Cơn sốt dot-com trở lại?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Forbes ước tính đến hết năm 2023, tài sản của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng tổng cộng 490 tỷ USD, trong đó có 8 người là tỷ phú lĩnh vực công nghệ, gợi lại cơn sốt dot-com những năm cuối thế kỷ trước.
Cơn sốt dot-com trở lại?

Cổ phiếu công nghệ thăng hoa

Trong năm 2023, tài sản của 500 tỷ phú thế giới tăng thêm 1.500 tỷ USD, chủ yếu nhờ giá trị cổ phiếu công nghệ tăng lên mức cao kỷ lục bất chấp lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát kéo dài, lãi suất cao và bất ổn địa chính trị. Đặc biệt, các tỷ phú công nghệ đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng 48%, tương đương tăng 658 tỷ USD, nhờ các khoản đầu tư vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, tỷ phú Mỹ Elon Musk, chủ sở hữu Tesla, SpaceX và mạng xã hội X, đã trở thành người giàu nhất hành tinh với giá trị tài sản tăng thêm 95,4 tỷ USD, đạt khoảng 227 tỷ USD.

Năm 2023, ông Musk chủ yếu dành thời gian cho mạng xã hội X (tên trước đây là Twitter). Tuy nhiên, tài sản của ông vẫn tăng mạnh nhờ Tesla và SpaceX. Cổ phiếu hãng xe điện Tesla đã tăng hơn 100% trong năm 2023. Công ty hàng không vũ trụ SpaceX cũng được định giá tới 150 tỷ USD hồi tháng 7/2023, nhờ hàng chục vụ phóng tên lửa thành công trong năm. Sau một năm 2022 đau thương khi mất tới 138 tỷ USD, thì năm 2023 là một năm thành công của vị tỷ phú ngành công nghệ này.

Xếp thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất thế giới là tỷ phú Jeff Bezos. Cổ phiếu Amazon năm 2023 đã tăng gần 80%, việc này giúp tài sản của nhà sáng lập Amazon tăng lên 65 tỷ USD, đạt khoảng 178 tỷ USD tính tới cuối năm 2023.

Từng là người giàu nhất thế giới thời điểm đầu năm 2023, nhưng đến hết năm, tỷ phú Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn kinh doanh hàng xa xỉ LVMH, lùi về vị trí thứ 3 với khối tài sản khoảng 165 tỷ USD do nhu cầu với hàng hóa xa xỉ giảm mạnh trên toàn cầu. Năm 2023, LVMH đã chứng kiến giá trị sụt giảm 150 tỷ USD khi giá cổ phiếu của tập đoàn này giảm mạnh, khiến tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới không còn là công ty giá trị nhất châu Âu.

Ở vị trí thứ 4 là cái tên quen thuộc, tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft. Giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng đến 55% trong năm 2023, đưa Microsoft trở thành công ty lớn thứ 2 thế giới về giá trị vốn hóa thị trường (giá trị 2.730 tỷ USD), chỉ xếp sau Apple (giá trị 2.870 tỷ USD). Năm 2023 là năm của AI và Microsoft đã đi trước một bước so với các đối thủ khi đầu tư hàng tỷ USD cho AI. Đầu năm 2023, Microsoft đã thương mại hóa AI và bổ sung công cụ ChatGPT vào bộ sản phẩm của hãng trước nhiều đối thủ cạnh tranh lớn như Google và Amazon.

Xếp thứ 5 trong danh sách này là tỷ phú Mark Zuckerberg, CEO của Meta Platforms. Sau năm 2022 đáng quên, Mark Zuckerberg đã có màn lật ngược tình thế ấn tượng trong năm 2023 khi tài sản của ông tăng thêm hơn 80 tỷ USD, đạt khoảng 134 tỷ USD. Năm 2022, cổ phiếu Meta giảm 65%, khiến vốn hóa công ty bốc hơi 600 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023 cổ phiếu công ty mẹ Facebook đã tăng hơn 178%.

Trong nước, không nằm ngoài làn sóng chung, nhóm cổ phiếu công nghệ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có năm 2023 khởi sắc. Trong đó, cổ phiếu FPT tăng hơn 47%, chốt năm ở mức 96.100 đồng, có lúc đạt mức 100.000 đồng/cổ phiếu, qua đó giúp ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT lọt vào Top 10 tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu CMG của Tập đoàn Công nghệ CMC cũng có mức tăng mạnh 39% trong năm qua, chốt năm ở mức 43.500 đồng/cổ phiếu.

Đây là 2 tập đoàn công nghệ đáng chú ý nhất trên thị trường Việt Nam và hiện cũng đã có cuộc chạy đua phát triển AI. Ngoài ra, năm qua, FPT cũng tiếp tục chiến lược M&A các công ty công nghệ nước ngoài để mở rộng thị trường hoạt động trên toàn cầu.

AI dẫn đầu xu hướng

Dù AI không phải khái niệm mới, mà đã được biết đến từ những năm 1970, nhưng đến năm 2023 nó mới bùng nổ mạnh mẽ với sự ra đời của mô hình GPT (do OpenAI phát triển). Sau ChatGPT, một loạt hãng công nghệ khác tung ra các sản phẩm AI tương tự và mới đây nhất là Gemini của Google DeepMind. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy, thế giới đang bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của AI. Giới chuyên gia nhận định, ứng dụng ChatGPT, Gemini hay AI nói chung đang là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới, bởi AI góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn mà không đe dọa chính con người.

Giữa năm 2023, giám đốc điều hành (CEO) của các công ty AI hàng đầu thế giới cùng hàng trăm nhà nghiên cứu và chuyên gia đã cùng ký vào tuyên bố, nhấn mạnh rằng việc giảm thiểu nguy cơ từ AI phải là ưu tiên toàn cầu. Hơn 50 tập đoàn và tổ chức nghiên cứu như Meta, IBM, Intel, Sony, Dell, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA)... đã cùng thành lập Liên minh AI nguồn mở nhằm bảo đảm một phương thức hợp tác cởi mở và minh bạch hơn trong việc phát triển công nghệ này. Theo giới chuyên gia, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đi tiên phong với các cuộc thảo luận nhằm xây dựng quy định pháp lý toàn diện đầu tiên trên thế giới về sử dụng AI một cách an toàn, công bằng, bảo đảm các quyền cơ bản của con người. Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn AI được tổ chức tại Anh đã nhất trí Tuyên bố Bletchley với chữ ký của đại diện 27 quốc gia (trong đó có những nước hàng đầu về phát triển và ứng dụng AI như Mỹ và Trung Quốc) cùng EU, với 5 mục tiêu bao trùm hướng tới phát huy tinh thần đồng thuận và trách nhiệm chung liên quan những rủi ro, cơ hội và tiến trình thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đảm bảo sử dụng và nghiên cứu AI an toàn. Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng đã công bố bộ quy tắc quốc tế toàn diện đầu tiên về hệ thống AI tiên tiến gồm 11 khuyến nghị. Tất cả đều đang chuẩn bị cho sự phát triển của công nghệ AI trong tương lai.

Sau khi ra mắt thành công ứng dụng ChatGPT vào cuối năm 2022, doanh thu OpenAI lần đầu tiên vượt mốc 1,6 tỷ USD, tăng 700% so với doanh thu năm 2022. Điều này khiến OpenAI là một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất ở Mỹ. Hiện chưa rõ khối tài sản của ông Sam Altman, người đồng sáng lập và CEO của OpenAI là bao nhiêu sau sự bùng nổ của ChatGPT, nhưng một trong những người hưởng lợi từ làn sóng AI nhiều nhất phải kể đến ông Jensen Huang, đồng sáng lập kiêm CEO hãng chip Nvidia. Việc sản xuất được các loại chip AI đã giúp cổ phiếu của hãng chip Nvidia tăng hơn 230% năm 2023, từ đó vốn hóa công ty tăng lên 1.200 tỷ USD, đưa ông Huang vào top 20 người giàu nhất Mỹ.

Qui Ánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục