Cổ phiếu vàng trắng có hấp dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cao su thế giới tăng mạnh, doanh nghiệp cao su sở hữu các quỹ đất khủng có khả năng chuyển đổi thành khu công nghiệp… là những tin tốt có thể tác động đến giá cổ phiếu ngành cao su tự nhiên thời gian tới.
Phần lớn các cổ phiếu cao su đều duy trì đà tăng giá tốt từ đầu năm đến nay. Ảnh: Thành Nguyễn. Phần lớn các cổ phiếu cao su đều duy trì đà tăng giá tốt từ đầu năm đến nay. Ảnh: Thành Nguyễn.

Mục tiêu dài hạn

Bắt đầu câu chuyện cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư Nguyễn Văn Khoa (Hà Nội) cho biết, giai đoạn này anh đang tập trung nghiên cứu về các cổ phiếu ngành cao su. Tuy nhiên, điều khiến anh quan tâm không phải là từ ngành nghề kinh doanh chính là mủ cao su, mà lại đến từ việc các doanh nghiệp ngành này đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang phân khúc bất động sản công nghiệp, một phân khúc mà theo anh Khoa nhận định, sẽ rất triển vọng trong thời gian tới.

“Cầm cổ phiếu cao su phải xác định dài hạn, chứ không phải đánh theo sóng như các nhóm ngân hàng, dầu khí, phân bón… thời gian qua. Vì vậy, tôi đang cân nhắc thêm về các cổ phiếu cụ thể và tỷ lệ bỏ vốn”, anh Khoa cho biết.

Còn theo nhà đầu tư Thế Phương (Hà Nội), cổ phiếu cao su nếu có sóng thì khả năng cao sang năm 2022 mới xảy ra. Theo nhà đầu tư này, anh là người thích phong cách ngắn hạn, nên anh chưa mua các cổ phiếu cao su ở thời điểm hiện tại, dù các doanh nghiệp cao su đang được hưởng lợi lớn vì tăng giá, giá bán mủ bình quân quý III/2021 là 40,6 triệu đồng/tấn, cao hơn 8,4 triệu đồng/tấn so với quý III/2020.

“Tôi vẫn đang theo dõi thêm một, hai mã cổ phiếu cao su. Tuy nhiên, tôi chỉ đầu tư khi đã hình thành sóng với nhóm này, có thể lợi nhuận sẽ ít hơn khi 'lên tàu ở ga giữa', nhưng tôi trung thành với việc tìm kiếm cổ phiếu tăng giá và đầu tư trong ngắn hạn của mình”, anh Phương cho biết.

Phân hóa lợi nhuận

Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, cổ phiếu cao su hiện được đánh giá khá triển vọng từ các đơn vị tư vấn đầu tư, giới phân tích. Các doanh nghiệp cao su đang được hưởng lợi lớn từ việc giá mủ tăng. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh quý III/2021 của các doanh nghiệp, thì không phải doanh nghiệp nào cũng đang có bức tranh tươi sáng. Nói cách khác, nếu nhìn vào triển vọng kinh doanh và lựa chọn cổ phiếu thì nhà đầu tư phải “đãi cát, tìm vàng”.

Cụ thể, trong quý III/2021, Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa (BRR - UPCoM) đạt lợi nhuận sau thuế 33,6 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Công ty cổ phần Cao su Tân Biên (RTB - UPCoM) cũng có lợi nhuận quý III/2021 tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ lên mức 159 tỷ đồng, vượt 180% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021. Công ty cổ phần Cao Su Tây Ninh (TRC - HOSE) cũng đạt lợi nhuận sau thuế trên 32 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 8,3 tỷ đồng của quý III/2020.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại có kết quả kinh doanh không tốt, như Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR - HOSE) lợi nhuận giảm hơn 19%, Cao su Phước Hoà (PHR - HOSE) giảm 54,3%, Cao su Đắk Lắk (DRI - UPCoM) giảm hơn 64%, Cao su Hoà Bình (HRC - HOSE) giảm hơn 54%.

MÃ CỔ PHIẾU

LNST QUÝ III/2020 (tỷ đồng)

LNST QUÝ III/2021 (tỷ đồng)

TĂNG/GIẢM

GIÁ CỔ PHIẾU NGÀY 1/4/2021

GIÁ CỔ PHIẾU NGÀY 11/11/2021

BIẾN ĐỘNG

GVR 1.191,3 1.533,5 28,7% 28.000 41.900 49,6%

BRR

10,8

33,6

211,1%

12.320

26.200

112%

BRC

5,4

5,0

-7,4%

10.950

18.200

66%

DRI

1,4

0,5

-64,3%

7.710

17.000

120%

DPR

58,9

47,5

-19,4%

44.500

81.900

84%

HRC

1,1

0,5

-54,5%

54.500

52.900

-3%

SBR

1,2

1,3

8,3%

13.940

11.500

-18%

RTB

37,4

60,7

62,3%

11.900

30.000

152%

TRC

8,6

32,1

273,3%

35.810

46.200

29%

TNC

2,3

11,2

387%

30.400

35.300

16%

PHR

139,9

63,9

-54,3%

63.600

70.100

10%

Tăng giá là chủ đạo

Theo đánh giá từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR - HOSE) đang đứng trước cơ hội trở thành nhà đầu tư bất động sản khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Cùng với đó, các mảng kinh doanh chính như cao su, gỗ đều đang mang lại doanh thu và lợi nhuận cao cho GVR.

MBS đánh giá, thời gian tới, cao su vẫn tiếp tục là ngành dẫn dắt tăng trưởng của GVR với việc chiếm tới hơn 65% tổng tài sản của GVR. Các mảng còn lại đóng góp hàng năm khoảng 25% tổng doanh thu và tiếp tục được cải thiện về hiệu quả hoạt động.

Theo MBS, năm 2021, GVR có thể sẽ đạt doanh thu thuần 23.239 tỷ đồng (tăng 10% so với năm trước), biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên mức 23,9% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.471 tỷ đồng (giảm 4,7% so với cùng kỳ) do trong năm 2020 ghi nhận khoản thu nhập tài chính bất thường từ việc thoái vốn. MBS khuyến nghị mua vào cổ phiếu này, thời điểm đưa ra khuyến nghị (21/9/2021), GVR đang có giá 36.400 đồng/cổ phiếu, giá mục tiêu 46.900 đồng/cổ phiếu. Thời điểm hiện tại, đóng phiên ngày 11/11/2021, GVR có giá trị 41.900 đồng/cổ phiếu.

Với PHR, theo Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), triển vọng của PHR đến từ việc chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp, hoạt động ổn định của ngành cao su và các công ty liên doanh liên kết, cùng với đó là mức tỷ suất cổ tức tiền mặt hấp dẫn. KBSV cũng đưa ra khuyến nghị mua vào với PHR, thời điểm đưa ra khuyến nghị (ngày 28/7/2021), cổ phiếu PHR có giá 48.800 đồng/cổ phiếu, giá mục tiêu cuối năm 2021 là 65.700 đồng/cổ phiếu. Thời điểm hiện tại, đóng phiên ngày 11/11/2021, PHR có giá trị 70.100 đồng/cổ phiếu.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu ngành cao su có xu hướng tăng, ngoại trừ hai cổ phiếu HRC, SBR. Nhìn vào biến động giá cổ phiếu cao su trong hơn 10 tháng qua, có thể thấy rằng, "vàng trắng" đang đáp ứng khá tốt kỳ vọng của các nhà đầu tư khi duy trì mức tăng giá ấn tượng.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục