Cổ phiếu vào diện kiểm soát khó tìm cửa ra

(ĐTCK) Các cổ phiếu bị rơi vào diện cảnh báo chuyển sang bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt thường có diễn biến “rất bi đát”, nhất là những cổ phiếu bị hạn chế giao dịch chỉ trong phiên chiều, bởi giá ở mức lẹt đẹt, thanh khoản kém. Tình hình chỉ trở nên tươi sáng hơn khi hoạt động kinh doanh của công ty có khởi sắc, giúp cổ phiếu được “nâng bậc”.
Lỗ nặng hai năm liên tiếp, HVG phải nỗ lực rất nhiều mới mong đưa cổ phiếu ra khỏi diện kiểm soát Lỗ nặng hai năm liên tiếp, HVG phải nỗ lực rất nhiều mới mong đưa cổ phiếu ra khỏi diện kiểm soát

Sau khi Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) công bố báo cáo kiểm toán với kết quả lỗ gần 713 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 424 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn gần 819 tỷ đồng, cổ phiếu HVG đã giảm sàn 3 phiên liên tiếp.

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, HVG tiếp tục bị bán sàn bởi thông tin rơi vào diện bị kiểm soát kể từ ngày 26/1/2018 và chỉ được giao dịch buổi chiều. Lý do là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ HVG năm 2016 và 2017 lần lượt là âm 49,3 tỷ đồng và âm 712,96 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất.

Theo quy định của HOSE, chứng khoán bị kiểm soát sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch cho đến khi tổ chức niêm yết thực hiện công bố thông tin và/hoặc giải trình đầy đủ theo yêu cầu của Sở. Căn cứ trên giải trình của tổ chức niêm yết, HOSE sẽ xem xét cho chứng khoán niêm yết được giao dịch toàn thời gian trở lại.

Thời gian hạn chế giao dịch đối với chứng khoán bị kiểm soát tối thiểu là 2 ngày giao dịch và sẽ xem xét đưa ra khỏi diện kiểm soát hoặc chuyển sang diện cảnh báo trong trường hợp tổ chức niêm yết khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị kiểm soát.

Trước đó, HVG đã bị đưa vào danh sách chứng khoán thuộc diện cảnh báo từ ngày 6/6/2017 do Công ty vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong một năm. Với tình trạng này, HVG sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc đạt các chỉ tiêu về lợi nhuận mới giúp cổ phiếu ra khỏi diện kiểm soát.

Có diễn biến tích cực hơn là trường hợp cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành khi có cơ sở để thoát khỏi tình trạng bị kiểm soát đặc biệt kể từ 9/8/2016. 

“Phao cứu sinh” của TTF chính là việc phát hành thành công 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ, thu về 700 tỷ đồng, giúp giải quyết mối lo về lỗ vượt vốn. Nhờ đó, cổ phiếu TTF đã có diễn biến tích cực hơn, nhích về vùng 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu, sau khi tụt về mức 4.000 – 5.000 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu TTF vẫn đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nhưng với diễn biến tích cực trong năm qua, nhiều khả năng sẽ được “nâng hạng” lên diện kiểm soát.

Một cổ phiếu từng rơi vào hoàn cảnh “bi đát” đã có triển vọng tươi sáng hơn là cổ phiếu JVC của Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật khi đã tăng trần nhờ có thông tin được ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 15/12/2017.

Theo đó, với việc Công ty đã khắc phục được vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin, JVC sẽ được chuyển từ diện kiểm soát đặc biệt sang diện cảnh báo vì vẫn lỗ lũy kế tại ngày 30/9/2017 là 1.017 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với việc chuyển sang diện cảnh báo, cổ phiếu JVC sẽ được giao dịch cả ngày, thay vì chỉ phiên chiều như trước đây. Với thông tin này, JVC đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp (tính từ 2/1/2018).

Tương tự là trường hợp của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) từng bị tạm ngừng giao dịch, chuyển sang diện kiểm soát đặc biệt, rồi kiểm soát và cảnh báo do vi phạm công bố thông tin (chậm nộp báo cáo tài chính từ năm 2015), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm.

Hiện cổ phiếu PNC vẫn đang giữ nguyên diện cảnh báo do kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/6/2017 là số âm.

Tuy nhiên, sau khi chấm dứt cuộc chiến giữa Ban lãnh đạo và nhóm cổ đông lớn, thay máu cổ đông thì các vấn đề không cùng tiếng nói đã được thông qua.

Ngược với diễn biến giá cổ phiếu bị kiểm soát, thị giá PNC có giai đoạn tăng giá khá mạnh do các nhóm cổ đông tranh nhau gom mua trên sàn. Hiện cổ phiếu PNC đang  được giao dịch ở mức 26.500 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát, bị cảnh báo cũng có thể khắc phục được nguyên nhân để trở lại giao dịch bình thường. Đa phần, các cổ phiếu diện này vẫn quanh quẩn ở mức giá trà đá và không biết bao giờ lên nổi mệnh giá.

Thống kê trên sàn HOSE, có khoảng 29 cổ phiếu đang nằm trong diện bị cảnh báo, 11 cổ phiếu vào diện bị kiểm soát, 2 chứng khoán thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Trong đó, những cổ phiếu như PTL thị giá “nằm vùng” dưới 5.000 đồng/cổ phiếu từ năm 2013 trở lại đây.

Cổ phiếu vẫn đang duy trì diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/6/2017 âm. Hoạt động kinh doanh của PTL chưa có tín hiệu khởi sắc, nên việc ra khỏi diện kiểm soát cũng chưa “chốt” được ngày. Cùng cảnh ngộ là OGC, VOS, STT…

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục