Thông tin từ Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, một trong những biện pháp cơ bản của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên nguyên tắc tự nguyện đã được diễn ra mạnh mẽ.
Cụ thể, đến nay, đã có 9 tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác, 4 tổ chức tín dụng được mua lại (không bao gồm 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng) nhằm tăng quy mô, năng lực cạnh tranh và cơ cấu lại hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cũng theo cơ quan này, diễn biến trên đã khẳng định việc khuyến khích sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện là chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam để cơ cấu lại hệ thống tín dụng và giảm số lượng tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém.
Theo đó, sau giai đoạn quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành, hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm 20 tổ chức, nhờ 1 NHTM nhà nước sáp nhập vào 1 NHTM nhà nước khác; 4 NHTM cổ phần sáp nhập vào 4 NHTM cổ phần khác; 3 NHTM cổ phần hợp nhất thành 1 NHTM cổ phần; 1 ngân hàng liên doanh sáp nhập vào 1 ngân hàng nước ngoài khác; rút giấy phép 1 ngân hàng liên doanh; 1 NHTM cổ phần hợp nhất với 1 công ty tài chính; chuyển giao tài sản công nợ và đóng cửa 6 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đóng cửa và thanh lý 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (chưa bao gồm 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý); giải thể, rút giấy phép 1 công ty cho thuê tài chính; thu hồi giấy phép 1 công ty tài chính (để sáp nhập vào công ty mẹ)…
Đến nay, đã có 9 tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác, 4 tổ chức tín dụng được mua lại (không bao gồm 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng) nhằm tăng quy mô, năng lực cạnh tranh và cơ cấu lại hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tại buổi công bố báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Đông Á -Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức đầu tuần này tại Hà Nội, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB nêu quan điểm, sau quá trình sáp nhập, cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam có giảm về số lượng, nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng nhỏ cần hợp nhất…
Những ngân hàng trong nhóm có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng được thị trường điểm danh đến như Viet A Bank, VietBank, VietCapital Bank, Kien Long Bank, Saigonbank…
Trong số các ngân hàng này, VietA Bank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ từ 3.098 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng từ giữa năm 2015. Theo đó, VietABank đã phát hành hơn 17 triệu cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần (10,8 triệu cổ phần) và từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (hơn 6,25 triệu cổ phần) và từ 21/12/2015 đến 24/12/2015, Ngân hàng chào bán 23,13 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT VietA Bank cho biết, Ngân hàng đã tăng thành công vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng vào cuối tháng 12 năm ngoái.
Theo lộ trình tăng vốn của ngân hàng này, đến năm 2015, vốn điều lệ phải tăng lên mức 5.000 tỷ đồng. Còn theo Nghị quyết ĐHCĐ năm 2015 của VietA Bank, dự kiến trong quý III và quý IV/2015, Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ đợt 2 từ 3.500 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng và đến năm 2016 sẽ tăng vốn từ 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng…
Tìm hiểu của ĐTCK, một số ngân hàng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ “khủng”, nhưng đến nay thị trường vẫn chưa nhận được thông tin về kết quả của các đợt tăng vốn này.
Trong ĐHCĐ thường niên 2016 được tổ chức tới đây, VietBank cũng như một vài ngân hàng khác chưa thấy đề cập đến việc tăng vốn điều lệ trong năm nay.
Vốn chủ sở hữu lớn được biết đến là nền tảng tài chính hoạt động của các ngân hàng, là “gối đệm” cho rủi ro hoạt động, bù đắp thiệt hại nếu chẳng may ngân hàng có nợ xấu mất vốn. Vốn lớn cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến việc mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô tăng trưởng của ngân hàng, đồng thời nâng cao uy tín của ngân hàng, không phải đẩy lãi suất huy động cao… Vì vậy, những ngân hàng vốn nhỏ sẽ gặp nhiều áp lực trong hoạt động, khó cạnh tranh.
Vốn chủ sở hữu lớn được biết đến là nền tảng tài chính hoạt động của các ngân hàng, là “gối đệm” cho rủi ro hoạt động, bù đắp thiệt hại nếu chẳng may ngân hàng có nợ xấu mất vốn.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất huy động lên cao chủ yếu là câu chuyện liên quan đến thanh khoản. Các ngân hàng nhỏ buộc phải cho vay trung, dài hạn (như bất động sản, một lĩnh vực cho vay khá hấp dẫn, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn. Theo đó, khi có nhu cầu vốn để trả cho các khách hàng huy động ngắn hạn, các ngân hàng nhỏ phải huy động với lãi suất cao nhằm lôi kéo, cạnh tranh với các ngân hàng lớn trong việc thu hút khách hàng…
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam, tháng 4/2016 của Khối nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC nhận định, trong tháng 2/2016, NHNN đã đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 36, với một số quy định mới như giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn từ 60% xuống 40%. NHNN cũng sẽ nâng hệ số rủi ro tín dụng của các khoản cho vay bất động sản và chứng khoán từ 150% lên 250%, nhằm tăng cường quản lý rủi ro với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
“Tăng trưởng trong ngành bất động sản và dịch vụ tài chính không có dấu hiệu cải thiện đáng kể… Việc kiềm chế cho vay bất động sản và tập trung vào chất lượng tín dụng giúp ngăn chặn những rủi ro mới trong ngành ngân hàng. Chúng tôi ủng hộ phương thức thận trọng này của NHNN”, báo cáo của HSBC viết.
Ông Sandeep Mahajan cũng cho rằng, hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn có quá nhiều ngân hàng nhỏ nên việc giảm xuống 17 ngân hàng là cần thiết, nhưng rất khó để đạt tốc độ này trong năm 2017. Bên cạnh đó, việc hợp nhất không phải là nhanh chóng hạ số lượng ngân hàng xuống, mà quan trọng hơn là phương thức, quy trình sáp nhập, hợp nhất phải chặt chẽ.
“Con số ngân hàng được xử lý không quan trọng bằng những cải cách của NHNN”, ông Mahajan nói.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát, NHNN cho hay, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục cơ cấu lại triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng; kiên quyết xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng đa năng, hiện đại, hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình, có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, chuẩn mực an toàn hoạt động phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế...