Cố sửa vẫn chưa thông!

(ĐTCK) Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào lượng vốn đầu tư hàng năm (tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 40% GDP). Đứng trước tình trạng đầu ra của nguồn vốn chưa năm nào đạt kế hoạch, kể cả nguồn vốn ODA, vốn FDI, trái phiếu chính phủ lẫn nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách (năm 2008 còn tồn khoảng 14.733 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ và vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách) ách tắc trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB (Luật Đầu tư XDCB).
Cứ mỗi khi giá đất tăng, việc giải phóng mặt bằng lại rơi vào ách tắc. Cứ mỗi khi giá đất tăng, việc giải phóng mặt bằng lại rơi vào ách tắc.

Đầu tư XDCB của nước ta thường được các chuyên gia kinh tế ví như "rùa lật ngược". Theo báo cáo của Uỷ ban Kinh tế về tình trạng XDCB trong giai đoạn 2005 - 2007 thì kể từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công, bình quân mỗi dự án nhóm A mất 42 tháng, nhóm B mất 29 tháng, ngay cả dự án nhóm C chỉ có mức vốn đầu tư vào khoảng 3,65 tỷ đồng cũng phải mất tới 23 tháng "mới kịp hoàn thiện" các thủ tục. Theo một số liệu khác của cơ quan này, nếu như năm 2005 cả nước có 2.280 dự án chậm tiến độ (chiếm 9,2% tổng số dự án đầu tư trong năm) thì đến năm 2006 lên tới 3.595 dự án (chiếm trên 13%); năm 2007 là 3.979 dự án (chiếm 14%); năm 2008 không thể thống kê được do hàng loạt dự án bị cắt giảm nguồn vốn, tạm dừng khởi công để đối phó với tình trạng lạm phát.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây nên tình trạng "rùa lật ngược" trong đầu tư XDCB bằng nguồn vốn Nhà nước cũng như nguồn vốn của DN, theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, ông Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và rất nhiều chuyên gia kinh tế cũng như luật pháp khác là do ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, cũng như cộng đồng DN, các nhà lập pháp rất kỳ vọng, Luật Đầu tư XDCB sẽ xử lý cơ bản được vướng mắc này.

Theo Dự án Luật Đầu tư XDCB thì phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất do Chính phủ quy định, UBND cấp tỉnh xây dựng giá đất để tính đền bù, giải phóng mặt bằng, thu thuế chuyển quyền sử dụng đất… tại địa phương 5 năm/lần. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam cho rằng, ngay cả việc công bố giá đất như hiện nay (công bố hàng năm) cũng đã bất cập, bởi giá đất công bố thường chỉ bằng 50% giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Nếu việc công bố được quy định 5 năm/lần thì việc giải phóng mặt bằng còn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều, vì khoảng cách giữa giá đất công bố để tính đền bù, giải phóng mặt bằng và giá thị trường có độ chênh lệch rất lớn.

"Thực tế cho thấy, cứ mỗi khi giá đất tăng, việc giải phóng mặt bằng lại rơi vào ách tắc do địa phương chưa kịp điều chỉnh giá đất, nếu bây giờ quy định 5 năm mới điều chỉnh một lần thì vướng mắc cơ bản này không những không được xử lý, mà còn gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, khó khăn cho việc đầu tư XDCB bằng cả nguồn vốn Nhà nước lẫn tư nhân", bà Hường nói.

Thủ tục đấu thầu các dự án XDCB bị đánh giá là phiền phức, nhiêu khê và là một trong những tác nhân chính cản trở hoạt động XDCB. Để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, nên mở rộng hình thức chỉ định thầu. Theo quy đinh hiện hành, chỉ được chỉ định thầu trong trường hợp "gói thầu dịch vụ tư vấn có giá trị dưới 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá trị dưới 1 tỷ đồng". Theo nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, mức khống chế này không còn phù hợp do giá cả nguyên vật liệu đã tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2007 đến nửa đầu năm 2008, nên cần phải nâng mức giá trị chỉ định thầu. Ngược lại, có không ít ý kiến cho rằng, cần phải hạn chế chỉ định thầu, vì đã có không ít địa phương lợi dụng cơ chế này để chỉ định thầu, thay vì đấu thầu bằng cách chia nhỏ gói thầu.

"Có những địa phương đề nghị chỉ định thầu lên đến 2/3 tổng vốn đầu tư từ ngân sách của năm 2009", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các dự án tổ chức đấu thầu đều hiệu quả hơn chỉ định thầu. Còn tại Việt Nam, nhiều dự án sau khi đấu thầu, giá trúng thầu giảm đến 40% so với giá dự toán, ngân sách tiếp kiệm được hàng chục tỷ đồng; chưa kể, sau mỗi lần tổ chức đấu thầu, trình độ của chủ đầu tư, tư vấn, giám sát… đều được nâng lên một bước.

"Ngay như ở Mỹ, các dự án đầu tư dưới 50.000 USD (khoảng 900 triệu đồng) người ta mới sử dụng hình thức chỉ định thầu. Trong khi đó, ở Việt Nam, các dự án đến 1 tỷ đồng đã được quyền chỉ định thầu là không phù hợp", Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan điểm đồng tình.

Năm 2009, chỉ tính riêng nguồn trái phiếu chính phủ, ngân sách sẽ đầu tư cho nền kinh tế 63.733 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần năm 2008. Việc có giải ngân hết được nguồn vốn này hay không phụ thuộc rất nhiều vào Dự án Luật Đầu tư XDCB sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới đây. Để có thể thuyết phục Quốc hội thông qua, theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban soạn thảo chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung về quy trình, thủ tục đầu tư đang vướng mắc, bức xúc nhất được quy định trong Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu, thay vì sửa đổi, bổ sung cả 8 luật như Dự án Luật vừa được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục