Cổ phiếu vật liệu, an toàn với “hàng hiệu”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến giá nguyên liệu khó đoán định, do đó, việc lựa chọn đúng doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng tốt mới đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư trong giai đoạn tới.
Nhà đầu tư cần tìm hiểu và phân tích kỹ để chọn lựa được doanh nghiệp có tiềm năng tăng tốt nhất. Nhà đầu tư cần tìm hiểu và phân tích kỹ để chọn lựa được doanh nghiệp có tiềm năng tăng tốt nhất.

Khó đoán định xu hướng giá nguyên liệu

Quý đầu năm nay, doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành sản xuất thép đã được hưởng lợi khi giá quặng sắt cũng như giá thép thành phẩm trên thế giới tăng cao. Tính riêng quý I/2021, giá thép HRC tăng 48,2%, giá thép xây dựng tăng 28,6... so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 5/2021, giá nguyên liệu chung trên thế giới đã bắt đầu có xu hướng chững lại. Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên ngày 26/5/2021 đã ghi nhận phiên giảm giá thứ 5 liên tiếp, xuống 1.058 CNY (tương đương 165,18 USD)/tấn. Kể từ khi chạm mức cao kỷ lục 1.358 CNY/tấn vào ngày 12/5, giá quặng sắt trên sàn DCE đã giảm hơn 20%.

Trong nước, giá nguyên liệu chưa giảm hẳn, nhưng cũng có dấu hiệu chững lại.

Dù giá nguyên liệu tăng đột biến giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất hưởng lợi trong quý I/2021, nhưng việc giá nguyên liệu đầu vào tăng quá nhanh cũng là rủi ro với các doanh nghiệp sản xuất trong dài hạn, đặc biệt là các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho cao.

Trong quá khứ, nhiều doanh nghiệp đã từng lên đỉnh cao rồi xuống vực sâu cũng xuất phát từ biến động giá nguyên vật liệu, mà Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là một trường hợp điển hình. Việc tích trữ nguyên liệu ở mức giá cao khiến Công ty chịu thiệt hại nặng nề khi giá bán giảm. Giá cổ phiếu HSG đã trải qua giai đoạn sụt giảm thảm hại về dưới mệnh giá ở giai đoạn tháng 3/2019.

Việc giá nguyên liệu cơ bản tăng nóng trong thời gian qua được lý giải một phần do nguồn cung bị gián đoạn và dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại khu vực châu Á. Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào nhiều khả năng vẫn sẽ tăng trong thời gian tới, nhưng giá đầu ra chưa chắc tăng tương ứng, bởi còn phụ thuộc vào nhu cầu của ngành xây dựng.

Các doanh nghiệp xây dựng hoạt động trong lĩnh vực có biên lợi nhuận thấp, việc giá vật liệu tăng cao làm suy giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, do đó, họ sẽ giãn và hoãn thi công các công trình mới.

Mặt khác, giá vật liệu tăng làm đội vốn dự án và ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền nên chủ đầu tư sẽ tạm dừng thi công để xem xét, tính toán lại, hoặc đợi đến khi giá trở về mức phù hợp, giúp dự án có hiệu quả kinh tế.

Đáng lưu ý, giá vật liệu xây dựng thực tế tăng nhanh hơn mức giá Bộ Xây dựng công bố, dẫn tới mức đầu tư công cho thời điểm hiện tại cao hơn nhiều so với kế hoạch, có thể khiến tiến độ giải ngân đầu tư công phải giãn ra. Theo đó, nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ giảm.

Khi xét ở khía cạnh tương quan trong nền kinh tế, những doanh nghiệp hàng đầu trong các nhóm ngành sản xuất nguyên vật liệu vẫn được đánh giá cao

Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, luôn phụ thuộc lớn vào yếu tố cung - cầu.

Tuy nhiên, theo ông Minh, khi xét ở khía cạnh tương quan trong nền kinh tế, những doanh nghiệp hàng đầu trong các nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng vẫn được đánh giá cao.

Bởi lẽ, Việt Nam là nước đang phát triển, có tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao, giúp nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng vẫn duy trì đà tăng trưởng.

Mặc dù vậy, để chọn được cơ hội đầu tư tốt, ông Trần Minh Hoàng khuyến nghị, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp có triển vọng. Chẳng hạn, mặt hàng thép xây dựng có thể dư cung, nhưng thép cuộn cán nóng (HRC) đang thiếu nguồn cung, thép hợp kim chưa có doanh nghiệp nào sản xuất.

Cơ hội đầu tư cổ phiếu thu hẹp

Từ đầu năm 2021 đến nay, dòng tiền trên thị trường chứng khoán tiếp tục luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành để tìm kiếm cơ hội, trong đó ngành nguyên vật liệu được đặc biệt quan tâm.

Theo đó, các cổ phiếu ngành này nhìn chung tăng giá mạnh, thu hút nhà đầu tư. Diễn biến giá nguyên vật liệu trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư theo dõi sát sao cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn.

Trước tình trạng không ít cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng giá trên 50% so với đầu năm, VCBS cho rằng, cơ hội đầu tư tại thời điểm hiện tại đối với nhóm cổ phiếu này không còn nhiều, bởi thị giá tương đối phù hợp với mức định giá cơ bản và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đã phản ánh sự hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa.

Giá thép có khả năng tiếp tục tăng, nhưng dự báo sẽ chững lại trong tháng 6/2021 vì chạm đến ngưỡng chịu đựng của các khách hàng lớn có nhu cầu tiêu thụ cao.

Kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021 của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng được nhận định sẽ thấp hơn nửa đầu năm, nhưng tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận vượt trội và kết quả kinh doanh cả năm rất tốt, bởi nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán hàng đến hết quý III.

Thực tế, nguyên vật liệu tăng giá mạnh một phần là do ảnh hưởng từ đại dịch, nên chỉ mang tính ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu sản xuất nguyên vật liệu cơ bản có thể sẽ sớm hạ nhiệt trong giai đoạn tới. Do đó, một số khuyến nghị cho rằng, nhà đầu tư nên hạn chế gia tăng tỷ trọng ở nhóm này, đồng thời xem xét chốt lời một phần.

Trong khi đó, theo BVSC, xu hướng tăng giá nguyên vật liệu có thể sẽ tiếp diễn trong quý II, thậm chí là quý III, do nguồn cung hàng hóa hạn chế, đôi khi bị đứt gẫy bởi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia.

Nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu hồi phục nhờ những gói kích cầu của ngân hàng trung ương các nước.

Việc đẩy mạnh đầu tư công, chuyển hướng sang công nghệ xanh, xả thải ít carbon như ô tô điện, năng lượng tái tạo khiến nhu cầu có thể duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Cầu về nguyên vật liệu còn tăng do có những doanh nghiệp đẩy mạnh tích trữ nguyên liệu để chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Vì vậy, cơ hội đầu tư đối với các nhóm cổ phiếu vật liệu vẫn còn, dù giá đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Chẳng hạn, HPG trong nhóm ngành thép, HOM trong nhóm doanh nghiệp sản xuất xi măng… có dư địa tăng khi so sánh giá thị trường với định giá của một số công ty chứng khoán.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào “gắn mác” sản xuất nguyên vật liệu đều tốt, nên ngoài đầu tư theo xu hướng, điều cốt lõi mà nhà đầu tư cần quan tâm vẫn là nền tảng tài chính vững vàng của doanh nghiệp.

Chỉ số VN-Index đang tiếp tục tạo đỉnh khi vượt mốc 1.300 điểm, trong đó ghi nhận nhiều cổ phiếu đã thiết lập mức giá đỉnh lịch sử, trong đó có sự đóng góp của khá nhiều những cái tên thuộc nhóm doanh nghiệp thép như HPG, HSG...

Những dự báo về việc giá thép tăng đến quý III/2021 được cho là giúp cổ phiếu thép củng cố đà tăng. Tuy nhiên, nhìn lại biến động lịch sử của giá nguyên liệu cho thấy, nguy cơ đảo chiều luôn tiềm ẩn.

Ánh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,184.04 -8.97 -0.76% 175,633 tỷ
HNX 222.65 -3.55 -1.59% 2,008 tỷ
UPCOM 87.3 -0.85 -0.97% 547 tỷ