Nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân và DN, mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 08/2011/QH13 về việc ưu đãi thuế, trong đó, có thuế thu nhập từ cổ tức và chuyển nhượng chứng khoán. Theo đó, sẽ giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp từ ngày 1/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012 đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân. Cũng trong khoảng thời gian kể trên, sẽ thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào TTCK, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều khiến tôi và nhiều NĐT khác ngạc nhiên và rất thất vọng là cổ tức của các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng không thuộc diện được miễn.
Hoạt động trong lĩnh vực tài chính, các tổ chức này cũng là các DN và chịu nhiều khó khăn, thách thức từ nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ, hạn chế tăng trưởng tín dụng, khống chế trần lãi suất huy động, hoạt động của các ngân hàng hiện nay càng khó khăn hơn. Vì thế, việc NĐT mua và nắm giữ cổ phiếu ngân hàng cũng chứa đựng nhiều rủi ro nên việc họ được miễn thuế là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, một nguồn tin không chính thức từ Bộ Tài chính cho biết, lý do khiến Quốc hội không miễn thuế thu nhập từ cổ tức từ việc đầu tư vốn vào ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng là do các DN này những năm qua luôn báo lãi, cá biệt có một số báo lãi lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nếu nhìn vào con số tuyệt đối, số lãi này có thể lớn nhưng nếu tính trên số vốn điều lệ hiện có thì tỷ lệ lợi nhuận vẫn rất thấp, EPS không hấp dẫn. Giá cổ phiếu ngân hàng "bền bỉ" giảm giá trong gần 2 năm trở lại đây đã phản ánh điều này. Bên cạnh đó, với tư cách là DN, ngoài việc tuân thủ Luật DN, các ngân hàng phải chịu chế tài bởi một loạt quy định khắt khe trong Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán nên việc kinh doanh có lãi, lãi lớn là điều bình thường, thậm chí cần được khuyến khích. Không nên lập luận một cách cảm tính rằng do các ngân hàng "lãi lớn" mà có chính sách không công bằng đối với các NĐT nắm giữ các cổ phiếu này.
Tháng 11, Ngân hàng Quân đội (MB) sẽ lên sàn, đưa tổng số các ngân hàng niêm yết lên con số 9. Hiện đã có các ngân hàng niêm yết tại HNX: SHB (Sài Gòn - Hà Nội), ACB (Á Châu), HBB (Habubank), NVB (Nam Việt) và một số ngân hàng niêm yết tại HOSE như: CTG (Vietinbank), EIB (Eximbank), STB (Sacombank), VCB (Vietcombank). Như vậy, tổng số cổ phiếu các ngân hàng niêm yết hiện lên đến con số vài chục tỷ. Với vốn điều lệ lớn, cổ phiếu ngành ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường, mỗi biến động của ngành này đều tác động đến các chỉ số chứng khoán. Trong bối cảnh thị trường suy giảm kéo dài, giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam xuống thấp nhất khu vực, do vậy, cần cải thiện xu hướng, củng cố niềm tin NĐT vào thị trường thông qua các chính sách tích cực như việc miễn giảm thuế từ cổ tức. Tuy nhiên, với quy định cổ phiếu ngân hàng, tài chính không được miễn thuế cổ tức, NĐT nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung lại nhận thêm một “gáo nước lạnh”.