Cơ quan quản lý EU đề xuất chuyển sang chu kỳ thanh toán T+1 từ tháng 10/2027

(ĐTCK) Các cơ quan quản lý thị trường của EU đã khuyến nghị khối cần rút ngắn chu kỳ thanh toán cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ từ tháng 10/2027 để phù hợp với lộ trình nâng cấp thị trường vốn của Anh cũng như để cải thiện hiệu quả, giảm rủi ro và phù hợp với thông lệ toàn cầu.

Hôm thứ Hai (18/11), Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA) đã đề xuất ngày 11/10/2027 để thực hiện động thái này, vì cơ quan muốn hiện đại hóa và thúc đẩy thanh khoản trên thị trường vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách đang khẩn trương tìm cách tái tạo sự sôi động cho thị trường vốn của khu vực.

Ngày đề xuất được đưa ra khi các cơ quan chức năng của EU tìm cách điều chỉnh động thái cho phù hợp với động thái của Anh - nơi cũng đang nhắm mục tiêu vào tháng 10/2027, mặc dù các quan chức Anh vẫn chưa đề xuất ngày chính xác.

Cuộc thảo luận của châu Âu về chu kỳ thanh toán diễn ra sau khi Mỹ vào tháng 5 đã rút ngắn thời gian hoàn tất giao dịch từ T+2 sang T+1, nhằm hiện đại hóa thị trường, tăng thanh khoản và giảm thiểu rủi ro giao dịch không thành công.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận phối hợp với các khu vực pháp lý khác trên khắp châu Âu để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Một nỗ lực chung với Anh và Thụy Sĩ được đặc biệt lưu ý là rất cần thiết để đạt được sự hài hòa trên các thị trường chính.

Thanh toán là quá trình thường diễn ra hàng ngày nhưng quan trọng để khớp lệnh và chuyển giao hợp pháp tài sản từ người bán sang người mua. Ngoài Bắc Mỹ và Ấn Độ, quá trình này thường diễn ra trong hai ngày.

Hoạt động này đã trở thành tâm điểm chú ý trong cơn sốt cổ phiếu meme của Mỹ vào thời điểm đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, khi một số công ty chứng khoán bao gồm Robinhood đổ lỗi cho thời gian thanh toán hai ngày khiến hệ thống của họ không theo kịp với khối lượng giao dịch.

Sau đó, Mỹ, Canada và Mexico đã chuyển từ chu kỳ thanh toán T+2 sang chu kỳ thanh toán T+1 đối với cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết. Anh dự kiến cũng sẽ chuyển sang chu kỳ thanh toán T+1 vào tháng 10/2027, trong khi Ấn Độ cũng đã rút ngắn thời gian thanh toán sang T+1 vào năm ngoái.

ESMA cho biết việc rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+2 xuống còn T+1 sẽ mang lại "hiệu quả thanh toán tại EU, góp phần vào sự hội nhập thị trường" và bổ sung vào các nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm tái tạo năng lượng cho các thị trường vốn bị phân mảnh của khu vực.

Các nhà giao dịch, nhà quản lý tài sản và các tổ chức trong ngành đã thúc giục các quan chức EU điều chỉnh chu kỳ thanh toán của EU với Anh để dễ dàng thực hiện động thái này, đồng thời cảnh báo rằng việc chuyển đổi vào các thời điểm khác nhau sẽ dẫn đến những phức tạp và chi phí không cần thiết.

ESMA cho biết họ khuyến nghị ngày 11/10/2027 vì tháng 11 hoặc tháng 12 sẽ gần với kỳ nghỉ lễ và có "những thách thức liên quan đến ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10", ngay sau khi quý III kết thúc.

Quá trình chuyển đổi sang T+1 sẽ đòi hỏi những thay đổi quan trọng đối với các khuôn khổ pháp lý hiện hành. Theo ESMA, điều này rất quan trọng đối với sự thành công của quá trình chuyển đổi.

Sự chắp vá của nhiều đơn vị thanh toán và bù trừ của EU khiến quá trình chuyển đổi sang thanh toán trong một ngày có thể phức tạp hơn so với các động thái của Anh và Mỹ.

"Sự phức tạp của môi trường giao dịch và sau giao dịch …có nghĩa là dự án này sẽ yêu cầu phải có một cơ chế quản lý cụ thể được đưa ra”, ESMA cho biết.

Thời hạn cuối cùng cho việc chuyển đổi sẽ được đưa ra sau khi được Ủy ban châu Âu và các ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên EU chấp thuận.

Người phát ngôn của Trung tâm thanh toán và Lưu ký chứng khoán Euroclear cho biết: "Là cơ sở hạ tầng thị trường tài chính, chúng tôi hỗ trợ hiệu quả thanh toán toàn cầu…Euroclear đang chuẩn bị cho động thái này và luôn ủng hộ một cách tiếp cận có cân nhắc, tinh tế, có tính đến quan điểm của các trung tâm lưu ký chứng khoán để đảm bảo sự thay đổi có lợi cho toàn bộ hệ sinh thái tài chính. Việc chuyển đổi sang T+1 đặt ra những thách thức lớn hơn đối với một châu Âu đa thị trường so với Bắc Mỹ và đòi hỏi một nỗ lực chung, phối hợp, được hỗ trợ bởi sự thống nhất toàn cầu".

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục