Theo đó, kể từ ngày 10/8 đến ngày 24/8, cổ phiếu CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha (Mã chứng khoán CDP – UPCoM) bất ngờ tăng 75,2% lên 24.000 đồng/cổ phiếu và thanh khoản trung bình 20 phiên tăng 311% so với giai đoạn trước khi tăng.
Diễn biến cổ phiếu CDP (Nguồn: Fireant) |
Hiện tại, sau chuỗi tăng 10 phiên liên tiếp, cổ phiếu CDP đang giao dịch vùng quá mua kéo dài và có dấu hiệu RSI hướng xuống, điều này cảnh báo khả năng sẽ bước vào giai đoạn giảm điểm khi lực mua suy giảm và áp lực chốt lời gia tăng.
Được biết, cổ phiếu Codupha tăng khi có thông tin Bộ Y tế chỉ định là đơn vị được phép nhập khẩu ủy thác sản phẩm thuốc điều trị Covid-19, giới đầu tư đặt kỳ vọng công ty có thể hưởng lợi khi được nhập khẩu thuốc điều trị Covid-19.
Một tập đoàn lớn ở Việt Nam tài trợ toàn bộ chi phí để nhập 5 triệu viên Molnupiravir thông qua Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha - với tư cách đơn vị NKUT của số lượng thuốc này.
Toàn bộ số thuốc nói trên do Bộ Y tế quản lý và quyết định phân bổ thuốc tới các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Codupha với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán: “Codupha không đặt mục tiêu lợi nhuận từ giao dịch nhập khẩu ủy thác cho các chương trình tài trợ/viện trợ thuốc cho Chính phủ để điều trị các bệnh nhân Covid-19. Đối với các giao dịch nhập khẩu ủy thác thông thường sẽ thu phí, tuy nhiên đối với việc nhập khẩu ủy thác thuốc điều trị Covid-19 trong chương trình tài trợ/viện trợ để chung tay cùng Chính phủ và Bộ Y tế điều trị bệnh nhân Covid-19, Công ty chỉ thu phí tượng trưng và không tính đến mục tiêu lợi nhuận”.
Như vậy, hoạt động nhập khẩu ủy thác thuốc điều trị Covid-19 của Codupha sẽ không mang lại lợi ích kinh tế cho công ty như kỳ vọng của một số nhà đầu tư trong giai đoạn vừa qua. Khi nhà đầu tư kịp nhận ra công ty không hưởng lợi như kỳ vọng, đà tăng của cổ phiếu Codupha sẽ khó duy trì và thậm chí có thể bị bán ngược trở lại như giai đoạn tháng 8/6 đến 14/7, cổ phiếu giảm từ 24.000 đồng về còn 10.900 đồng/cổ phiếu, tức giảm 54,6% trong giai đoạn ngắn.
Thêm nữa, Codupha sẽ không tham gia vào việc nhập khẩu vắc xin Covid-19 vì các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới hiện chỉ bán trực tiếp cho Chính phủ.
Trong phiên họp với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 ngày 15/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân. Khuyến khích các doanh nghiệp, các địa phương tìm nguồn, kết nối, mua vắc xin nhưng Bộ Y tế phải thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng vắc xin bảo đảm an toàn, hiệu quả, cấp phép, bảo quản, lưu trữ, chủ trì tiêm miễn phí cho toàn dân.
6 tháng đầu năm hoạt động kinh doanh của Codupha gặp khó
Xét về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm Codupha ghi nhận doanh thu đạt 1.265,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10,25 tỷ đồng, lần lượt giảm 9,2% và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp duy trì 6,6% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 9,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 8,56 tỷ đồng về còn 83,07 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 43,7%, tương ứng tăng 3,33 tỷ đồng lên 10,94 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 18,1%, tương ứng giảm 4,23 tỷ đồng về 19,13 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (Lợi nhuận gộp – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 21,5% so với 6 tháng đầu năm 2020, tương ứng giảm 5,72 tỷ đồng về 20,86 tỷ đồng.
Như vậy, trong kỳ lợi nhuận tăng trưởng chủ yếu do doanh thu tài chính tăng và giảm chi phí tài chính. Hoạt động kinh doanh cốt lõi không tăng trưởng và thậm chí còn giảm tới 21,5%.
Được biết, trong năm 2021, Codupha đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 3.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 28 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 12,9 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành được 46,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nếu nhìn rộng từ giai đoạn 2016 tới 2020, doanh thu năm 2016 là 3.211,7 tỷ đồng, tới năm 2020 đạt 2.957,1 tỷ đồng, giảm gần 8%; lợi nhuận năm 2016 là 21,4 tỷ đồng, năm 2020 là 18,7 tỷ đồng, giảm 12,9%. Đặc biệt, năm 2020, Codupha ghi nhận doanh thu giảm 1,2% và lợi nhuận giảm 27,2% so với thực hiện trong năm 2019 và đây cũng là năm lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Codupha tiếp tục gặp khó về nguồn hàng và tiêu thụ
Được biết, Dược phẩm trung ương Codupha hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thuốc, không có nhà máy sản xuất nên nguồn hàng là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ban Tổng giám đốc Codupha trình đại hội đồng cổ đông năm 2021, 70% doanh thu đến từ hoạt động đấu thầu tại các cơ sở y tế. Lợi nhuận của Codupha giảm mạnh trong năm 2020 do các nguyên nhân chính:
Thứ nhất, sự thiếu sụt nguồn hàng. Hiện nay, chính sách ưu tiên hàng nội địa cùng với các công ty sản xuất trong nước tự thiết lập các kênh bán hàng riêng nên việc khai thác hàng nội địa không hiệu quả. Ngược lại, đối với chính sách của ngành dược hiện nay như thủ tục xin cấp visa, xin gia hạn số đăng ký, cấp mới số đăng ký tại Cục Quản lý Dược phức tạp, kéo dài dẫn đến tình trạng thường xuyên thiếu hụt hàng hoá.
Thứ hai, doanh số từ hàng đấu thầu Bệnh viện đang chiếm 70% tổng doanh số của Codupha. Tuy nhiên, quy định về giá đấu thầu khiến cho đơn vị phải giảm giá hàng hoá liên tục mới có cơ hội trúng thầu làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, hàng trúng thầu nhưng nhiều đơn vị điều trị không mua hết số lượng đặt ban đầu dẫn đến tình trạng tồn kho, ứ động vốn, có trường hợp không bán được hết hạn dùng phải huỷ hàng.
Thứ ba, do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến số lượng bệnh nhân giảm tại các bệnh viện dẫn tới doanh số bán hàng của công ty gặp khó. Ngoài ra, việc nhập khẩu cũng gặp khó khăn về thời gian vận chuyển và đặc biệt chi phí vận tải tăng cao bất thường.
Hiện nay, Codupha chủ yếu nhập khẩu hàng từ thị trường châu Âu, tuy nhiên các nước trong khu vực này đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, việc phong toả quốc gia diễn ra trên quy mô lớn dẫn đến quá trình vận chuyển và sản xuất gặp khó khăn. Ngoài ra, nhiều quốc gia còn ưu tiên sử dụng thuốc trong nước sau đó mới đến xuất khẩu, điều này tiếp tục ảnh hưởng tới nguồn cung vốn đang suy giảm.