Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng đã tăng hơn 2%, đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 2/2013. Theo đó, giá vàng giao ngay chạm mức 1.678,58 USD/ounce trước khi giảm nhẹ. Giá vàng tương lai tại Mỹ tăng lên mức 1.664,6 USD/ounce và đang duy trì quanh ngưỡng này.
Tại thị trường trong nước, giá vàng có thời điểm nhảy vọt lên mức trên 49 triệu đồng/lượng, gần đạt đỉnh lịch sử năm 2011.
“Nhà đầu tư không muốn nắm giữ cổ phiếu, bán tháo trên thị trường và nhanh chóng rót tiền vào các tài sản an toàn. Trong đó, vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu, nhất là khi môi trường lãi suất thấp trên toàn cầu nhiều khả năng sẽ kéo dài”, Michael McCarthy, chiến lược gia trưởng thị trường hàng hóa tại CMC Market nhận định.
Đáng chú ý, báo cáo vừa được công bố của Goldman Sachs nhận định, thị trường chứng khoán có thể giảm thêm 10% nữa khi tình hình dịch bệnh có diễn biến nghiêm trọng hơn. Đây là lý do giá vàng còn nhiều dư địa để tăng trưởng và mới ở giai đoạn đầu của xu hướng tăng giá.
Theo các số liệu lịch sử, từ trước tới nay, giá vàng mới chỉ 2 lần có bước tăng thần tốc. Lần thứ nhất vào năm 1980 khi kim loại quý này tăng từ 216 USD/ounce lên 850 USD/ounce, nguyên nhân từ việc lạm phát cao do giá dầu tăng mạnh, sự can thiệp của Liên Xô tại Afghanistan, cách mạng tại Iran...
Lần thứ hai vào tháng 9/2011, khi giá vàng nhảy vọt lên mức 1.926 USD/ounce chỉ trong 1 ngày, kể từ mốc lịch sử 1.800 USD/ounce 2 tuần trước đó. Trong lần này, nguyên nhân chủ yếu từ việc khủng hoảng kinh tế để lại hậu quả kéo dài, căng thẳng địa chính trị bùng nổ ở nhiều nơi, ngân hàng trung ương liên tiếp hạ lãi suất và mua vàng dự trữ quốc gia thay cho USD.
Hiện tại, sau 8 năm giao dịch có vẻ trầm lắng, giá vàng đã lại “lên cơn điên” năm 2020. Đà tăng lần này xuất phát từ mối lo ngại khi bệnh dịch Covid-19 bùng nổ và có nguy cơ lan rộng trên toàn cầu. Theo giới chuyên gia, có nhiều lý do tạo động lực cho đà tăng này.
Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với kinh tế toàn cầu. Năm 2003, khi dịch SARS diễn ra, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và dịch bệnh này khiến tăng trưởng GDP tổn thất từ 0,5 – 1%. Trong khi đó, hiện tại, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và dịch bệnh có thể làm trầm trọng hơn đà giảm tốc của Trung Quốc đại lục.
Thứ hai, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có xu hướng hạ lãi suất thay vì tăng lãi suất. Đây là yếu tố rất tích cực đối với giá vàng. Chưa kể, khi nền kinh tế toàn cầu chịu tổn thất vì Covid-19, nhiều ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vào bổ sung vào quỹ dự trữ quốc gia.
Nhận định diễn biến giá vàng trong ngắn hạn, các chuyên gia cùng quan điểm, vàng đang nhận được nhiều hỗ trợ để chạm tới ngưỡng cao mới là 1.700 USD/ounce trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức đỉnh lịch sử hơn 1.900 USD/ounce vào năm 2011 liệu có bị vượt qua? Trả lời câu hỏi này, một số thành viên thị trường, chuyên gia thậm chí dự báo giá vàng có thể chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce trong vài năm tới.
Tại Việt Nam, giá vàng tăng vọt ngay từ phiên mở cửa sáng nay (24/2/2020) với mức tăng trên 900.000 đồng/lượng lên mức gần 47 triệu đồng/lượng với vàng SJC, nhưng sau đó liên tục tăng phi mã, cập nhật tới thời điểm 17h chiều đã vượt lên 49 triệu đồng/lượng. Nhiều người quan tâm tới giá có thể là nguyên nhân khiến trang web của SJC truy cập rất chậm, thậm chí nhiều lúc bị "đơ" cuối giờ chiều nay.
Giá vàng trong nước hiện đã cao hơn giá vàng thế giới (quy đổi) khoảng 1,7 triệu đồng/lượng, và đặc điểm đáng chú ý của mỗi lần tranh mua là khoảng doãng giữa giá mua - bán đang được các công ty kinh doanh vàng để rất xa. Bảo Tín Minh Châu để chênh lệch mua bán là 1,4 triệu đồng/lượng, còn SJC để chênh lệch 1,2 triệu đồng/lượng. Đây là khoảng giá "an toàn" cho các công ty kinh doanh vàng mỗi khi có biến động nhanh, nhưng với người tiêu dùng cần rất thận trọng vì mua vào giá cao, nhưng nếu ban ngay sẽ lỗ rất nặng.
Mỗi khi có tín hiệu này, người tiêu dùng cần lưu tâm tránh hiệu ứng đám đông, đổ xô mua có thể gây thiệt hai tài chính ngắn hạn.