Cơn khát ngũ cốc giảm dần của Trung Quốc gây rắc rối cho nông dân trên toàn thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc suy thoái kinh tế ở Trung Quốc đang bắt đầu thể hiện rõ trong lĩnh vực nông nghiệp khi các nông dân đang đối mặt với tình thế khó khăn do nhu cầu suy giảm.
Cơn khát ngũ cốc giảm dần của Trung Quốc gây rắc rối cho nông dân trên toàn thế giới

Căng thẳng trên khắp các thị trường toàn cầu đã thể hiện rõ. Xuất khẩu lúa mạch của Pháp sang Trung Quốc đã giảm mạnh trong khi Mỹ vẫn chưa bán được một lô ngô đầy đủ cho mùa vụ mới. Những người nông dân trồng lúa mì ở Úc có thể sẽ lo lắng khi họ chuẩn bị bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới trong những tuần tới.

Không điều gì trong số này sẽ sớm thay đổi và sự kết hợp giữa dân số già hóa và nền kinh tế đang suy thoái báo hiệu điều không tốt cho tương lai. Các công ty kinh doanh hàng hóa và nông dân sẽ cần phải bắt đầu điều chỉnh theo triển vọng nhu cầu khác xa so với quá khứ. Ngay cả khi lo ngại về an ninh lương thực khiến nhập khẩu tăng mạnh trong nhiều năm tới, thì sự tăng trưởng nhanh chóng trong hai thập kỷ qua có thể đã kết thúc.

"Mọi người đang trở nên bi quan hơn về nền kinh tế và nhu cầu… Các nhà nhập khẩu sẽ rất thận trọng, mua chậm hơn và chỉ mua với số lượng nhỏ nhất có thể để đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Tác động từ sự sụp đổ của lòng tin đang diễn ra ở khắp mọi nơi", Ivy Li, nhà phân tích thị trường hàng hóa tại StoneX cho biết.

Sự suy thoái của Trung Quốc đã làm tổn hại đến lòng tin của người tiêu dùng, thúc đẩy các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu, từ đó cũng hạn chế lượng cây trồng cần thiết để nuôi một đàn lợn lớn.

Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để cố gắng bảo vệ nông dân, thông qua việc yêu cầu các công ty hạn chế mua ngô, lúa mạch và lúa miến từ nước ngoài, trong một nỗ lực nhằm giảm bớt tình trạng cung vượt cầu trầm trọng hơn do một đợt mua sắm ồ ạt vào đầu năm. Cuối cùng, những lô hàng này đã đổ về các cảng của Trung Quốc ngay khi mức tiêu thụ giảm xuống. Quốc gia này cũng đã có động thái giảm sử dụng bột đậu nành trong thức ăn chăn nuôi.

Thương mại thu hẹp

Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc vào đầu thế kỷ này đã biến quốc gia này thành một cường quốc tiêu thụ hàng hóa từ ngũ cốc đến kim loại và dầu mỏ, và khiến các quốc gia giàu tài nguyên tăng cường sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Ngành nông nghiệp của riêng Trung Quốc rất lớn, nhưng nhu cầu nuôi sống 1,4 tỷ người đã khiến nước này đã trở thành một nước nhập khẩu đậu nành khổng lồ trong những năm qua và gần đây hơn là một nước nhập khẩu lúa mì lớn.

Đối với mùa vụ bắt đầu vào tháng 9, dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy nước này chỉ bán được 13.400 tấn ngô cho Trung Quốc, so với hơn 564.000 tấn một năm trước đó. Trong suốt giai đoạn 2023-2024, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 63%. Các lô hàng từ Brazil cũng giảm.

Kim ngạch xuất khẩu lúa mạch của Pháp - bao gồm cả mạch nha dùng để sản xuất bia - đang giảm gần 50% trong mùa vụ này từ cảng Rouen quan trọng so với một năm trước.

"Chúng tôi đang chứng kiến ​​một chút đóng băng trong hoạt động kinh doanh", Philippe Heusele, chủ tịch quan hệ quốc tế tại Intercereales cho biết.

Đậu nành

Một hàng hóa chủ chốt mà Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu là đậu nành, trong đó Brazil và Mỹ là những quốc gia được hưởng lợi lớn từ hoạt động thương mại này. Sản lượng trong nước của Trung Quốc vẫn còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu, ngay cả khi nhu cầu đã chậm lại.

Brazil đã chứng kiến ​​lượng xuất khẩu kỷ lục sang Trung Quốc vào đầu năm nay nhờ đậu nành giá rẻ, được sử dụng để làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi cho lợn. Nhưng cho đến nay, Mỹ đã bán được chưa đến 5 triệu tấn để giao trong mùa vụ 2024 - 2025 - mức thấp nhất trong 16 năm ngoài cuộc chiến thương mại 2018 - 2019 và giảm 25% so với một năm trước.

Paulo Sousa, chủ tịch Cargill tại Brazil cho biết: "Nhu cầu của Trung Quốc không còn mạnh như trước đây… Chúng tôi không thấy sự tăng trưởng đáng kể như những năm trước".

Và nông dân địa phương không phải là những người duy nhất cảm thấy áp lực, khi lợi nhuận của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống lớn tại Trung Quốc giảm mạnh 88% trong nửa đầu năm do người tiêu dùng trở nên tiết kiệm hơn.

Kiểm tra chặt chẽ hơn

Triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn ảm đạm, với tình trạng giảm phát có dấu hiệu tăng vọt và mục tiêu tăng trưởng hàng năm của quốc gia này trong năm nay có vẻ ngày càng xa tầm với.

Trung Quốc "đã tuyên bố đầu năm nay mục tiêu là cải thiện thu nhập cho các nhà sản xuất ngũ cốc Trung Quốc và thúc đẩy hiệu quả hơn trong nông nghiệp, điều này ngụ ý rằng Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với hàng nhập khẩu trong tương lai…Nhưng cũng có mối lo ngại rõ ràng về nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc", Tanner Ehmke, chuyên gia kinh tế trưởng về ngũ cốc và hạt có dầu tại CoBank cho biết.

Trong khi nông dân và các công ty kinh doanh hàng hóa nước ngoài có thể nhìn thấy lợi nhuận giảm, thì mặt tích cực đối với người tiêu dùng toàn cầu là ngũ cốc rẻ hơn có thể làm giảm áp lực lên lạm phát lương thực đã tăng vọt sau xung đột Nga - Ukraine. Một ẩn số khác hướng đến năm 2025 là kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, có thể làm đảo lộn dòng chảy thương mại nếu người chiến thắng có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.

Một vấn đề khó lường nữa là thời tiết, điều này có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch giảm mua hàng từ nước ngoài. Trung Quốc đã buộc phải cho gia súc ăn một phần lớn lúa mì trong nước vào năm ngoái sau thiệt hại do mưa, và thúc đẩy hoạt động nhập khẩu sau đó.

Trung Quốc là nước mua lúa mì lớn nhất của Úc trong vài năm qua.

Andrew Weidemann, người điều hành một trang trại rộng 4.000 ha ở trung tâm Victoria, phía đông nam Úc cho biết thường vận chuyển khoảng một phần năm lượng ngũ cốc của mình sang Trung Quốc. Ông dự kiến ​​khối lượng đó sẽ giảm một nửa.

“Bất cứ điều gì xảy ra ở Trung Quốc đều sẽ có tác động rất lớn đến thị trường ở mọi nơi khác", ông Andrew Weidemann nói.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục