Cổ phiếu VCG tăng giá nhưng chưa thể hiện sức hấp dẫn riêng

0:00 / 0:00
0:00
Ngay sau khi chuyển sàn, cổ phiếu VCG của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) bước vào nhịp tăng tốc ngoạn mục.
Xây dựng và bất động sản chiếm 70% doanh thu, lợi nhuận của Vinaconex Xây dựng và bất động sản chiếm 70% doanh thu, lợi nhuận của Vinaconex

Lên sàn chào năm mới

Là cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn, nên việc VCG chuyển sàn từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) được giới đầu tư dõi theo từng bước. Diễn biến của cổ phiếu này mấy ngày qua cho thấy sự đi lên khá tích cực kể từ khi chuyển sàn hôm 29/12/2020 đến nay.

Cụ thể, chỉ qua một tuần đầu sau khi chuyển sàn, thị giá cổ phiếu VCG đã tăng tới 5%. Dẫu vậy, sự đi lên này chưa thể hiện rõ sức hấp dẫn riêng của cổ phiếu VCG, bởi thời điểm chuyển sàn của VCG diễn ra đúng lúc thị trường chứng khoán đi lên đầy lạc quan.

Tháng 11/2018, Vinaconex chuyển sang hoạt động theo mô hình không còn vốn Nhà nước, đồng thời xác định chiến lược phát triển dựa trên 3 trụ cột là xây lắp, bất động sản và đầu tư tài chính. Hiện tại, Tổng công ty sở hữu tổng tài sản lên đến gần 20.000 tỷ đồng, gần 40 công ty thành viên và công ty liên kết trên cả nước. Lĩnh vực xây dựng và bất động sản chiếm tỷ trọng 70% doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15%-25%, tỷ lệ cổ tức hàng năm ổn định từ 12 đến 20%.

So sánh tốc độ tăng của cổ phiếu VCG với VN-Index, thì cổ phiếu này tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng của VN-Index trong những phiên đầu sau khi chào sàn, nhưng sau đó, VCG tăng chậm lại và VN-Index đã vượt. Trong khi đó, tốc độ tăng của VCG thua chỉ số HNX-Index trong phần lớn thời gian kể từ khi rời sàn này, thậm chí khoảng cách ngày càng lớn.

Khi đưa cổ phiếu VCG sang niêm yết tại HoSE, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinaconex cam kết sẽ hướng tới mục tiêu xây dựng Tổng công ty trở thành một trong những công ty niêm yết minh bạch nhất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững, đồng hành cùng sự phát triển của quốc gia.

Vinaconex được thành lập từ năm 1988 và cổ phiếu VCG đã niêm yết tại HNX từ năm 2008. Với số lượng cổ phiếu niêm yết lên đến hơn 400 triệu cổ phiếu, Vinaconex là một trong các đơn vị có vốn hoá lớn, tác động đáng kể đến sàn HNX trong thời gian niêm yết tại đây.

Chưa “dứt áo” khỏi An Khánh JVC

Dấu ấn đáng chú nhất của Vinaconex trong năm 2020 là động thái rút vốn khỏi Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC). Đây là liên doanh được thành lập từ năm 2006 bởi sự hợp tác giữa Vinaconex và Công ty Posco E&C (Hàn Quốc), mỗi bên góp 50% vốn.

Mục đích chính của Liên doanh là đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh. Năm 2017, Posco E&C đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại An Khánh JVC cho Công ty Bất động sản Phú Long.

Tuy Vinaconex đã thoái toàn bộ vốn tại An Khánh JVC, nhưng những kiện cáo về pháp lý liên quan đến công ty này vẫn chưa giải quyết xong. Vinaconex là tổng thầu thiết kế và thi công Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh. Với tư cách này, Tổng công ty đã ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn thiết kế với nhà thầu là Samoocm Architect (Samoo) để thực hiện việc thiết kế quy hoạch Khu đô thị mới Bắc An Khánh.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch từ chủ đầu tư là An Khánh JVC khiến việc nghiệm thu và thanh toán cho các nhà thầu phụ, trong đó có Samoo bị dừng lại, nên các bên chưa thống nhất được phương án giải quyết. Trước mâu thuẫn này, Samoo đã nộp đơn kiện lên Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội để yêu cầu Vinaconex thanh toán cho họ số tiền tạm xác định là hơn 1,26 triệu USD.

Ngoài ra, dấu ấn của An Khánh JVC trong bức tranh tài chính của Vinaconex cũng vẫn sâu đậm. Số dư phải thu ngắn hạn của Vinaconex đối với An Khánh JVC tại ngày 30/9/2020 lên tới hơn 702,7 tỷ đồng. Theo đó, An Khánh JVC vẫn là khách hàng nợ tiền nhiều nhất đối với Vinaconex, gấp tới hơn 4,7 lần khách hàng nợ đứng thứ hai là Công ty cổ phần ADG Holding.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục