Còn ai làm lồng đèn truyền thống ở làng nghề Phú Bình?

Vài ngày trước Trung thu, làng Phú Bình vẫn tất bật sản xuất. Lượng đơn hàng ở mỗi nhà không biến động nhiều, nhưng số hộ dân còn sống với nghề đã giảm hơn 50% so với năm ngoái.

Không giống nhiều năm về trước, giờ rất khó để tìm một nhà làm lồng đèn giấy kiếng trên những con hẻm nhỏ trong giáo xứ Phú Bình (đường Lạc Long Quân, quận 11).

"Trước đây có khi phải đến cả trăm nhà làm, nay chỉ hơn 10 nữa thôi”, anh Trọng Thành - một nghệ nhân ở làng Phú Bình nói với Zing.vn.

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm này, một số nghệ nhân cho rằng lợi nhuận không cao, lại phải làm thủ công và thời vụ nên không nhiều người tiếp tục gắn bó. 

Thực tế, theo khảo sát của Zing.vn, mỗi gia đình ở làng nghề Phú Bình sản xuất khoảng 4.000-5.000 lồng đèn, thu về trung bình 20-30 triệu đồng trong mùa Trung thu năm nay. Trong khi đó, công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ khoảng tháng 3-4 để kịp đáp ứng đơn hàng. 

Còn ai làm lồng đèn truyền thống ở làng nghề Phú Bình? ảnh 1

Một số nghệ nhân cho rằng lợi nhuận không cao, lại phải làm thủ công và thời vụ nên không nhiều người tiếp tục gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống. Ảnh: Văn Nguyện.

"Công việc chính của tôi là chạy xe ôm, đến khoảng tháng 5-6 sẽ nghỉ hẳn để làm lồng đèn", ông Nguyễn Văn Quyền - một nghệ nhân khác cho biết.

"Tuy nhiên, giới trẻ bây giờ thích công việc văn phòng ổn định hơn, không thể làm vài tháng lại xin nghỉ ở nhà vẽ lồng đèn, chỉ có người lớn tuổi như chúng tôi vẫn còn đam mê", anh Trọng Thành nhận định. 

Thi thoảng, anh Thành vẫn tổ chức lớp dạy làm lồng đèn giấy bóng kính (giấy kiếng), đồng thời hướng dẫn cho con cháu trong nhà. Tuy nhiên, anh nhận thấy mọi người chỉ học nhằm khám phá thêm chứ không có ý định theo nghề hay kiếm sống bằng nghề.

"Thú thực, ai muốn học tôi sẵn sàng truyền nghề; nhưng bây giờ không có ai, tôi đành tiếp tục làm đến bao giờ có thể vậy", anh chia sẻ.

Hầu hết nghệ nhân làm lồng đèn truyền thống ở đây đều là thế hệ thứ 2,3 của làng nghề. Một số người xuất phát từ nhân công phụ việc ở các cơ sở, sau khi tay nghề vững bắt đầu tách ra làm riêng, đến nay cũng gắn bó 20-30 năm. 

Trải qua nhiều thập kỷ, làng Phú Bình vẫn là địa chỉ quen thuộc của các đại lý và người yêu thích lồng đèn giấy kiếng. Tuy nhiên, sự phổ biến của lồng đèn và đồ chơi điện tử khiến không ít nghệ nhân phiền lòng. 

Còn ai làm lồng đèn truyền thống ở làng nghề Phú Bình? ảnh 2

Lồng đèn truyền thống thường được bày bán phía bên trong lồng đèn và đồ chơi điện tử. Ảnh: Văn Nguyện. 

Lồng đèn truyền thống vẫn được bày bán nhiều ở các cửa hàng, đại lý phân phối trên đường Lạc Long Quân (quận 11), Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), Trần Hưng Đạo (quận 1)…

Tuy nhiên, lượng lồng đèn này thường được trưng bày phía bên trong các lồng đèn và đồ chơi điện tử. Thậm chí ở một số cửa hàng tạp hóa, đèn ông sao và đèn giấy kiếng nói chung còn không được bày, chỉ khi khách đến hỏi mua mới đưa ra.

Giải thích nguyên do, một chủ cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình) cho hay, trẻ con thích lồng đèn điện tử với màu sắc, hình thù và âm thanh hơn.


zing.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục