Trong hai ngày 11 - 12/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 3 Bộ trưởng/Trưởng ngành là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về một số nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực mà ba vị này phụ trách.
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với một số đại biểu về nội dung trả lời của các bộ trưởng và kỳ vọng của đại biểu về những vấn đề này.
Có sàn vàng, sẽ mua bán "tín chỉ vàng" thay vì tích trữ vàng miếng
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định, chính sách điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong giai đoạn vừa qua đã bắt đầu đạt được mục tiêu. Nếu như trước đây, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch tới 15 triệu đồng/lượng, thì tới nay chỉ còn từ 3-5 triệu đồng.
"Điều đó cho thấy, sự can thiệp của NHNN đã giải quyết được vấn đề cung – cầu trong nước", ông Cường nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo đại biểu, cử tri và nhân dân mong muốn NHNN có sự can thiệp cao hơn nữa, đó là ngoài việc bán, thì NHNN còn phải mua vàng miếng từ phía người dân. Trong khi đó, mục tiêu của NHNN hiện nay mới chỉ là bán để tăng cung, để nhu cầu vàng không chênh lệch quá lớn với thế giới.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Chỉ bán vàng miếng, chưa đặt vấn đề mua lại
Để nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng, trong phiên chất vấn, một số đại biểu đã chất vấn Thống đốc về phương án thành lập sàn giao dịch vàng.
Trả lời đại biểu, Thống đốc cũng đã chỉ ra rằng, trong tương lai, chúng ta có thể thành lập sàn vàng, khi có đủ điều kiện.
Bàn về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết ông rất kỳ vọng sắp tới, chúng ta sẽ thành lập được sàn vàng.
Theo đại biểu, khi có sàn vàng, các tổ chức tín dụng có thể tham gia, và việc kinh doanh không phải chỉ là mua bán dạng “vật chất”, như là vàng miếng, mà có thể bằng tín chỉ. Lúc đó, người dân có thể mua bán vàng rất dễ dàng và các doanh nghiệp cũng không cần phải kiểm soát chất lượng vàng mua vào hay bán ra nữa.
"Đây sẽ là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng để chúng ta liên thông được giữa vàng trong nước và vàng thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, khiến người dân không tích trữ vàng nữa”, đại biểu Cường đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Cường, khi doanh nghiệp tham gia sàn vàng sẽ có nhiều rủi ro. Những rủi ro này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, những hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Vì thế, cần có sự tham gia, vào cuộc của rất nhiều cơ quan và có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ, để tránh những rủi ro này.
Cần sớm sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng
Trao đổi với báo chí, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng, điều hành tiền tệ trong bối cảnh này là một nhiệm vụ khó khăn; song chính sách tiền tệ của Việt Nam đã làm tốt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Để đánh giá hiệu quả của chính sách tiền tệ thông thường dựa vào 4 tiêu chí: tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá và lượng tiền gửi.
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) - Ảnh: M.Minh |
Ông Ngân nói rằng, thời gian qua chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao trong khu vực (dự kiến năm nay cao nhất khu vực), lạm phát trên dưới 3% (dưới ngưỡng cho phép), tỷ giá được cân đối, lượng tiền gửi ổn định, ngay cả sau những sự cố như SCB.
Nói về giải pháp bình ổn giá vàng, đại biểu cho hay, điều quan trọng nhất là bao giờ thế giới hòa bình, không còn xung đột về chính trị, thì giá vàng sẽ ổn định. Bởi vì khi có chiến tranh, xung đột, sẽ dẫn tới sức cầu vàng quá lớn, không có tổ chức nào đáp ứng được, gây áp lực tới sự điều hành chính sách tài chính ở các quốc gia.
Theo ông Ngân, từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới rất bất ổn, còn giá vàng trong nước, ban đầu cũng có sự chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, khi Chính phủ quyết định có chính sách can thiệp vào thì giá vàng trong nước và thế giới nhích lại gần nhau hơn.
Hiện nay, giá vàng trong nước chỉ tăng khoảng 20%, trong khi giá vàng thế giới, từ đầu năm tới giờ tăng trên 30%, đó là một thành công. Tuy nhiên, điều này, theo ông Ngân, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân.
Nêu giải pháp, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ ủng hộ việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế dự kiến tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh và cho rằng khi tổ chức thị trường vàng liên thông với thị trường quốc tế thì sẽ giảm bớt được áp lực.
Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, cần sớm sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vàng trong cả nước, không chỉ bó hẹp trong hệ thống ngân hàng thương mại.