 - 24% GDP.
Thưa ông, vì sao Dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi lại cho phép doanh nghiệp bị lỗ trong kinh doanh bất động sản được bù trừ số lỗ đó vào các khoản thu nhập khác?
Việc cho phép doanh nghiệp sau khi bù trừ lãi - lỗ giữa thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư; thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản (nếu có) với nhau mà vẫn còn lỗ, thì số lỗ đó được bù trừ với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh khác trong kỳ tính thuế cũng là một trong những đột phá trong sửa đổi thuế TNDN. Quy định này góp phần khắc phục tình trạng doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản bị lỗ, nhưng không xử lý được lỗ.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lãi hoạt động kinh doanh thể hiện trong Dự thảo được gọi là bù trừ “một chiều”, nên phù hợp với bối cảnh thị trường bất động sản đang sụt giảm, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ. Tuy nhiên, khi thị trường thuận lợi, doanh nghiệp có thu nhập từ các hoạt động này thì vẫn phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế, chứ không được bù trừ với lỗ của hoạt động kinh doanh. Có thể nói, đây là một trong những chính sách quan trọng trong chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp.
Nhiều nước đã bỏ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại, hoa hồng, môi giới..., vậy vì sao Dự thảo Luật Thuế TNDN vẫn khống chế với các chi phí này, thưa ông?
Các nước có trình độ kinh tế, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, vì thế, không phải cứ cái gì người ta quy định thì mình cũng quy định, cái gì người ta bỏ thì mình bỏ.
Số doanh nghiệp muốn bỏ khống chế những khoản chi phí này không nhiều, chủ yếu là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn đa số vẫn muốn duy trì khống chế chi phí chi cho quảng cáo, khuyến mại, tiếp khách..., song mong muốn mở rộng tỷ lệ khống chế. Chính vì vậy, Dự thảo nâng tỷ lệ khống chế từ 10% tổng chi phí hợp lý, hợp lệ lên 15%. Đây là tỷ lệ phù hợp với mong muốn của đại đa số doanh nghiệp và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nền kinh tế nước ta.
Theo ông, cùng với việc giảm thuế suất thuế TNDN, mở rộng các khoản chi được coi là hợp lý, hợp lệ, việc mở rộng ưu đãi thuế sẽ ảnh hưởng thế nào tới nguồn thu ngân sách?
Việc sửa đổi có thể tác động giảm thu ngân sách nhà nước trong vài năm đầu, nhưng nguồn thu này sẽ tăng trưởng ổn định trong trung và dài hạn. Lý do là, các chính sách mới tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công bằng, bình đẳng, nên doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng...