Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương bầu 19 ủy viên Bộ Chính trị. Đến nay 8/19 người đã nhận trọng trách mới ở các cơ quan của Trung ương Đảng và ở hai thành phố lớn nhất nước.
Đó là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tổ chức Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng.
Tại hội nghị Trung ương lần hai này, Bộ Chính trị đề nghị kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII từ ngày 21/3 đến 16/4.
Theo quy chế làm việc, Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử ba chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Đồng thời xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn.
Ban Chấp hành Trung ương sẽ quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử ba vị trí lãnh đạo cao nhất của Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với từng chức danh.
Việc này từng được thực hiện tương tự ở Hội nghị Trung ương 14 khóa trước (tháng 1/2016, trước Đại hội Đảng XII).
Qua đó, thống nhất giới thiệu khóa mới xem xét giới thiệu ba ủy viên Bộ Chính trị là ông Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an), ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó thủ tướng Chính phủ) và bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó chủ tịch Quốc hội) ứng cử lần lượt vào chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Trong số tám ủy viên Bộ Chính trị còn lại, hai người tái đắc cử là Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Sáu người lần đầu trúng cử Bộ Chính trị chưa có quyết định phân công nhiệm vụ mới là đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Ngô Xuân Lịch; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Đối với các chức danh khác trong bộ máy nhà nước, Trung ương cho ý kiến căn cứ trên phương án nhân sự do Bộ Chính trị trình; còn thẩm quyền quyết định nhân sự cụ thể (chính thức giới thiệu để Quốc hội bầu, phê chuẩn) thuộc về Bộ Chính trị.
Các chức danh này bao gồm: Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quốc hội, các chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, các bộ trưởng, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước.