Cơn sốt trà sữa bùng nổ tại Hồng Kông, giá thuê cửa hàng tăng vọt

Tại các trung tâm mua sắm ở Hồng Kông (Trung Quốc), cửa hàng trà sữa mọc lên như nấm sau mưa. Giá thuê mặt bằng bán trà sữa cao cũng vì thế leo thang.
Trà sữa là thức uống hấp dẫn giới trẻ. Ảnh: SCMP. Trà sữa là thức uống hấp dẫn giới trẻ. Ảnh: SCMP.

Tại Hồng Kông, từng có thời kỳ các cửa hàng bán sữa chua, bánh kem hoặc phô mai Nhật Bản độc chiếm những mặt bằng nhỏ trong những trung tâm mua sắm lớn. Tuy nhiên, chúng đang bị thay thế bởi các cửa hàng trà sữa Đài Loan. 

Cơn sốt trà sữa Đài Loan bùng phát tại Hồng Kông từ vài năm qua. "Có khoảng 30 thương hiệu trà sữa đang kinh doanh trong 38 trung tâm mua sắm của chúng tôi ở Hồng Kông. Con số này chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa", tờ South China Morning Post dẫn lời bà Maureen Fung Sau-yim, Giám đốc điều hành Sun Hung Kai Properties. 

Công ty bất động sản này đang quản lý hơn 38 trung tâm mua sắm tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục với tổng diện tích sàn là 929.000 m2. 

Doanh số cao, tiền thuê mặt bằng đắt

Ước tính các cửa hàng trà sữa đã thuê gần 10.000 m2 mặt sàn tại các trung tâm mua sắm ở Hồng Kông. Và hàng loạt trung tâm liên tục chào mời các thương hiệu trà sữa. Nguyên nhân là các cửa hàng trà sữa thường trả tiền thuê mặt bằng cao hơn vì đạt doanh số lớn.

Ước tính doanh số của một cửa hàng trà sữa tính theo m2 có thể đạt tới 1.367-2.744 USD/m2, cao gấp 2,5-4 lần các cửa hàng đồ ăn thức uống khác.

"Doanh số càng cao thì cửa hàng sẽ trả tiền thuê mặt bằng càng nhiều. Mối quan hệ giữa cửa hàng và chủ mặt bằng dựa trên doanh số", tờ South China Morning Post dẫn lời một chuyên gia bất động sản nhấn mạnh. 

Ông Kevin Lam, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield, cho biết doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng trà sữa thường chọn mặt bằng chỉ rộng khoảng 23-27 m2 trong những trung tâm mua sắm đông đúc với giá thuê lên đến 426-554 USD/m2. 

“Nhiều thương hiệu trà sữa nổi tiếng khác của Đài Loan và đại lục còn chưa đến Hồng Kông. Đây là lĩnh vực phát triển với tốc độ chóng mặt”, ông Kevin Lam nhấn mạnh. 

"Các cửa hàng trà sữa có thể trả tối đa tiền thuê mặt bằng 12.000 USD/tháng (với diện tích chưa đến 30 m2). Cửa hàng phải gần trường học, văn phòng và các địa điểm thu hút giới trẻ, ví dụ như Mong Kok, Jordan và khu trung tâm. Các trung tâm mua sắm sầm uất thu hút lượng khách hàng trẻ tuổi lớn, là đối tượng khách hàng quen thuộc của các cửa hàng trà sữa", ông cho biết. 

Thay đổi lớn sau 20 năm

Ông Kevin Lam nhận định mô hình kinh doanh trà sữa đã thay đổi đáng kể trong 20 năm qua. Trước đây, hầu hết cửa hàng bán trà sữa là quán cà phê, phục vụ thêm đồ ăn nhẹ.

Ngành kinh doanh trà sữa chỉ thực sự bùng nổ từ 5-6 năm trước với sự xuất hiện ồ ạt của các cửa hàng quy mô nhỏ. "Mức đầu tư ban đầu không quá lớn, nhưng việc duy trì hoạt động kinh doanh là một thách thức đáng kể", ông cho biết.

Bà Helen Mak, Giám đốc cấp cao của Công ty tư vấn Knight Frank, cho biết tính đến tháng 7/2018 ở Hồng Kông có tới 62 thương hiệu trà sữa và 282 cửa hàng. Đến nay con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. 

Thành công vang dội của thương hiệu trà sữa Heytea ở Trung Quốc đại lục đã thu hút nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào lĩnh vực màu mỡ này. Ông Tony Lo, Giám đốc Midland IC&I, nhận định, kinh doanh trà sữa bùng nổ trong thời điểm thị trường bản lẻ đang chững lại. 

Giá thuê tại các cửa hàng mặt phố ở Mong Kok và Causeway Bay đã giảm khoảng 30-40% so với mức đỉnh điểm hồi năm 2014. Nhờ đó, doanh nghiệp trà sữa dễ dàng săn lùng các địa điểm trung tâm hơn so với trước đây.

"Khoảng 3-4 năm trước, cửa hàng trà sữa rất khó chen chân được vào các trung tâm mua sắm lớn", ông Lo nói. 


Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục