Cõi mơ Mai Châu

(ĐTCK) Xưa xửa xừa xưa, Mai Châu (Hòa Bình) có tên gọi là Mương Mai. Xưa nữa là Mương Mùn, vì vùng đất này bị kẹp giữa suối Xia và suối Mùn. Từ khoảng thế kỷ 13, người Thái từ vùng Khước Hà (Lào Cai) đã về đây định cư và gây dựng nên mảnh đất tươi đẹp này. 

Từ Hà Nội, thẳng tắp theo Đại lộ Thăng Long 60 - 70 km sẽ đến được TP. Hòa Bình. Đi tiếp 30 km nữa là gặp dốc Cun dài cỡ 12 km. Gọi là dốc đấy, nhưng đường quanh co, ngoằn ngoèo, giật mình nghiêng ngả. Xe đi hết dốc, quay đầu nhìn lại ngỡ như mình vừa đi qua đường nối mặt đất với bầu trời.

Cho xe chạy tiếp sẽ đến đèo Thung Nhuối. Đứng từ đây nhìn xuống đã thấy thung lũng Mai Châu xinh đẹp hiện ra dưới tầm mắt. Còn nhớ hôm ấy là một chiều mưa tháng 7.

Không phải mùa hoa ban, hoa cải, không phải mùa du lịch đông đúc, nhưng Mai Châu vẫn đẹp và bừng sáng trong mưa, khiến lòng người dâng lên một cảm xúc bình yên diệu kỳ.

Cơn mưa rừng mới đó đã làm đường sá lênh láng nước. Nhưng nhờ lợi thế gầm cao của chiếc Honda CR-V mà chúng tôi dễ dàng vượt qua, tìm đúng đường đến Mai Châu Hideaway Resort.

Resort nằm ngay cạnh hồ Hòa Bình, cách bản Lác nổi tiếng khoảng 20 km, có nhiều khu nhà sàn thiết kế theo cấu trúc nhà cổ của người Mường.

Tuy xưa cũ nhưng trông vẫn sang trọng, hiện đại. Thế mà anh bạn đi cùng tôi lại khẳng định, nhà được thiết kế theo phong cách Rustic thế kỷ trước.

Tranh luận một hồi, không ai chịu nhường ai, tôi và anh quyết đi một vòng để tìm thêm chứng cứ cho nhận định của mình. Cô lễ tân xinh đẹp, tóc dài, da trắng đứng đó vốn đã nghe được cuộc đối thoại giữa chúng tôi từ lâu.

Không chút ngại ngùng, cô nhanh nhẹn “đòi” đi theo với mục đích hướng dẫn và giới thiệu về Mai Châu Hideaway một cách công bằng, đứng ngoài mọi sự tranh luận đúng sai.

Đầu tiên, cô dẫn chúng tôi qua các khu nhà sàn nghỉ dưỡng. Mỗi khu nhà đều có nhiều đặc trưng văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc như Mường, Dao, Hmong…

Những vật liệu tự nhiên như tre, gỗ, dây thừng được sử dụng một cách linh hoạt mang đến cảm giác vô cùng thân thiện. Những căn nhà ấm cúng được ngăn cách với nhau bằng lối đi đầy cây xanh và hoa nở cứ thế ùa ra đón khách nhiệt tình.

Sau đó, cô dẫn chúng tôi tham quan một số căn phòng view đẹp, vì chúng “đắt khách” quanh năm. Mỗi phòng đều có một ban công hướng ra hồ, ra núi. Phòng family suite thì có tới 2 mặt chan hòa ánh sáng. Bình minh lên có thể nằm ườn ra ban công ngắm cảnh, tối về thưởng thức bữa tối với rượu vang ở đây, thì mọi sự đời đều bị quên lãng.

Cứ thế, cô gái người Mường dắt 2 vị khách lạ đi vòng quanh khu resort những 2 lần mà không bị phát hiện. Về lại quầy lễ tân, chẳng ai còn nhớ mục đích “tour thăm quan” vừa rồi là gì, vì hiện giờ tôi và anh đã chuyển sang tranh luận chuyện ở phòng nào phù hợp. Cuối cùng, tôi tin tưởng giao trọng trách này cho cô lễ tân. Cô gợi ý phòng executive suite view hồ, gần bể bơi vô cực. Chốt!

Buổi tối ở miền núi khác xa phố thị. Không tivi, không smartphone, không còi xe, không quán bar hay nhạc sống sôi động. Tất cả là cây, là cỏ, là sông, là hồ, là mùi ẩm ướt của sương đêm, là sự tự do tuyệt đối cho tâm hồn hít thở. Sự yên tĩnh hoàn toàn, cùng cảnh sắc thanh tịnh khiến người ta dễ nhầm tưởng mình vừa tới một nơi tu thiền.

Tắm rửa xong, chúng tôi xuống nhà hàng. Bữa ăn nóng hổi vừa được dọn lên, trông tròn vị và đầy đặn. Món lợn thả rông thui vàng bày trên lá chuối kèm muối rang và hạt dổi nướng.

Thịt lợn vùng này có vị ngọt, giòn, béo ngậy mỡ màng nhưng không ngấy. Món chả cuốn lá bưởi thơm thơm giòn giòn, gãy mảnh lẫn vào thịt săn vàng, khi ăn để lại cảm giác tê tê đầu lưỡi.

Tiếp đến là món thịt trâu nấu lá lổm chua - món ăn phổ biến của người Mường Hoà Bình, hơi giống canh dưa chua thịt ba chỉ mẹ tôi thường nấu. Cuối cùng là bát măng chua nấu thịt gà đơn giản mà ngon ấn tượng. Ngoài những thứ đó, menu còn nhiều món đặc trưng khác như thịt lợn muối chua, cá nướng đồ, cơm lam, rau rừng hay rượu cần.

Mấy đứa đi cùng ăn lấy ăn để, vừa xuýt xoa khen ngợi tôi có tài mò mẫm. Chỗ đẹp, chỗ ngon nào cũng biết, làm cánh mũi tôi phập phồng. May mà mọi thứ ở Mai Châu Hideway tuyệt hơn trên mạng, chứ không thì… tôi cũng toi đời với chúng nó chẳng đùa.

Ăn uống no say, tôi cố tình ra quầy lễ tân xem cô gái ban chiều có còn ở đó. Ngang qua thấy em đang hướng dẫn đoàn nghệ thuật vào khu biểu diễn.

Theo em ra sân khấu, tôi gặp một nhóm bạn trẻ cùng vài người địa phương đang say sưa hát những bài ca của người Hmong. Đôi chân chùn lại trước cái gọi là thần thái và sự say mê của họ. Những lời ca mộc mạc, giản dị làm rực sáng cả bầu trời đêm Mai Châu.

Bình minh ở núi rừng bắt đầu sớm hơn phố thị. Khoảng 5 giờ sáng mà vầng mặt trời đỏ đã nhấp nhô. Từ căn phòng executive suite nhìn ra cửa sổ là một khoảng núi rừng vô cùng rộng lớn, trông như vịnh Hạ Long trên cạn.

Không để phí thêm thời gian, tôi quyết định nhanh chóng thả mình vào lòng bể bơi vô cực. Quả là nguồn nước từ suối cao chảy xuống, tuy trong vắt nhưng cực kỳ lạnh. Tốt nhất là leo lên bờ, ngắm bình minh và check in thôi.

Từ “con mắt” của người ham vui, tôi đánh giá khu resort này rất phù hợp với người thích nghỉ dưỡng, thích cảnh đồng quê, xa lánh trốn bụi trần để trở về với thiên nhiên, đất trời, tìm lại chính mình trong những gây phút nhẹ nhàng thư giãn.

Càng ngắm càng thấy nể phục tài năng của những nhà đầu tư Mai Châu Hideaway. Từ một vùng đất trống, địa hình hiểm trở, ít khu lưu trú, họ đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn để dựng xây lên khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp như ngày hôm nay.

Ở Mai Châu Hideaway, chẳng cần đi đâu xa, tôi có thể được ăn, được bơi, được đạp xe, chèo kayak ở lòng hồ Hòa Bình, leo núi, tắm thác, câu cá, đọc sách, hoặc thư giãn tại Spa… Các hoạt động tuy không mới, nhưng vẫn đủ sức hút để mang đến niềm vui suốt kỳ nghỉ.

Loanh quanh mãi với cây cỏ cũng chán, tôi lấy một chiếc xe từ resort, đạp sang con đường nhỏ uốn lượn quanh các nhà sàn êm ả xinh xắn, nhiều cây xanh. Hết đường nhỏ là những con dốc ngược, xẻ núi tìm đến bản làng thưa thớt và bình yên.

Rẽ vào một bản người Thái đông đúc không biết tên, tôi đạp chậm lại ở những khoảng sân lớn có bày khung cửi. Ban đầu thì tưởng là vật trưng bày, nhưng đi sâu hơn cũng gặp được một khung cửi đang miệt mài đưa thoi trong dáng vẻ e ấp của bộ váy áo dân tộc.

Lân la hỏi chuyện, cô gái vui vẻ giới thiệu các loại thổ cẩm nhiều hoa văn, họa tiết và màu sắc rực rỡ đang dệt. Nào là vỏ gối, vỏ chăn, khăn chít ngang đầu, váy dài trùm kín gót ôm chặt lấy đôi chân nhằm tạo nên những đường eo thon duyên dáng, dịu dàng kín đáo.

Dưới đôi bàn tay “dệt úp tay thành hoa, dệt ngửa tay thành lá” của cô, những cuộn tơ với nhiều màu sắc khác nhau ấy đã trở thành những tấm vải thổ cẩm có giá trị cao. Tôi tiện tay với lấy một chiếc khăn đội đầu xem thử.

Hoa văn đơn giản, nhưng đầy đủ gam màu mang tinh hoa trời đất. Nào là màu xanh của cây lá, nào là rực rỡ trắng đỏ hoa rừng được tỏa sáng bởi ánh vàng nắng mặt trời. Từng đường dệt đều thể hiện sự khéo léo, kỳ công, sự kiên trì, tinh tế và vẻ đẹp tâm hồn của người con gái. Họ đã phải vất vả biết bao nhiêu để dệt nên những tấm thổ cẩm có tiếng tăm như vậy.

Tôi hỏi giá chiếc khăn đội đầu đang cầm trên tay, thực sự muốn mua vì nó đẹp và lạ, chứ không phải vì tấm lòng cảm thông. “Em không bán đâu”, cô trả lời trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt dệt một chiếc khác.

Hóa ra người Thái quan niệm “Con gái nối nghiệp dệt hoa, con trai nối nghiệp dòng họ”. Đã là con gái Thái thì ngoài việc lao động giỏi, chăm chỉ làm nương làm ruộng, còn phải biết kéo tơ, dệt vải. Đến tuổi lấy chồng, người con gái phải tự tay dệt chăn, áo gối trang hoàng cho hạnh phúc lứa đôi của mình.

Thì ra ,cô đang ngồi dệt quần áo cưới cho mình. Tôi bối rối không nói nên lời trước câu hỏi vô tình vừa nãy, đành chuyển sang hỏi đường đến các khu du lịch hấp dẫn của Mai Châu.

Cô vui vẻ nói về thác Gò Lào, hồ Ba Khan, khu hang động nổi tiếng, hay chỗ chèo bè mảng trên hồ Hòa Bình. Thực sự, cô làm tôi ấn tượng bởi tấm lòng chân thật, đôn hậu của mình. Chứ ở phố thị kiểu gì tôi cũng đã bị nhìn bằng ánh mắt kỳ cục.

Hai ngày một đêm tôi trải nghiệm Mai Châu, tuy thời gian ít ỏi, nhưng đủ để vẻ đẹp tinh khôi, mộc mạc của núi rừng, nương rẫy, của các cô gái dân tộc hớp hồn. Sự hòa hợp nhịp nhàng giữa con người và thiên nhiên chính là thế mạnh để đưa du lịch Mai Châu lên một tầm cao mới.

Khi tôi đến trời mưa không dứt, khi tôi về bầu trời đang mưa chuyển nắng, dồn mây cho mọng nước.

Thùy Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục