Cơn sốt IPO trong năm 2022 sẽ dịu đi sau một năm bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số lượng kỷ lục các công ty thị trường mới nổi đã niêm yết vào năm 2021, tuy nhiên sức hấp dẫn của các cổ phiếu sau khi niêm yết đã giảm dần.
Cơn sốt IPO trong năm 2022 sẽ dịu đi sau một năm bùng nổ

Khẩu vị rủi ro giảm dần, các biến thể virus SARS-CoV2 lây lan nhanh và lãi suất cao hơn đang là những yếu tố thách thức đối với thị trường chứng khoán trong những tháng tới.

Nhu cầu huy động vốn cao hơn và kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2021 đã thúc đẩy 1.161 công ty từ các thị trường mới nổi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu. Tổng cộng các công ty đã huy động được 228 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Ignacio Arnau, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Bestinver Asset Management, công ty quản lý tài sản có khoảng 8 tỷ USD cho biết: “Năm 2021, đặc biệt là trong nửa đầu năm, chúng tôi đã chứng kiến ​​sự bùng nổ của các đợt IPO liên quan đến lĩnh vực công nghệ trên khắp các quốc gia thị trường mới nổi. Có cả yếu tố giá trị cơ bản và khan hiếm thúc đẩy khẩu vị rủi ro gia tăng trên thị trường”.

Ông Arnau cho biết, sự đổ xô của vào các công ty niêm yết mới có thể đã thỏa mãn một số nhu cầu thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

“Có rất nhiều công ty chất lượng cao với những khái niệm đã được chứng minh, mô hình kinh doanh có lợi nhuận và tình hình tài chính tuyệt vời đang giao dịch với mức định giá rất rẻ”, ông cho biết.

Theo dữ liệu của Bloomberg, trong năm 2021, Trung Quốc đã dẫn đầu các đợt IPO của các nền kinh tế đang phát triển với 602 thương vụ niêm yết mới, tiếp theo là Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Brazil.

Số thương vụ IPO ở các quốc gia trong năm 2021

Số thương vụ IPO ở các quốc gia trong năm 2021

Dữ liệu cho thấy, kể từ khi những cổ phiếu đó bắt đầu giao dịch, giá cổ phiếu đã tăng trung bình là 30% trong năm 2021. Cụ thể, các công ty tại thị trường mới nổi khu vực châu Á có mức tăng 37%, các công ty ở Trung Đông và châu Phi có mức tăng 27%. Trong khi đó, các cổ phiếu tại khu vực Mỹ Latinh và châu Âu lần lượt giảm 14% và 13% kể từ khi ngày niêm yết đầu tiên.

Hiệu suất trung bình của các cổ phiếu niêm yết trong năm 2021 tại các thị trường
Hiệu suất trung bình của các cổ phiếu niêm yết trong năm 2021 tại các thị trường

Sự phân hoá về hiệu suất tăng giá sau khi niêm yết có thể liên quan đến xu hướng phục hồi trong khu vực, cũng như các loại hình mà công ty hoạt động. Cổ phiếu hàng tiêu dùng, công nghiệp và công nghệ châu Á mới niêm yết nằm trong số những cổ phiếu tăng giá, cũng như nhiều công ty niêm yết từ Trung Đông và châu Phi trong lĩnh vực tiện ích và năng lượng.

Trong khi đó, ngành công nghiệp truyền thông ở khu vực châu Âu lại sụt giảm và các thị trường Mỹ Latinh nói chung bị kéo xuống bởi rủi ro chính trị và tiếp tục ảnh hưởng bởi đại dịch.

Bước sang năm 2022, các quy định kiểm soát của Bắc Kinh và các quy định mới đối với việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra nước ngoài của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới động lực cho các đợt IPO. Cơ quan quản lý thị trường vốn của Ấn Độ cũng đã thắt chặt các quy tắc khi các công ty dựa trên công nghệ tiêu dùng để huy động vốn và niêm yết, trong khi một số công ty trong số đó vẫn chưa có lãi.

Mặc dù vậy, nhà sản xuất pin lớn thứ hai thế giới ở Seoul và một công ty bảo hiểm Ấn Độ với hơn 1,2 triệu đại lý là một trong số các thương vụ được kỳ vọng nhất trong năm nay. Dubai cũng có kế hoạch niêm yết một loạt các công ty nhằm thu hút các nhà đầu tư và lặp lại thành công của các thị trường Abu Dhabi và Riyadh, vốn được hưởng lợi từ đợt bùng nổ IPO vào năm ngoái.

Trong khi đó, tại Brazil, các ngân hàng đầu tư đang kỳ vọng các giao dịch IPO sẽ chậm lại khi lãi suất tăng và nước này đang phải đối mặt với một cuộc bầu cử tổng thống gây chia rẽ. Một số người cho rằng có thể có tới 10 đợt IPO của Brazil trong năm nay, giảm so với con số 50 vào năm 2021.

Trong số các nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm cổ phiếu thị trường mới nổi vào năm 2022, BlackRock có quan điểm trung lập và ưu tiên các cổ phiếu từ các nước phát triển. Các ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, Morgan Stanley và JPMorgan đang dự báo hoạt động IPO sẽ suy yếu kéo dài cho đến ít nhất là nửa cuối năm.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục