Cổ phiếu vua: Đi tìm lý lẽ của giá

(ĐTCK) Cơn sốt cổ phiếu ngành ngân hàng đang tạm lắng xuống khi các mã chứng khoán (cả niêm yết và chưa niêm yết) đang tạm đi ngang. Thế nhưng, nếu so sánh giá giữa các mã chứng khoán với nhau, hẳn nhiều nhà đầu tư đang đau đầu đặt câu hỏi: Lý lẽ nào cho giá các cổ phiếu này?
Cổ phiếu HDBank đang được chào mua/bán  ở mức trên 30.000 đồng/cổ phiếu Cổ phiếu HDBank đang được chào mua/bán ở mức trên 30.000 đồng/cổ phiếu

Khoảng cách giá cổ phiếu ngân hàng ngày một nới rộng

Từ cuối tuần qua, giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã được chào mua/bán ở mức trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, HDBank là một trong những cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất toàn thị trường.

So với các cổ phiếu ngành ngân hàng đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tập trung trên UPCoM, HDBank chỉ đứng sau VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, có giá đóng cửa ngày 27/11/2017 là 47.900 đồng/cổ phiếu); VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, giá 39.800 đồng/cổ phiếu); ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (34.200 đồng/cổ phiếu).

So với cổ phiếu ngân hàng chưa giao dịch tập trung, HDBank chỉ đứng sau cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, hiện được báo giá khoảng 55.000 đồng/cổ phiếu).

Ở cùng thời điểm này, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) có giá đóng cửa phiên chỉ 24.400 đồng/cổ phiếu, VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam có giá 23.500 đồng/cổ phiếu, LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank, giá 13.900 đồng/cổ phiếu), STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, giá 12.550 đồng/cổ phiếu), SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (giá 8.800 đồng/cổ phiếu)…

Lợi nhuận không phải yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến giá

Dù thông tin về việc sẽ niêm yết cổ phiếu trên TTCK đã được lan truyền, nhưng trên website của HDBank, đến thời điểm này, nhà đầu tư không tìm thấy báo cáo tài chính các quý năm 2017 của HDBank.

Thông tin đăng kèm với việc HDBank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên gần 8.829 tỷ đồng cho thấy, tính đến 30/9/2017, HDBank có tổng tài sản 174.594 tỷ đồng, tổng vốn huy động đạt 156.419 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 104.233 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,2%. Thông tin này cũng cho biết, dự kiến HDBank sẽ vượt xa kế hoạch năm 2017, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 2.400 tỷ đồng, ROA dự kiến đạt 1,43%, ROE đạt trên 20%.

Trong khi đó, 9 tháng đầu năm, MBB đạt 4.002 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế trên vốn điều lệ 17.127 tỷ đồng. Với kết quả này, tương quan so sánh về kết quả kinh doanh của MBB trên vốn dự phóng cuối năm 2017, nếu không có yếu tố bất ngờ, có thể sẽ đạt trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt trội hơn hẳn con số ước tính của HDBank ở thời điểm cuối năm. Thế nhưng, thị giá của MBB chỉ bằng gần 70% giá HDBank đang được loan báo trên thị trường OTC.

Cổ phiếu LBP có thu nhập trên mỗi cổ phiếu tính riêng 9 tháng là 1.743 đồng, tương đương mức thu nhập dự phóng cuối năm có thể vượt HDBank, đã lên UPCoM, nhưng có giá chưa tới 50% giá của HDBank.

Tương tự, 9 tháng đầu năm, SHB báo lãi sau thuế cổ đông Công ty mẹ 1.071,756 tỷ đồng trên vốn điều lệ 11.291,147, trong khi NVB chỉ báo lãi gần 7,5 tỷ đồng trên vốn điều lệ 3.010,216 tỷ đồng, có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn vốn điều lệ, nhưng giá cổ phiếu SHB chỉ cao hơn 20% so với giá NVB.

Điều gì quyết định “cuộc chơi”?

Rõ ràng, nếu chỉ nhìn vào tương quan lợi nhuận và giá, thì thị trường dường như đã rất “sai”. Vậy, điều gì quyết định diễn biến giá các cổ phiếu, khi mà các mã cổ phiếu ngành ngân hàng chưa niêm yết, thông tin còn mịt mờ (nhiều trường hợp chưa có hoặc chưa đủ báo cáo tài chính các quý năm 2017 như Techcombank, HDBank, OCB…) lại được định giá cao vượt trội so với cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết? Điều gì tạo ra sự khác biệt trong định giá các cổ phiếu đã niêm yết với nhau?

Câu trả lời có lẽ trước hết nằm ở cơ cấu cổ đông. MBB được đánh giá là có nền tảng tốt, nhưng cơ cấu cổ đông phân tán, khiến giá khó bứt phá hơn các ngân hàng khác. VCB được các chuyên gia đánh giá là một trong những ngân hàng tốt nhất, nhưng có thể thiếu yếu tố đầu cơ.

Techcombank, VPBank… thời gian gần đây bứt phá mạnh nhờ có hướng đi chuyên biệt. Nhưng có một yếu tố không thể định lượng, càng khó xác minh, dường như tác động nhiều đến giá cổ phiếu ngành ngân hàng lại chính là các thông tin về chiến lược giá cổ phiếu mà thị trường đồn thổi.

Đâu đó, những thông tin dạng cổ phiếu này sẽ được đưa lên mức giá X, Y... nhận được sự phản hồi tích cực của dòng tiền đầu cơ còn hơn cả việc lợi nhuận sẽ đạt mức nào.

Muốn chơi cổ phiếu ngân hàng phải hiểu lý lẽ của những con sóng…

Tú Uyên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục