Cổ phiếu xuất khẩu kỳ vọng có sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định CPTPP nếu được chấp thuận sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này.
Nhóm cổ phiếu xuất khẩu đang dần thu hút sự chú ý của giới đầu tư Nhóm cổ phiếu xuất khẩu đang dần thu hút sự chú ý của giới đầu tư

Thị trường mở rộng

Trung Quốc đã chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo Bloomberg, CPTPP hiện là hiệp định thương mại tự do lớn thứ 3 thế giới với 11 nền kinh tế có quy mô 13.500 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu.

Nếu có thêm sự tham gia của Trung Quốc, CPTPP sẽ trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, vượt qua Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) với quy mô 21.100 tỷ USD và thậm chí hơn cả là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với quy mô 26.000 tỷ USD mà Trung Quốc đã tham gia ký kết năm ngoái.

Các thành viên CPTPP trong đó có Việt Nam được hưởng lợi nhìn từ góc độ mở rộng thị trường.

Đơn cử hiện nay, CPTPP đối với ngành dệt may yêu cầu quy tắc xuất xứ từ sợi với quy trình bắt đầu se sợi, dệt vải và cắt may, đồng thời được thực hiện tại các nước thành viên của hiệp định. Nếu Trung Quốc tham gia, Việt Nam có thể nhập khẩu sợi từ Trung Quốc và xuất khẩu thành phẩm tới các quốc gia trong nội khối CPTPP và hưởng ưu đãi thuế. Được biết, bài toán quy tắc xuất xứ đang là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi đa phần chưa tự chủ từ sợi.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 7 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 238 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ và có tới 45 doanh nghiệp bỏ thị trường Trung Quốc do quốc gia này thực hiện nhiều quy định siết chặt hoạt động nhập khẩu thủy sản đông lạnh.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, hoạt động hạn chế nhập khẩu thủy sản trong khối sẽ bị loại bỏ, từ đó mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tạo ra câu chuyện cho doanh nghiệp xuất khẩu

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ được cải thiện khi biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19 dần được gỡ bỏ và và câu chuyện kỳ vọng dài hạn là đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc nếu nước này trở thành thành viên CPTPP sẽ tạo tác động kép đến cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu, giống như thời điểm Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại lớn đều tạo hiệu ứng đến giá cổ phiếu.

Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) trong năm 2020 chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường EU, Trung Quốc, Nam Mỹ.

Sau giai đoạn giãn cách kéo dài, nền kinh tế mở cửa trở lại, hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới đều tăng điểm tích cực.

Năm 2021, hai thị trường xuất khẩu trọng yếu của ANV là Trung Quốc và Thái Lan chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), khi vắc-xin được tiêm chủng đạt tỷ lệ cao, các quốc gia sẽ bắt đầu cho phép mở lại các dịch vụ nhà hàng, quán ăn, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm và thực phẩm chế biến và là cơ sở cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá tra.

Đối với Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT), doanh nghiệp chủ yếu chế biến gỗ cao su thành đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng và đồ chơi, xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…

Phần lớn nhà máy của GDT đặt tại Bình Dương (chiếm 70% tổng công suất) và TP.HCM. Sau khi chịu tác động từ việc giãn cách, nhà máy ở Bình Dương bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất, trong khi nhà máy ở TP.HCM vẫn đóng cửa.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá trị đơn hàng mới của GDT đạt 16 triệu USD, bằng 94% kế hoạch xuất khẩu cả năm là 17 triệu USD. Như vậy, chỉ cần TP.HCM gỡ bỏ giãn cách từng phần, Công ty có thể nhanh chóng sản xuất để bổ sung giá trị hợp đồng đã ký.

Tại Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH), Công ty tập trung xuất khẩu sản phẩm dệt may cho các khách hàng lớn như Columbia, Walmart, G-III và những khách hàng tại Mỹ và EU, nơi đã và đang trong quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế dẫn tới nhu cầu dệt may gia tăng.

Bên cạnh đó, nhà máy của MSH đặt tại Nam Định, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dự kiến, trong quý IV/2021, Công ty sẽ vận hành nhà máy mới, giúp tổng công suất tăng thêm 15% trong năm 2021 và tăng 20% trong nửa đầu năm 2022, qua đó gia tăng sản xuất.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu xuất khẩu đang dần thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của nhóm doanh nghiệp này là chi phí cước vận tải đang cao kỷ lục, có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục