Cốc cà phê ngày càng “đắng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cà phê tăng vọt trong những tháng gần đây và nhiều khả năng tiếp tục xu hướng tăng cho đến cuối năm 2024 do thời tiết bất lợi, khủng hoảng vận chuyển và các quy định về môi trường ngày càng chặt chẽ.
Thị trường cà phê đang trong giai đoạn khan hiếm nguồn cung Thị trường cà phê đang trong giai đoạn khan hiếm nguồn cung

Giá hợp đồng tương lai trên sàn London với cà phê robusta sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 7/2024 đã liên tục thiết lập những mốc mới. Ngày 27/8, cà phê robusta được giao dịch với giá hơn 4.000 USD/tấn, trong khi giá cà phê arabica là 5.713,5 USD/tấn.

Mức giá cao của cà phê đã phản ánh 3 thực trạng chính.

Thứ nhất, khả năng sản xuất cà phê ở Việt Nam - nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới - đã bị ảnh hưởng bởi El Nino năm ngoái.

“Mặc dù sản lượng cà phê của Việt Nam không giảm quá mạnh, nhưng điều này xảy ra sau khi Brazil cũng trải qua điều tương tự trong những năm trước, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung”, ông Carlos Mera, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2023/2024 ước tính giảm 20%, xuống 1,47 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm qua. Dự báo, sản lượng niên vụ 2024/2025 giảm 5 - 15%.

Thứ hai, chậm trễ trong khâu vận chuyển đã tạo thêm một yếu tố bất ổn khác với mặt hàng cà phê, do nhiều hãng tàu thay đổi tuyến đường vì lo ngại các cuộc tấn công ở biển Đỏ trong bối cảnh xung đột địa chính trị ở Trung Đông.

Thứ ba, quy định về chống phá rừng của EU sẽ được thực thi từ cuối năm 2024 có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cà phê vào thị trường này (cà phê là 1 trong 7 nhóm mặt hàng sẽ bị cấm nhập khẩu nếu quá trình sản xuất gây mất rừng), nên không ít nhà nhập khẩu đã tăng cường dự trữ trong thời gian qua.

“Nhu cầu tích trữ hàng tồn kho (cà phê) đang rất lớn”, ông Carlos Mera nhận xét.

Các yếu tố trên khiến giá cà phê trở nên đắt đỏ. Vị chuyên gia tại Rabobank dự đoán, giá cà phê có thể tiếp tục biến động mạnh trong những tháng cuối năm 2024, nhưng kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2025 nhờ triển vọng vụ mùa bội thu ở Brazil.

Đồng quan điểm, ông Charles Hart, chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại BMI cho rằng, giá cà phê nhạy cảm hơn với tin tức so với bình thường trước những căng thẳng của thị trường. Tuy nhiên, các dự báo về hiện tượng thời tiết La Nina vào mùa thu hoạch cà phê của Việt Nam cuối năm nay, cụ thể là lượng mưa nhiều hơn sau đợt hạn hán do El Nino là dấu hiệu tích cực cho thị trường.

Mặc dù giá cả có thể giảm từ mức cao hiện tại, song vẫn tồn tại các yếu tố có khả năng giữ cho cà phê ở vùng giá cao. Một trong số đó là biến đổi khí hậu và điều này được xem là rủi ro “cấp bách” với ngành cà phê trong vòng 1 thập kỷ tới.

“Các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gây ra biến động giữa các vụ mùa trong sản xuất cà phê thế giới, từ đó khiến giá cà phê nhảy múa”, ông Charles Hart nói.

Thực tế, tại một số nước trồng nhiều cà phê, trong đó có Việt Nam, quả cà phê đang phát triển với các kích cỡ khác nhau. Theo bà Uyên Lê, một chuyên gia kỹ thuật tại Bosgaurus Coffee Roasters, năm nay, trời mưa không thường xuyên và ít hơn dẫn tới cây cà phê tạo ra hạt lớn/nhỏ không đều.

Nhà khoa học Christian Bunn của Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế cho hay, nếu như sản xuất cà phê robusta chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi độ ẩm và mức độ mưa, thì sản xuất cà phê arabica phụ thuộc nhiều hơn vào sự thay đổi nhiệt độ. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng giảm và biến động giá nhiều hơn.

Về các quy định bảo vệ rừng như EUDR, một thương nhân cà phê nhấn mạnh: “Nếu EUDR được áp dụng nghiêm ngặt sẽ rất khó để có nhiều quốc gia sản xuất cà phê tuân thủ ngay lập tức”.

Vị thương nhân này cho rằng, việc chứng minh một trang trại cà phê không góp phần vào việc phá rừng (tức không trồng trên đất phá rừng) là rất khó khăn. Người mua thường giao dịch với nhiều người trồng cà phê và việc chứng minh tuân thủ quy định cho tất cả sẽ không dễ dàng. Không chỉ hạn chế nguồn cung cấp cà phê cho một số người mua, dẫn tới giá tăng, mà các quy định về bảo vệ rừng còn tác động đến giá của các sản phẩm cuối cùng trong chuỗi cung ứng như cà phê hòa tan (được làm từ ít hạt hơn thông qua các phương pháp chiết xuất). Theo đó, cà phê sẽ ngày càng trở thành một thức uống xa xỉ với khách hàng bình dân.

Anh Quý
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục