Cơ sở thực thi tham vọng lợi nhuận ngất ngưởng của các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu tín dụng tiếp tục ở mức cao nhờ kinh tế hồi phục và gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới là cơ sở để các ngân hàng đưa ra mục tiêu lợi nhuận tham vọng.
Hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2022 được nhận định sẽ diễn biến tích cực. Hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2022 được nhận định sẽ diễn biến tích cực.

Tham vọng tỷ USD

Vietcombank xây dựng kế hoạch kinh doanh 2022 với lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% (tương ứng vượt 30.675 tỷ đồng), tổng tài sản dự kiến tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng 15%, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng (dự kiến tăng 9%), tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%.

Trong khi đó, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 5-10%, dư nợ tín dụng theo Ngân hàng Nhà nước, lợi nhuận trước thuế dự kiến trên 19.300 tỷ đồng. VPBank đưa ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng đột phá năm 2022: tổng tài sản đạt 697.000 tỷ đồng, tăng 27%; tiền gửi tăng 28%, tín dụng tăng 35%; lợi nhuận 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021.

Lãnh đạo HDBank cũng chia sẻ kế hoạch kinh doanh năm 2022 với định hướng tăng trưởng cao. Thu nhập hoạt động được kỳ vọng tăng 23-25% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế 9.800 tỷ đồng.

VIB dự kiến đạt lợi nhuận 2022 ở mức 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng, huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng, 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng.

ACB có kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 25%, lên 15.018 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 16,2% so với năm trước, đạt 27.000 tỷ đồng. MB dự kiến lãi năm 2022 tăng 23% so với năm 2021, tương ứng đạt 20.328 tỷ đồng.

Thực thi ra sao?

Hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2022 được nhận định sẽ diễn biến tích cực khi nền kinh tế phục hồi giúp thúc đẩy tín dụng tăng mạnh trở lại. Tín dụng 3 tháng đầu năm nay đã tăng 4,05%. Tín dụng tăng trưởng trở lại, cùng với việc đẩy mạnh tăng nguồn thu ngoài lãi đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng.

Lãnh đạo VPBank kỳ vọng, hoạt động kinh doanh năm nay tăng trưởng nhờ sự phục hồi của khách hàng, đặc biệt là tại FE Credit với kịch bản quay lại lợi nhuận 5.000-6.000 tỷ đồng.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, hoạt động năm nay dù khó khăn hơn, nhưng vẫn có cơ hội từ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và kinh tế trong nước đã xuống đáy sẽ đi lên nhanh hơn. Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ quý II/2022, do đó, đòi hỏi một sự chuẩn bị dài hạn hơn về nguồn vốn.

Với mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 30%, tín dụng kỳ vọng tăng 25%, MSB tự tin đạt được kế hoạch đề ra với chiến lược đẩy mạnh các mảng thu nhập ngoài lãi, tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ để giúp ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA), giảm chi phí vốn và chi phí hoạt động…

Trong quý đầu năm nay, lợi nhuận của nhiều nhà băng đã sớm đột phá. Trong 13 ngân hàng được SSI ước tính lợi nhuận quý I/2022, VietinBank là ngân hàng duy nhất dự báo tăng trưởng lợi nhuận âm. Theo đó, có 12/13 ngân hàng được dự báo kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương gồm: ACB, BIDV, HDBank, MB, MSB, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VIB, VPBank, SHB.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục