Cổ phiếu “vua” còn nguyên cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi nhuận tốt sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng khởi sắc năm 2022, song cơ hội không chia đều cho tất cả.
Nền kinh tế tăng trưởng trở lại sẽ tác động tích cực lên tín dụng và cổ phiếu ngân hàng được hưởng lợi. Ảnh: Dũng Minh Nền kinh tế tăng trưởng trở lại sẽ tác động tích cực lên tín dụng và cổ phiếu ngân hàng được hưởng lợi. Ảnh: Dũng Minh

Triển vọng tích cực

Sau khi các lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, cầu tín dụng của nền kinh tế đã bật tăng trở lại trong quý IV/2021. Theo đó, trong 3 tháng cuối năm 2021, các ngân hàng đã bơm gần 470.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, kéo tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 13%, cao hơn mục tiêu 12% ban đầu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Điều này tác động tích cực lên kết quả kinh doanh cả năm 2021 khi hầu hết ngân hàng công bố có lãi, thậm chí nhiều ngân hàng dự tính sẽ vượt khá xa kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm 2021 như Vietcombank (mã VCB, 25.000 tỷ đồng), VietinBank (mã CTG, 16.800 tỷ đồng), Agribank (14.000 tỷ đồng), BIDV (mã BID, 13.000 tỷ đồng), TPBank (mã TPB, 6.000 tỷ đồng), MSB (mã MSB, 5.000 tỷ đồng)…

Triển vọng của ngành ngân hàng đang trên đà đi lên sau dịch và dự báo tăng trưởng cao trong năm 2022, cho dù các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng dịch sẽ làm tăng nợ xấu. Đến nay, tỷ lệ bao nợ xấu của các ngân hàng phổ biến ở mức hơn 100%, cá biệt có những ngân hàng đạt từ 200-400%. Năm 2022, nền kinh tế được dự báo phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng khoảng 6,5-6,7%, kéo cầu tín dụng tăng mạnh theo. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi số, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nhất là dịch vụ bán lẻ, đang diễn ra thuận lợi, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn thu nhập từ mảng này.

Giới chuyên gia dự báo, ngành ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh của kinh tế Việt Nam sau đại dịch nhờ hưởng lợi lớn từ việc thúc đẩy đầu tư công và phục hồi cầu tín dụng. Chuyên gia kinh tế - tài chính Huỳnh Bửu Sơn đưa ra nhận định, dù các hoạt động kinh tế được mở cửa trở lại từ đầu quý IV/2021, song sức khỏe của doanh nghiệp chưa thể hồi phục ngay sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Dù vậy, nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ cải thiện rõ nét hơn từ đầu năm 2022, cùng với đà hồi phục của nền kinh tế.

Còn TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ đánh giá, khi tháo gỡ được các “điểm nghẽn” thủ tục đầu tư công ở những dự án trọng điểm thì nhiều khả năng giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt 90-95% như mục tiêu Chính phủ đề ra, tạo bệ đỡ phục hồi nền kinh tế cũng như cầu tín dụng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như bù lãi suất, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư…

“Đây sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tín dụng sớm tăng trưởng trở lại trong năm 2022 khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt hơn”, TS. Lịch nhấn mạnh.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa thực hiện cho biết, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 2,6% trong quý I/2022; dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng dự báo tăng 5,3% trong quý đầu năm và tăng 14,1% trong cả năm 2022. Điều này cho thấy, các ngân hàng tự tin với triển vọng tích cực của ngành cũng như nền kinh tế trong năm nay, trong đó nhiều ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tối thiểu từ 15% như Vietcombank, MSB, OCB...

Cổ phiếu “vua” sáng cửa

Đà tăng trưởng của ngành ngân hàng được kỳ vọng đạt mức cao hơn trong năm 2022, khi Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, tương đương với khoảng hơn 1,4 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra thị trường.

Dựa trên mức tăng trưởng tín dụng này, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra dự báo, năm 2022, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ tăng lên mức 4,12% và lợi nhuận trước thuế toàn ngành tăng khoảng 22,8%. Tuy nhiên, mức độ phân hóa sẽ rất rõ nét, khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân sẽ tăng tích cực hơn so với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối nhờ giảm mạnh chi phí vốn. Một số ngân hàng được dự báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% là BIDV, MBBank (mã MBB), Techcombank (mã TCB), ACB (mã ACB), TPBank, MSB… và đi kèm với đó chi phí dự phòng rủi ro cũng lớn hơn.

Trên thực tế, đợt điều chỉnh giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng hồi tháng 7/2021 chủ yếu phản ánh rủi ro lợi nhuận giảm khi phải tăng trích lập dự phòng trong bối cảnh nợ xấu gia tăng. Sau thời gian điều chỉnh, định giá của nhóm ngân hàng đã giảm 12-15% so với mức đỉnh, giúp nhóm này trở nên hấp dẫn hơn ở thời điểm hiện tại.

Nhóm cổ phiếu “vua” được kỳ vọng khởi sắc hơn trong năm 2022, song cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả, bởi trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh cho vay, hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao thì mới có lợi thế.

Đơn cử, tại ACB, nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng này được dự báo tăng từ 30-35% trong năm nay. Trong đó, thu nhập phí kinh doanh bảo hiểm kỳ vọng ở mức 3.400 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021. ACB cho biết, khoản phí trả trước cho hợp đồng độc quyền với Sun Life Việt Nam là 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.500 tỷ đồng) và được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt, cùng các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác độc quyền 15 năm với công ty bảo hiểm này.

Dragon Capital dự báo, năm 2022, ngành ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng khoảng 25-30%, giá trị sổ sách khoảng 1,7 lần (thấp hơn năm 2020 là 1,9 lần), hệ số P/E toàn ngành ở quanh mức 9,4 lần (giảm so với mức 12 lần của năm 2020). Còn các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, ngành ngân hàng hiện có hệ số P/B ở mức 2,2x - tuy cao hơn so với trung bình các nước trong khu vực (1,4x), nhưng vẫn thấp hơn so với VN-Index và có ROE đạt 21,3% - vượt trội so với các nước trong khu vực (12,8%). Mức định định giá thấp trên sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn so với các nhóm ngành khác. Bên cạnh đó, triển vọng về nới room ngoại trong lĩnh vực ngân hàng cũng sẽ tác động tích cực lên cổ phiếu “vua”, khi không chỉ các ngân hàng tư nhân, mà các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cũng muốn nới, khi mà Vietcombank đã đề xuất tăng room ngoại lên 35%.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới hầu hết các hoạt động kinh tế, song hệ thống ngân hàng cơ bản vẫn hoạt động ổn định. Bước sang năm 2022, ngành này vẫn có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức, trong đó dịch bệnh vẫn là một ẩn số. Dù vậy, mức định giá thấp hiện tại có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua được cổ phiếu ngân hàng tốt.

Thực tế, các ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng cao, chất lượng tài sản tốt hoặc có các câu chuyện riêng về tăng vốn, nới room ngoại, ký kết bảo hiểm độc quyền… có thể sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới. Dòng tiền được nhận định sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu “vua”, nhưng có sự phân hóa mạnh, nên nhà đầu tư được khuyến nghị cân nhắc lựa chọn cổ phiếu có thanh khoản tốt.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại, dịch bệnh được khống chế tốt hơn, sức khỏe của doanh nghiệp cải thiện… sẽ tác động tích cực lên tín dụng và cổ phiếu ngân hàng được hưởng lợi. Tất nhiên, cũng cần lưu ý rủi ro nợ xấu tăng, trích lập dự phòng lớn.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục