ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 7/8.
VN-Index có thể tiếp hướng về đỉnh cũ 508
(CTCK ACB - ACBS)
Mặc dù mở cửa dưới tham chiếu, nhưng các chỉ số dần dần hồi phục và đóng cửa tăng điểm ngày 6/8. Theo đó, VN-Index tiếp tục tăng nhẹ 0,59% lên 496,56 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0,72% lên 62,33 điểm. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch tăng 16%, cho thấy lực cầu đã cải thiện so với các phiên trước. Tổng khối lượng trên cả hai sàn đạt 50 triệu cổ phiếu, giá trị 780 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 16 tỷ đồng trên HOSE và 12 tỷ đồng trên HNX.
VN-Index đã vượt kháng cự 495 ngày 6/8 với khối lượng giao dịch tăng. Như vậy, chỉ số này có thể tiếp tục hồi phục trong các phiên tới và hướng về đỉnh cũ 508. Tuy nhiên, nếu giảm dưới mức thấp ngày hôm qua ở 492, VN-Index có thể giảm về đáy tuần trước ở 485. Nhìn chung, rủi ro ngắn hạn đã giảm, nên nhà đầu tư có thể tham gia lướt sóng nhưng không nhất thiết phải mua bằng mọi giá.
Chờ tín hiệu thanh khoản trước khi gia tăng vị thế
(CTCK BIDV - BSC)
Thị trường tăng điểm nhẹ trên cả 2 sàn với VN-Index tăng 0,58%; HNX-Index tăng 0,71%. Nếu trừ đi thỏa thuận, thanh khoản thị trường cũng chưa thực sự cải thiện rõ nét. Khối lượng trên HOSE nếu trừ đi khối lượng FLC niêm yết mới thì cũng chỉ bằng phiên trước. Trong khi đó, sàn HNX tăng về khối lượng tăng, nhưng lại giảm về giá trị (do SHB tăng mạnh về KLGD).
Chúng tôi giữ quan điểm nhận định trong báo cáo trước, nhà đầu tư nên ưu tiên giữ tỷ trọng tiền cao và chờ tín hiệu thanh khoản trước khi gia tăng vị thế.
Bắt đầu cho tín hiệu kém lạc quan
(CTCK FPT - FPTS)
Theo quan sát của chúng tôi thì diễn biến của nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn ảnh hưởng lớn đến chỉ số và tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là khi mà thanh khoản của thị trường chỉ ở mức thấp, diễn biến tăng giảm nhẹ của thị trường chưa thể tạo thành một xu thế rõ ràng.
Như đã nhận định, thị trường trong giai đoạn vừa qua đón nhận khá nhiều thông tin xấu như tăng giá điện, chỉ số PMI giảm... nhưng diễn biến chung của các chỉ số chính lại không quá bi quan như chúng tôi lo ngại, tuy nhiên điều này cho thấy các nhà đầu tư đang trong trạng thái bàng quan với thị trường nên không vì thế mà xu thế sẽ tích cực hơn bằng các phiên tăng nhẹ như hiện nay.
Với thanh khoản hiện tại thì chúng tôi không đánh giá cao khả năng xuất hiện diễn biến phục hồi của thị trường, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng như chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới.
Trong khi đó, các chỉ báo kỹ thuật nhanh cũng bắt đầu cho tín hiệu kém lạc quan hơn về xu thế của các chỉ số sau mấy ngày tăng trước đó.
Bởi vậy, chúng tôi bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm dừng việc giải ngân và chờ đợi thị trường cân bằng hơn cùng những diễn biến tiếp theo của thanh khoản. Nếu trạng thái lình xình không được cải thiện thì việc xem xét giảm tỷ lệ cổ phiếu là cần thiết để tránh nhịp giảm sâu có thể trở lại khi nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu mất kiên nhẫn.
Vẫn lo ngại cho đợt tăng điểm
(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)
Khá bất ngờ khi thị trường tăng giá trong phiên 6/8 trên cả hai chỉ số. Những tưởng thông tin xấu liên quan tới sữa bị nhiễm độc sẽ tác động mạnh tới giá cổ phiếu VNM và điều đó sẽ gây ảnh hưởng tới chỉ số VN-Index. Nhưng ngược lại, dù có gặp áp lực bán đầu phiên, nhưng cầu mua đối với cổ phiếu này tăng mạnh.
Có lẽ những thông tin phản hồi nhanh chóng từ VNM đã giúp cho tâm lý NĐT trở nên tự tin hơn.
Với những diễn biến như hiện nay của thị trường, có lẽ câu chuyện với từng cổ phiếu sẽ là chủ đề trong thời gian tới.
Như chúng tôi đã đề cập, khi thị trường trở lại sự cân bằng thì sẽ có cổ phiếu tách nhóm tăng giá, phụ thuộc vào thông tin mà cổ phiếu đó cung cấp. Tuy nhiên khi thanh khoản thị trường - một yếu tố quan trọng - lại không có sự cải thiện đáng kể nào thì nhiều người vẫn lo ngại cho đợt tăng điểm này.
Điều đó dẫn đến xu thế chốt lãi hoặc hành động bán sớm của NĐT. Vì thế các mức tăng giá của những cổ phiếu này thường không kéo dài. Dù vậy thì nó cũng là một hy vọng mới cho NĐT đang nắm giữ cổ phiếu bởi có thể sẽ đến lượt cổ phiếu mình nắm giữ sẽ tăng giá. Thanh khoản đang ở một mức cực thấp cho thấy một vùng đáy đã và đang dần hình thành. Có thể thời điểm này đang tạo ra thách thức cho người nắm giữ cổ phiếu nhưng chiều ngược lại nó cũng đang mở ra cơ hội với người có tiền.
Trong giai đoạn giảm vừa qua, đã có khá nhiều cổ phiếu rơi sâu, xuyên thủng qua các ngưỡng hỗ trợ và tạo ra một vùng giá thấp trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Cũng có khá nhiều cổ phiếu đã tạo ra một vùng giá cân bằng và chống đỡ khá tốt trước áp lực bán tại vùng giá này. Liệu NĐT có tận dụng được những cơ hội mà thị trường tạo ra?
Có thể tiếp tục nhịp hồi phục
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Cả hai chỉ số có mức bật tăng khá tốt trong phiên 6/8. Tại sàn HOSE, sự hồi phục diễn ra chủ yếu trong phiên chiều với trụ đỡ là các mã bluechips có cơ bản tốt như VNM, GAS, DPM… Ngoài ra, nhóm ngành cao su chế biến và dầu khí cũng có diễn biến tích cực. Đáng chú ý, cả hai chỉ số đã vượt qua các ngưỡng kháng cự gần nhất mà chúng tôi nhiều lần đề cập đến (496 điểm đối với VnIndex và quanh 62 điểm đối với HNX-Index) với sự cải thiện đáng kể về thanh khoản. Khối lượng giao dịch trên cả hai sàn đã lên mức cao nhất trong vòng 6 phiên trở lại đây.
Theo quan sát của chúng tôi, với việc VN-Index tăng điểm liên tục trong nhiều phần gần đây khiến nhiều nhà đầu tư tự tin vào vào xu thế hiện tại và bắt đầu tham gia giải ngân. Mặc dù sự lan tỏa của dòng tiền trên toàn thị trường còn hạn chế nhưng mức độ tập trung của dòng tiền vào các mã bluechips có cơ bản tốt đang giúp cho đà tăng điểm của thị trường giữ được sự ổn định nhất định. Để giữ cho đà hồi phục được vững chắc, chúng tôi cho rằng, khối lượng giao dịch cần phải có sự cải thiện mạnh hơn nữa trong các phiên sắp tới.
Theo quan điểm của BVSC, thị trường có thể tiếp tục nhịp hồi phục này, trong đó một số cổ phiêu sẽ phân hóa và tăng điểm. Với xu thế này, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm có thể giải ngân với một tỷ lệ nhất định và tập trung ở các mã có kết quả kinh doanh thuận lợi, những mã có khả năng hưởng lợi nếu chính sách liên quan tới điều chỉnh “room” cho nhà ĐTNN được ban hành.
Áp lực bán chốt lời sẽ mạnh dần lên
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Phiên 6/8 đã có sự chuyển biến tốt hơn về mặt điểm số, đặc biệt là sự hưng phấn xuất hiện ở một số cổ phiếu bluechips trong nhóm VN30. Điều này đã khiến cho thanh khoản cải thiện đáng kể và độ rộng thị trường cũng tương đối tích cực. Vấn đề là NĐT nước ngoài vẫn duy trì vị thế bán ròng trên cả hai sàn và mức độ tham gia của họ ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, khối NĐT trong nước tỏ ra khá kỳ vọng vào động thái nới room cho NĐT nước ngoài và các cổ phiếu được khối ngoại quan tâm có vẻ đang được khối NĐT trong nước tiến hành mua gom.
Sự kỳ vọng trên theo chúng tôi là không bền trong bối cảnh hiện nay khi giới đầu tư nước ngoài vẫn đang thận trọng và vĩ mô chưa thực sự khởi sắc. Do đó, nếu VN-Index tiếp tục tiến về vùng 500-510 điểm, chúng tôi đánh giá, áp lực bán chốt lời sẽ mạnh dần lên và khiến thị trường đảo chiều.
Có thể mua gom cổ phiếu tốt
(CTCK Maritime Bank - MSBS)
Vùng giá hiện tại khá vững vàng khi sự phục hồi thường xuất hiện sau những phiên giảm điểm. Sự bứt phá mạnh của thị trường chưa có khi thiếu dòng tiền đầu cơ. Do vậy, chúng tôi dự báo thị trường tăng nhẹ trong phiên ngày 7/8, tiến gần tới ngưỡng 500 điểm. Nhà đầu tư giá trị có thể mua gom cổ phiếu tốt khi thị trường điều chỉnh. Trong khi đó, giao dịch ngắn hạn chịu rủi ro khi dòng tiền đang phân hóa vào một số cổ phiếu cổ phiếu cơ bản.