Sau khi chạm mức thấp nhất là 9.600 đồng/CP, thị giá HAG đã bật xanh trở lại, bởi đây là ngưỡng kỹ thuật quan trọng được dự báo trước đó. Trong 3 phiên giao dịch cuối tuần qua, khi thị trường giảm điểm do ảnh hưởng từ TTCK Trung Quốc, thì cổ phiếu HAG vẫn giữ sắc xanh.
Đáng chú ý, thanh khoản tăng 2 - 3 lần so với những ngày giảm giá trước đó. Điều này cho thấy, nhiều NĐT đã tham gia bắt đáy HAG. Đầu tuần này, giá cổ phiếu HAG tiếp tục phục hồi, hiện đạt 11.300 đồng/CP. Như vậy, sau 5 phiên giao dịch, các NĐT bắt đáy đã lãi gần 18%.
Trao đổi với ĐTCK, một số NĐT cho biết, lý do cổ phiếu HAG giảm xuống dưới mệnh giá sau hơn 7 năm niêm yết chủ yếu là do DN đang có những khoản nợ lớn, nhưng cơ sở để “bắt đáy” là thị giá đã giảm thấp chưa bằng một nửa giá trị sổ sách. Đặc biệt, HAG vẫn có những tài sản đáng giá để giải quyết bài toán nợ và dòng tiền hiện nay.
Giám đốc một CTCK từng đưa ra bản báo cáo đặc biệt về HAG chia sẻ, giá cổ phiếu phản ánh tương lai của DN, nhưng mọi thị trường đều diễn biến không hoàn hảo, nhất là khi giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên ngoài.
Ở thị trường Việt Nam, tỷ lệ NĐT sử dụng margin quá cao nên mức độ tác động đến một chứng khoán trong chu kỳ giảm khá lớn. Ông này cho rằng, trong bối cảnh khó khăn khi giá cao su giảm thì điểm sáng là từ năm 2012 đến nay, lợi nhuận của HAG liên tục tăng.
Lợi nhuận sau thuế tăng từ 365 tỷ đồng năm 2012 lên 972 tỷ đồng năm 2013 và 1.556 tỷ đồng năm 2014. 9 tháng năm 2015, HAG đạt hơn 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 1.340 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nên khả năng hoàn thành kế hoạch 2.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2015 là khả thi.
Lợi nhuận của HAG tăng trưởng chủ yếu là nhờ DN mở rộng đầu tư sang mảng chăn nuôi bò thịt. Theo báo cáo của CTCK Sài Gòn (SSI), chăn nuôi bò thịt đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), công ty con của HAG.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, HNG đạt khoảng 3.919 tỷ đồng doanh thu, tăng 116% và 997 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2014.
Mảng kinh doanh bò thịt đóng góp chính vào thu nhập của HNG, khoảng 50% doanh thu và 42% lợi nhuận gộp. Với mức giá bán bình quân khoảng 3 USD/kg cân hơi, HNG đã tiêu thụ được khoảng 40.000 con bò trong quý III/2015. Việc tăng nợ vay và mở rộng mảng kinh doanh sữa, chăn nuôi bò thịt làm chi phí lãi vay và chi phí quản lý của HNG tăng lên, tương ứng tăng 42% và 95% so với cùng kỳ năm 2014.
Rõ ràng, nếu không mở rộng đầu tư chăn nuôi bò thì kết quả kinh doanh của HAG không thể đạt được như hiện nay và HAG thậm chí sẽ còn khó khăn hơn nhiều bởi giá cao su, mía đường, bắp, ngô giảm làm biên lợi nhuận của những cây trồng này giảm.
Vẫn theo SSI, tỷ trọng thịt bò trong cơ cấu tiêu dùng thịt ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5%. Thịt lợn vẫn phổ biến nhất ở Việt Nam, chiếm 70% cơ cấu tiêu dùng thịt. Tổng đàn bò thịt nhập khẩu tăng đáng kể trong 3 năm qua. Năm 2012, Việt Nam nhập 3.500 con bò từ Úc, năm 2013 là 67.000 con và năm 2014 là 181.000 con. Trong năm 2014, tổng nhu cầu thịt bò đạt xấp xỉ 600.000 tấn hơi, tương đương khoảng 300.000 tấn thịt.
SSI dự báo, năm 2016, HNG sẽ tiêu thụ khoảng 111.000 con bò, tăng 63% so với năm 2015.
Được biết, cuối tháng 1 này, CTCK đã đưa ra bản báo cáo đặc biệt về HAG sẽ tổ chức một buổi trao đổi với NĐT về cổ phiếu HAG, trong đó có mời tổng giám đốc của một công ty nghiên cứu và tư vấn bất động sản nổi tiếng ở Myanmar và một chuyên gia trong lĩnh vực cao su tại Việt Nam để nói về thị trường bất động sản tại Myanmar và xu hướng giá cao su, hai yếu tố có ảnh hưởng lớn đến HAG.