Cởi nút thắt cổ chai cho các dự án quanh sân bay Tân Sơn Nhất

(ĐTCK) Tình trạng hạ tầng đô thị quá tải, ách tắc giao thông… là mối lo lớn của các doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là những doanh nghiệp có dự án tại điểm nóng như gần Sân bay Tân Sơn Nhất.
TP.HCM vừa khởi công xây dựng 2 cầu vượt tại các nút giao thông dẫn vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Việt Dũng TP.HCM vừa khởi công xây dựng 2 cầu vượt tại các nút giao thông dẫn vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Việt Dũng

Nơi tập trung nhiều “ông lớn”

Với lợi thế về vị trí, nhiều tuyến đường quanh khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất được các chủ đầu tư lớn, có uy tín trong ngành chọn làm nơi đặt dự án. Nhất là ở hướng đường Nguyễn Văn Trỗi, đường Phạm Văn Đồng ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất, hay đường Phổ Quang, Hồng Hà, Hoàng Minh Giám, Đào Duy Anh… đã thu hút được nhiều dự án nhà cao tầng và trung tâm thương mại, văn phòng…

Trong đó, Tòa nhà văn phòng Waseco ở ngay đầu đường Phổ Quang là một trong những tòa nhà cao tầng đầu tiên và hiện đã đi vào hoạt động. Tòa nhà gồm 2 khu với chiều cao hơn 10 tầng, có tổng diện tích khoảng 30.000 m2. Đây là nơi được nhiều tổ chức, công ty đặt trụ sở và văn phòng giao dịch, bởi có vị trí lý tưởng, thuận tiện cho các hoạt động kinh doanh.

Với địa thế “năm phút tới sân bay”, những năm gần đây xuất hiện nhiều dự án căn hộ, văn phòng cao cấp trong khu vực này. Ngay kế bên Tòa nhà văn phòng Waseco là dự án Sky Center do Hung Thinh Land làm chủ đầu tư. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án nằm trên lô đất có tổng diện tích gần 12.000 m2, trong đó diện tích khu căn hộ rộng gần 9.000 m2, khoảng 3.000 m2 còn lại là diện tích cho khu văn phòng. Mỗi block của căn hộ Sky Center cao 16 tầng, gồm 96 căn hộ.

Cách đó không xa là những dự án lớn do Novaland làm chủ đầu tư như DG Golden Mansion, GardenGate và Botanica Premier. Trong đó, Dự án DG Golden Mansion có tổng diện tích hơn 15.000 m2, gồm 709 căn hộ và 34 nhà phố.

Tuy nhiên, điều khiến chủ đầu tư và người mua căn hộ ở đây lo lắng là cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp với tốc độ gia tăng dân số. Do là cửa ngõ của Sân bay Tân Sân Nhất và là nơi giao cắt bởi nhiều tuyến đường chính, trong khi mặt đường nhỏ, nên khu vực này thường xuyên ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm hoặc những ngày cuối tuần. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng thanh khoản của các dự án ở đây, khi khách hàng vẫn dè chừng trong việc quyết định xuống tiền.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước vấn đề kẹt xe đang là mối lo lớn của các doanh nghiệp địa ốc TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc phát triển đô thị phải song hành với phát triển hạ tầng giao thông. HoREA đề nghị, với tình hình như hiện nay, để thị trường không gặp khó, thì các doanh nghiệp địa ốc phải tham gia phát triển hạ tầng giao thông trước khi thực hiện dự án.

Xác định tình trạng kẹt xe đang là vấn đề cần phải được giải quyết ngay, đặc biệt là ở cửa ngõ ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền TP.HCM đã có nhiều giải pháp như xây dựng tuyến xe buýt, đường cao tốc trên cao, mở rộng tuyến đường…

Đặc biệt, vừa qua TP.HCM đã đồng loạt khởi công 2 dự án cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và tại nút giao đường Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm. Tổng mức đầu tư của 2 công trình lên tới hơn 520 tỷ đồng, tiến độ xây dựng dự kiến hoàn thành trong 6 tháng.

Ngoài xây 2 cầu vượt, dự án còn cải tạo, mở rộng đường ra vào nút giao thông để đảm bảo cho xe lưu thông thoát nhanh qua giao lộ với mục tiêu là giảm ùn tắc giao thông một số tuyến đường trọng điểm, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực quận Tân Bình nói riêng và Thành phố nói chung.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, anh Nam, người vừa đặt mua căn hộ của dự án trên đường Hoàng Minh Giám cho biết: “Trước đây, tôi cũng định mua ở đây bởi vị trí đẹp, không gian thoãng đãng, nhưng thấy vấn đề đi lại khó khăn, thường xuyên kẹt xe, nên vẫn còn đắn đo. Nay được tin Thành phố vừa khởi công xây dựng 2 cầu vượt, tình trạng ùn tắc sẽ được khắc phục, nên tôi quyết định xuống tiền”.

Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM chia sẻ, trong thời gian xây dựng công trình, lòng đường sẽ bị thu hẹp lại so với ban đầu. Khả năng lưu thông trên tuyến đường bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.

“Chúng tôi đã có những phương án, tổ chức phân luồng giao thông nhằm hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng. Do đó, người tham gia giao thông qua khu vực công trình cần phải tuân thủ theo hướng dẫn, tổ chức phân luồng của Sở đã công bố”, ông Tám cho biết.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục