Khóc dở mếu dở với chủ đầu tư "nhiều không"
Gần chục năm trước, hai chị em bà Trương Thị Mây rủ nhau rút tiền tiết kiệm, tổng cộng gần 1,5 tỷ đồng để mua 2 căn hộ tại một dự án chung cư 28 tầng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dự án ở vị trí khá thuận tiện, sẵn chợ, nhiều cửa hàng, lại cách không xa nhà các con. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án sẽ hoàn thành trong 3 năm kể từ khi được cấp giấy phép.
Trớ trêu là khi công trình đang xây thô tới tầng thứ 8 thì bất ngờ dừng thi công. Lý do được phản ánh là... không thể liên hệ được với giám đốc công ty. Rất nhiều năm sau đó, khối bê tông sắt thép 8 tầng dở dang vẫn sừng sững đúng vị trí ấy. Tiền của những nhà đầu tư như bà Mây đương nhiên bị chôn vô thời hạn.
Không ít dự án cũng rơi vào cảnh "rùa bò", thậm chí không thể "bò" như trên vì năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư. Có trường hợp, chủ dự án sau khi thu tiền của khách hàng lỡ đầu tư "gối" vào những lĩnh vực khác nhưng thua lỗ nên không thể huy động thêm nguồn vốn để tiếp tục công trình.
Ở một lát cắt khác, có những khách hàng may mắn hơn khi đã được vào ở chính căn hộ mình đã bỏ tiền mua. Thế nhưng, thay vì yên ổn, cư dân lại phải lao vào cuộc chiến trường kỳ mới, với chính đơn vị đã xây nên ngôi nhà của mình.
Rất nhiều người ở Hà Nội vẫn nhớ câu chuyện hy hữu khi cư dân một dự án chung cư bất ngờ nhận được tin lối vào duy nhất sẽ bị thu hẹp 2/3 vì phần diện tích ấy vốn là do chủ đầu tư thuê của một đơn vị khác làm... lối đi tạm. Nay hợp đồng hết hạn, mọi người phải hoàn trả. Điều này đồng nghĩa, lối vào một chung cư hàng nghìn người sinh sống sẽ bé tới mức 2 ô tô tránh nhau cũng khó.
Cũng lại có chuyện hiếm có khác khi nhiều cư dân một chung cư giữa Thủ đô không quản đêm ngày căng băng rôn tố chủ đầu tư chặn cửa thoát hiểm phục vụ một quán cafe trong tòa nhà.
Hay, mới đây, ngay giữa lúc Covid-19 căng thẳng nhất, rất nhiều người sống ở một chung cư tại Hà Nội cực chẳng đã, phải bịt khẩu trang xuống phố căng băng rôn kêu cứu. Nguyên nhân bởi trước đó tòa nhà bất ngờ bị cắt điện. Kêu cứu mãi, cuối cùng chủ đầu tư đã phải chạy máy phát điện cho cư dân dùng tạm. Từ máy phát điện này, người dân phản ánh, khói đen mù mịt xuất hiện và thậm chí là dầu tràn ra tầng hầm, gây nguy cơ cháy nổ.
Thấu hiểu những bất cập ấy, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thừa nhận, trên thị trường không thiếu chủ đầu yếu về năng lực tài chính, khả năng khai thác cũng như vận hành. Rất nhiều dự án xảy ra tranh chấp, cư dân phải kêu cứu vì chủ đầu tư vẽ nên dự án rất đẹp, quy mô nhưng khi xây dựng thì cắt xén, thậm chí không hề triển khai. Bởi thế, theo ông, thời điểm khó khăn hiện tại cũng là lúc thanh lọc, giúp thị trường phát triển tốt hơn.
Nên đặt hy vọng vào tên tuổi lớn
Nói kỹ hơn về sự sàng lọc thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, mùa dịch đã làm lộ rõ sự mạnh - yếu của những đơn vị kinh doanh bất động sản. Thời gian ngắn không bán được hàng cũng đủ khiến chủ đầu tư lực mỏng khó gánh được áp lực trả lãi và nợ gốc. Hậu quả có thể là vỡ nợ và buộc phải chuyển nhượng dự án.
Theo quan sát của ông Đính, hiện tượng chào mời cổ phần, bán một phần dự án hay cả dự án đã xuất hiện trên thị trường. Điều này với khách mua hàng là rủi ro không nhỏ bởi khi bị mua đi bán lại, dự án có thể rơi vào tay những chủ dự án thiếu năng lực vận hành, khai thác. Ngược lại, nếu không chuyển nhượng được dự án, cả công trình sẽ rơi vào cảnh đình đốn, chậm tiến độ. Trong quá trình ấy, phần thiệt bao giờ cũng rơi vào chính những người đã bỏ tiền mua nhà.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, càng những khi khó khăn, người mua càng nhận ra, mua nhà tại những dự án chủ đầu tư năng lực yếu kém khổ thế nào. Đơn cử như việc nhiều dự án không hề có hệ sinh thái, tiện ích, dịch vụ đi kèm. Có dự án trong thiết kế đủ tiện ích nhưng có khi cả chục năm sau khi giao nhà, cư dân mới được hưởng dịch vụ như trong cam kết ban đầu.
Ngược lại, theo ông, thị trường vẫn có rất nhiều doanh nghiệp không hề "chộp giật", có nguồn lực cũng như chiến lược phát triển bền vững, dài hạn. Cư dân của những dự án này không phải chịu cảnh đợi công trình "đắp chiếu"mà được hưởng sự vận hành chuyên nghiệp, thậm chí đủ tiện ích, dịch vụ trước khi nhận nhà. Đây là những dấu hiệu tốt giúp người mua nhà có thể nhận ra chủ đầu tư “khỏe”, tin tưởng được lâu dài.
Từ góc độ người trong nghề, ông Nguyễn Văn Đính cảnh báo, nhiều dự án đưa ra mức giá rất hấp dẫn để mời chào khách nhưng thực tế, với chất lượng, tiện ích, dịch vụ nghèo nàn, giá trị thật có thể thấp hơn số tiền bỏ ra rất nhiều.
"Có những chủ đầu tư vẽ ra dự án giống những đại gia trên thị trường để bán nhà giá cao nhưng không triển khai nổi", vị chuyên gia chỉ ra và tin tưởng, sau nhiều khó khăn do Covid-19 gây ra, người dân sẽ có cái nhìn cẩn trọng hơn.
"Tốt nhất mọi người nên tìm tới những dự án có thương hiệu với chủ đầu tư khỏe, có tên tuổi lớn", ông Đính tổng kết.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng hơn một lần nhấn mạnh lời khuyên ấy với những người đang có tiền nhàn rỗi. Theo ông, đây là thời điểm tốt để xuống tiền bởi khi hết dịch, giá nhà sẽ không còn tốt như hiện tại. Những dự án của chủ đầu tư uy tín theo ông luôn có tính thanh khoản tốt. Thời hậu Covid-19, những địa chỉ ấy sẽ càng nóng hơn bao giờ hết.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com