Có thể nhân rộng cơ chế người đại diện của SCIC

(ĐTCK) Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc tạo ra cơ chế hoạt động cho người đại diện vốn nhà nước để nâng cao hiệu quả dòng vốn này.
Có thể nhân rộng cơ chế người đại diện của SCIC

Đứng từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước và tham gia Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông đánh giá như thế nào về vai trò của người đại diện vốn nhà nước?

Trước hội nghị này, Hội đồng thành viên SCIC đã nhóm họp để đánh giá kết quả 9 tháng đầu năm. Đáng mừng là 9 tháng qua, Tổng công ty đã đạt kết quả khả quan và triển vọng sẽ vượt mức kế hoạch năm 2012. Có nhiều yếu tố tạo nên kết quả này, trong đó, chúng tôi đánh giá cao vai trò của những người đại diện phần vốn nhà nước mà SCIC được giao. Nhiều DN không những vượt qua khó khăn chung của nền kinh tế mà còn có tỷ suất lợi nhuận cao trên 20%, thậm chí đạt tới 50 - 60%.

 

Nói đến hiệu quả đồng vốn nhà nước và cơ chế người đại diện, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, chúng ta đang mắc ở tình trạng “cha chung không ai khóc”. Theo ông, vấn đề này cần được nhìn nhận ra sao?

Vai trò của người đại diện là vấn đề đã được nhắc đến nhiều. Nói nôm na đó là người đại diện cho sở hữu nhà nước tại DN đó, cả quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm. Về cơ bản, mục tiêu của chủ sở hữu và của DN là làm sao để phát triển cao nhất hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo toàn và phát triển hiệu quả vốn. Trong 492 người đại diện do SCIC quản lý thì có tới 415 người (gần 85%) là nắm các vị trí chủ chốt tại DN. Kể cả những người đại diện kiêm nhiệm, hay SCIC cử xuống, thì trong mọi tình huống chưa thống nhất về lợi ích giữa các nhóm cổ đông thì người đại diện trước hết phải bảo vệ lợi ích của Nhà nước, trên cơ sở hài hòa các lợi ích của các nhóm cổ đông.

 

Hiệu quả hoạt động yếu kém của  hệ thống DNNN là câu chuyện dai dẳng. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của người đại diện vốn nhà nước tại các DN này? Làm thế nào để nâng cao trách nhiệm, phát huy năng lực sở trường của người đại diện vốn?

Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng quy chế người đại diện. Trong đó, SCIC có nhiều kinh nghiệm, kể cả thành công và chưa, trong việc quản lý người đại diện, sẽ hoàn thiện quy chế này và hy vọng đây là quy chế mẫu để nhân rộng ra quy chế quốc gia. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài. Tham khảo xem người ta làm thế nào mà ông chủ trên phạm vi toàn cầu, nhưng người đại diện vốn của ông chủ đó tại mỗi quốc gia vẫn phát huy được năng lực, sở trường của mình.

Chúng ta cũng cần lưu ý đến chế độ thông tin báo cáo. Không thể có chuyện người đại diện không báo cáo gì với chủ sở hữu về hoạt động tại DN. Sắp tới, cần phải rõ ràng, cái gì phải báo cáo, cái gì không phải báo cáo, mức độ báo cáo, thời gian báo cáo của người đại diện.

 

Nhưng trách nhiệm phải đi đôi với quyền lợi. Từ trước đến nay, câu chuyện lương thưởng của người đại diện dường như vẫn chưa rõ ràng?

Vấn đề này sẽ nghiên cứu theo hướng gắn quyền lợi với trách nhiệm một cách cụ thể. Người đại diện phải bảo vệ tốt quyền lợi của Nhà nước thì quyền lợi của họ mới được bảo vệ. Đồng thời, cơ chế lương thưởng của người đại diện sẽ được đổi mới để gắn với hiệu quả kinh doanh của DN mà họ đang đại diện vốn nhà nước.

Anh Việt ghi
Anh Việt ghi

Tin cùng chuyên mục