Cổ phiếu vô danh liên tiếp tăng trần: Tung chiêu cổ tức khủng

(ĐTCK) Các cổ phiếu “vô danh” đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong hơn 1 tháng qua, khi có mức sinh lời chóng mặt, tính bằng lần. Nguyên nhân trực tiếp của sức hấp dẫn tới từ tỷ lệ chia cổ tức khủng, tuy nhiên, đà tăng này liệu có bền vững?
Cổ phiếu vô danh liên tiếp tăng trần: Tung chiêu cổ tức khủng

Trong 1 tháng qua (từ ngày 15/3 - 16/4), trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), có 6 cổ phiếu tăng giá trên 30%, trong đó mức tăng mạnh nhất (233,33%) thuộc về cổ phiếu VHG của Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Cao su Quảng Nam. Đáng chú ý, VHG vừa phải giải trình về tình hình kinh doanh thua lỗ năm thứ 3 liên tiếp.

Tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), có 10 cổ phiếu leo dốc hơn 30%, nổi bật nhất là những tên tuổi như DNY, VE4, PSW đều có mức tăng trên 70%, dù tình hình kinh doanh không lấy làm khả quan. Bên cạnh đó, nếu xét cả quý I, xuất hiện thêm một số trường hợp đáng chú ý như cổ phiếu BED của CTCP Sách và thiết bị trường học Đà Nẵng, dù chỉ tăng giá hơn 20% trong 1 tháng qua, nhưng đã tăng tới 126% trong quý I.

Hiện tại, cổ phiếu BED đang giữ sắc tím, giao dịch với mức giá 52.000 đồng/cổ phiếu, dù trước đó gần như không có giao dịch. Thông tin được cho là đã tạo động lực cho đà leo dốc của BED là việc Công ty thực hiện chính sách cổ tức tiền mặt lên đến 93% năm 2018. Trong năm ngoái, BED ghi nhận lợi nhuận đột biến, đạt 23,4 tỷ đồng, tăng 460% so với năm 2017. Nguyên nhân chính của diễn biến này là việc chuyển nhượng nhà đất tại TP.HCM, các mặt bằng cho thuê được lấp đầy…

Đáng chú ý, cổ đông của Công ty đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Cần, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc (hiện đang sở hữu 23,81% vốn) và ông Lê Trường Kỹ (sở hữu 30,15% vốn) tăng tỷ lệ sở hữu mà không phải chào mua công khai. Nếu mua thêm thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Cần và ông Kỹ sẽ đạt lần lượt 27,66% và 54,15%. 

Trong khi đó, trên sàn UPCoM, có đến 38 cổ phiếu tăng giá trên 30% và không ít trường hợp tăng trên 100%. Đặc biệt, không thể không nhắc đến mức tăng chóng mặt 933% của VNX; 548% của VIM, 238% của HFC và 236% của KHD. Các cổ phiếu này đa phần có thị giá thấp, thanh khoản rất kém, nhưng diễn biến giá lại rất ấn tượng. Đơn cử, từ ngày 22/3 đến 16/4, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên của VNX đều đặn khoảng 100 cổ phiếu/phiên và liên tục giữ sắc tím. Hay với VIM, giá cổ phiếu này đã tăng trần liên tiếp 10 phiên, thanh khoản cải thiện và đang giữ xu hướng leo dốc. Trước đó, VIM chỉ giao dịch từ… 0 đến 1 cổ phiếu/phiên.

Quán quân của đà tăng VNX là doanh nghiệp có tỷ lệ cổ tức tiền mặt tăng dần qua các năm với mức chia rất hấp dẫn. Năm 2018, Công ty chia cổ tức tỷ lệ 50%, tương ứng 5.000 đồng/cổ phiếu bằng tiền mặt và dự kiến năm 2019 là 30%. Với thị giá “trà đá” chỉ 1.200 đồng/cổ phiếu, việc chia cổ tức lên đến 5.000 đồng/cổ phiếu thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư. VNX có vốn điều lệ hơn 12 tỷ đồng, với cổ đông lớn đều là các cá nhân, nắm tổng cộng khoảng 52% vốn; các thành viên trong Ban lãnh đạo sở hữu khoảng 48,6%.

4 năm trở lại đây, doanh thu và lợi nhuận của VNX tăng trưởng đều đặn. Đặc biệt, lợi nhuận ròng leo dốc ấn tượng từ mức 3,7 tỷ đồng năm 2015 lên 12,5 tỷ đồng năm 2018. Với kết quả này, EPS năm 2018 của VNX lên đến trên 10.000 đồng/cổ phiếu.

Với VIM, dù lợi nhuận trồi sụt qua các năm, thậm chí không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2018, nhưng HĐQT Công ty vẫn quyết định chia cổ tức lên đến 52% cho cổ đông, tương ứng 1 cổ phần nhận được 5.200 đồng cổ tức.

Lý do “cổ tức khủng” đang là điểm tựa giúp nhà đầu tư có phần vững tâm hơn với những cổ phiếu đang tăng giá gấp 2, 3 lần ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng với việc đua theo cổ phiếu “nóng” dù hoạt động của doanh nghiệp mờ nhạt, thậm chí đối diện nguy cơ hủy niêm yết.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục