Cổ phiếu VNM lập kỷ lục về giao dịch, VN-Index lỗi hẹn mốc 1.130 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự trở lại của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường hồi phục và chỉ số VN-Index áp sát mốc 1.130 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu VNM tăng ấn tượng hơn 3% cùng thanh khoản lập kỷ lục.
Cổ phiếu VNM lập kỷ lục về giao dịch, VN-Index lỗi hẹn mốc 1.130 điểm

Sự “trở mặt” của nhóm cổ phiếu bluechip vào cuối phiên sáng đã phần nào khiến giới đầu tư lo lắng về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, “ngôi sao” VNM tiếp tục tỏa sáng trong phiên giao dịch chiều, đã lan rộng ra nhóm VN30, giúp thị trường tìm lại đà tăng.

Lực cầu gia tăng mạnh mẽ ngay khi bước sang phiên giao dịch chiều đã giúp cổ phiếu VNM tìm lại mức giá 69.000 đồng/CP và tiếp tục nới rộng biên độ. Dù không giữ được vùng giá cao nhất ngày nhưng VNM cũng khá ấn tượng khi dẫn đầu đà tăng trong rổ VN30. Cụ thể, kết phiên, cổ phiếu VNM đã tăng 3,3% lên mức 69.000 đồng/CP.

Bên cạnh đà tăng mạnh về giá, điểm đáng chú ý hơn với VNM chính là thanh khoản khi xác lập con số kỷ lục, đạt 11,96 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp gần 3 lần khối lượng khớp lệnh trung bình của mã này trong 10 phiên giao dịch gần đây, đồng thời vượt xa phiên kỷ lục trước đó, được lập ngày 22/9/2021 khi khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị.

Ngoài VNM, nhiều mã lớn khác trong rổ VN30 cũng khởi sắc trở lại, là điểm tựa chính giúp VN-Index củng cố sắc xanh sau khoảng nửa phiên giao dịch chiều rung lắc.

Thị trường xác nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, tuy nhiên VN-Index một lần nữa chưa thể vượt qua được vùng cản 1.130 điểm và đặc biệt là sự “phụ thuộc” vào nhóm VN30 trong phiên hôm nay, sẽ khiến nhà đầu tư trở nên cảnh giác hơn.

Chốt phiên, sàn HOSE có 235 mã tăng và 200 mã giảm, VN-Index tăng 4,08 điểm (+0,36%), lên 1.129,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 906,63 triệu đơn vị, giá trị 18.193,29 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,38% về khối lượng và 2,37% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 49,57 triệu đơn vị, giá trị 1.491,45 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, sự hồi phục của thị trường nhờ công chính là nhóm cổ phiếu bluechip. Trong đó, ngoài VNM còn có các mã tăng tốt khác như BVH tăng 2,2% lên mức giá cao nhất ngày 45.100 đồng/CP, HPG tăng 2,2%, MSN tăng 1,3%, SAB tăng 1,1%...

Xét về nhóm ngành, dòng bank cũng tìm lại sắc xanh nhạt do giao dịch không mấy khả quan của các mã lớn như VCB và CTG mất điểm. Điểm sáng ngành vẫn là cổ phiếu VPB.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu VPB ghi nhận mức tăng 3,1%, là một trong những phiên tăng tốt nhất của mã này trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, ngoài phiên hôm nay, cổ phiếu VPB chỉ có thêm 2 phiên giao dịch trong năm nay có mức tăng hơn 3%, đó là phiên 21/3 tăng 3,3% và phiên 8/3 tăng 4,31%.

Không chỉ tăng mạnh về giá, thanh khoản của VPB trong phiên hôm nay vượt trội khi dẫn đầu thị trường với hơn 42,32 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, xác nhận phiên có mức thanh khoản cao thứ 2 của cổ phiếu này trong nửa đầu năm, chỉ thua đôi chút so với phiên 4/1 (khớp lệnh hơn 42,5 triệu đơn vị).

Còn lại các cổ phiếu giao dịch khởi sắc khác trong nhóm ngân hàng chỉ có được mức tăng trên dưới 1% như STB, LPB, SHB, ACB, VIB, TPB…

Một điểm tích cực khác của thị trường là nhóm cổ phiếu thép. Dù HSG giằng co và kết phiên điều chỉnh nhẹ khi giảm 0,3%, nhưng HPG và NKG tiếp tục tìm vùng đỉnh mới trong năm khi kết phiên đều tăng hơn 2%. Thanh khoản của bộ 3 này khá tốt với HPG khớp 29,16 triệu đơn vị, HSG khớp 18,81 triệu đơn vị và NKG khớp hơn 16 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng nhẹ trở lại bởi HCM, SSI vẫn mất điểm, trong khi VND, VCI, CTS, BSI chỉ tăng nhẹ. Đáng chú ý, sau diễn biến không mấy khả quan ở phiên sáng, cổ phiếu AGR đã hồi phục mạnh và có thời điểm áp sát mức giá trần, đóng cửa ghi nhận mức tăng 4,5% lên 14.950 đồng/CP và khớp 3,19 triệu đơn vị. Ngoài ra, mã tăng tốt khác là VIX đạt 3,4% với khối lượng khớp lệnh đạt 19,87 triệu đơn vị.

Trái lại, nhóm bất động sản vẫn chịu áp lực bán ra. Cụ thể, GVR, PDR, NVL, BCM, CII, DIG… đều giảm hơn 1%, tuy nhiên, một số mã như VPH, LGL, QCG, PTL, TDH tiếp tục giữ vững giá trần.

Trên sàn HNX, thị trường diễn biến lình xình dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều do sức ép lớn từ nhóm HNX30.

Đóng cửa, sàn HNX có 89 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index giảm 0,37 điểm (-0,16%) xuống 231,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 122,05 triệu đơn vị, giá trị 2.099,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,83 triệu đơn vị, giá trị 221,4 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 với sắc đỏ chiếm áp đảo, gấp gần 4 lần số mã tăng và kết phiên chỉ số HNX30-Index giảm hơn 5 điểm.

Trong khi đó, ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu LIG là tâm điểm đáng chú ý khi đóng cửa kéo trần thành công, lên mức giá 5.900 đồng/CP, cùng thanh khoản thuộc top 5 với 5,47 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.

Ngoài ra, IDJ cũng ấn tượng khi tăng 3,1% lên mức 13.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 5,6 triệu đơn vị; API tăng 3,3% lên 12.600 đồng/CP và khớp 2,47 triệu đơn vị…

Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán tiếp tục phân hóa, trong khi SHS vẫn giảm nhẹ 0,7% xuống mức 13.800 đồng/CP cùng thanh khoản vượt trội đạt gần 23,5 triệu đơn vị; thì APS đóng cửa tăng 2,9%, MBS tăng 1%, TVC tăng 3%, BVS vẫn tăng tốt với biên độ 3,3%...

Trên UPCoM, sau hơn nửa đầu phiên rung lắc, thị trường đã đảo chiều hồi phục thành công.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,25%), lên 85,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 86,2 triệu đơn vị, giá trị 814,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm xấp xỉ 9 triệu đơn vị, giá trị 118,51 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 11,71 triệu đơn vị giao dịch thành công, nhưng đóng cửa giảm 2,2% xuống vùng giá thấp trong ngày 17.500 đồng/CP.

Các mã giao dịch sôi động khác trong top 5 cũng không mấy khả quan như PVS khớp 5,11 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,7%; C4G giảm 2,1% và khớp 3,77 triệu đơn vị, hay BII giảm sàn và khớp 2,74 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đáng chú ý là G36, kết phiên tăng 4,1% lên 10.200 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt 1,96 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2307 tăng 5,1 điểm, tương đương +0,5% xuống 1.119,1 điểm, khớp lệnh đạt hơn 214.090 đơn vị, khối lượng mở đạt hơn 53.360 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này CSTB2225 khớp lệnh cao nhất, đạt hơn 3,72 triệu đơn vị và kết phiên tăng 4,1% lên 5.360 đồng/cq. Tiếp theo là CVNM2212 với 2,11 triệu đơn vị và tăng 10,5% lên 210 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục