Sáng nay (25/12), TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại CTCP Xây dựng và Lắp máy điện nước số 3 (COMA 3).
Năm 2004, Công ty Xây dựng lắp máy và điện nước số 3 thuộc Bộ Xây dựng thực hiện cổ phần hóa, chuyển thành CTCP Xây dựng và lắp máy điện nước số 3 (COMA 3), Nhà nước chiếm 62% vốn điều lệ. COMA 3 có một Trung tâm đấu thầu và quản lý sản xuất và các đội sản xuất, là đơn vị thành viên trực thuộc công ty, hoạt động theo phân cấp và ủy quyền của công ty và.
Tuy nhiên, đội sản xuất cũng được nhận khoán với công ty, khi đó đội hoàn toàn chủ động và chịu trách nhiệm về vốn mà đội huy động để thực hiện công việc giao khoán. Mọi thua lỗ, tổn thất phải được xác định rõ trách nhiệm và phải bồi thường. Đội sản xuất phải nộp đủ và đúng thời gian các chứng từ hợp lý, hợp lệ chuyển về công ty để duyệt quyết toán. Giá trị chi phí không được chấp nhận thì đội phải tự chịu.
Cũng trong năm 2004, T.D.H. (nơi ở Thanh Xuân, Hà Nội) là kỹ sư xây dựng, chuyển công tác từ Công ty công nghệ địa vật lý (Bộ Tài nguyên và môi trường) và được COMA 3 bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm đấu thầu và quản lý sản xuất. Đồng thời COMA 3 cũng bổ nhiệm T.D.H. làm Đội trưởng Đội sản xuất số 2.
Với chức vụ đội trưởng, T.D.H. có được trực tiếp ký hợp đồng giao nhận khoán với công ty, có quyền giải quyết và cân đối các vấn đề như nhân sự, vốn... Ngoài ra, là Giám đốc Trung tâm đấu thầu, T.D.H. được tạm ứng tiền để thi công công trình và sau khi được tạm ứng, T.D.H. đã chi tiêu cá nhân với số tiền 1,8 tỷ đồng đến nay không có khả năng trả lại.
Cụ thể, từ năm 2003 đến năm 2008, COMA 3 ký hợp đồng thi công 11 công trình với trị giá 158 tỷ đồng sau đó giao cho T.D.H. thi công 11 công trình đó với giá trị 127 tỷ đồng. Trong đó, có 2 hợp đồng đã thi công xong và thanh lý hai hợp đồng nhưng còn 9 hợp đồng chưa thi công xong, chưa thanh lý.
Quá trình thi công, đã tạm ứng của COMA 3 119,8 tỷ đồng và đã chuyển chứng từ về thanh toán trị giá 111,4 tỷ đồng còn lại 8,3 tỷ đồng đã sử dụng hết nhưng không có chứng từ thanh toán. Từ năm 2008 đến nay, COMA 3 chưa có quyết định giải thể đội sản xuất số 2 nhưng thực tế đội sản xuất này không hoạt động, nhân công tự nghỉ việc, chuyển đi nơi khác, T.D.H. cũng không đến COMA 3 làm việc.
Sau khi lấy được tiền tạm ứng, T.D.H. đã sử dụng chi tiêu cá nhân nhưng không ghi sổ kế toán, không có sổ theo dõi riêng nên không ai biết, T.D.H. cũng không xác định được số tiền này lấy ra từ chứng từ tạm ứng nào, công trình nào, việc lấy tiền diễn ra trong thời gian này nên T.D.H. không nhớ từng lần sử dụng.
Số tiền còn lại 6,59 tỷ đồng T.D.H. không có dấu hiệu chiếm đoạt. Thực tế, T.D.H. chi không có chứng từ nhưng thực tế có chi vào hoạt động của đội sản xuất như trả lãi vay để đầu tư vào công trình, chi tiền cho người lao động dịp lễ, tết, chi mua vật tư thi công nhưng chưa lấy được hóa đơn.
Không chỉ thế, vụ việc T.D.H. chỉ là một phần trong số khoản tiền mà COMA 3 đã cho vay, tạm ứng nay không thu hồi được. Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra, theo đó COMA 3 cho 37 đối tượng vay nhưng sau đó các đối tượng này tự ý nghỉ, bỏ việc, chuyển công tác khác tổng số tiền không thu hồi được là 47,9 tỷ đồng. Sau khi có kết luận thanh tra, Văn phòng chính phủ đã có công văn giao cơ quan điều tra làm rõ sai phạm về quản lý và sử dụng vốn tại Tập đoàn Sông Đà (trong đó có Tổng công ty Cơ khí xây dựng là thành viên).
Cơ quan điều tra xác định ngoài T.D.H., COMA 3 còn cho 35 cán bộ nợ tiền tạm ứng là 12,77 tỷ đồng trong đó có người đã chết, có người đã chuyển công tác, nhiều người không có địa chỉ và chỉ có 4 người có hồ sơ tạm ứng. Tuy nhiên, do không thấy có dấu hiệu phạm tội, Cơ quan điều tra giao lại cho công ty và chủ đầu tư thanh lý hợp đồng, kiểm tra.
Đối với T.D.H., sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo 10 năm tù giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.