Cổ phiếu vận tải biển “trôi dạt” trên UPCoM

(ĐTCK) Rất nhiều DN vận tải biển trên UPCoM đang có nguy cơ “chìm” khi kinh doanh thua lỗ kéo dài dẫn đến âm vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng, trong khi triển vọng ngành chưa có dấu hiệu “nổi”.
Cổ phiếu vận tải biển “trôi dạt” trên UPCoM

Thua lỗ nặng nề, giá cổ phiếu tụt dốc

Trong 31 mã cổ phiếu chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần trên UPCoM kể từ ngày 26/5/2016 mà Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa công bố, có 7 mã thuộc ngành vận tải biển, đó là: DDM, ISG, NOS, SSG, VSG, VST và WTC. Cả 7 DN này đều âm vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2015.

Trước đó, đầu tháng 4/2016, cổ phiếu VSP của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) bị HNX buộc tạm ngừng giao dịch. Không lâu sau, “ông lớn một thời” của ngành vận tải biển này quyết định tạm dừng hoạt động do không thể khắc phục được gánh nặng tài chính.

Thực tế, những năm gần đây, thị trường hàng hải khó khăn khiến hầu hết DN vận tải biển thua lỗ nặng nề.

Năm 2015, CTCP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế (ISG) đạt doanh thu 342,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế 76,39 tỷ đồng (năm 2014 lỗ hơn 75 tỷ đồng), nâng mức lỗ lũy kế lên 298,5 tỷ đồng. ISG cho biết, hoạt động khai thác đội tàu, dịch vụ xuất khẩu thuyền viên và dịch vụ logistics của Công ty hoàn toàn không có lãi.

Với CTCP Vận tải biển Bắc (NOS), theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 vừa công bố, trong kỳ, NOS đạt doanh thu 44,4 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế gần 95 tỷ đồng. Thời điểm cuối quý I/2016, Công ty lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng. Tương tự, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) có khoản lỗ lũy kế 816,8 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2016 (quý I/2016 lỗ 7,6 tỷ đồng).

CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM) trong năm 2015 đạt tổng doanh thu 294,1 tỷ đồng, nhưng lỗ 138,9 tỷ đồng, trong đó hoạt động vận tải biển lỗ 88,4 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái 48,16 tỷ đồng. Quý I/2016, DDM lỗ sau thuế 16,7 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2016 lên 581,7 tỷ đồng.

Chỉ số cước vận tải tàu hàng khô (BDI) trong năm 2015 giảm mạnh, từ trên 2.000 điểm đầu năm xuống 471 điểm vào ngày 16/12/2015 - mức thấp kỷ lục trong 7 năm (năm 2008 đạt 12.000 điểm), đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả kinh doanh của các  DN vận tải biển, dù giá dầu thô giảm 46% (bình quân khoảng 52 USD/thùng). Bên cạnh đó, lỗ chênh lệch tỷ giá khiến bức tranh tài chính của các DN càng u ám, khi khách hàng chủ yếu thanh toán bằng USD và nhiều DN có vốn vay bằng USD, trong bối cảnh VND giảm giá so với ngoại tệ này. 

Triển vọng vẫn khó khăn

Đầu năm 2016, chỉ số BDI tiếp tục xu hướng giảm, xuống 290 điểm vào ngày 10/2. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số BHSI phản ánh trực tiếp giá cước của dòng tàu Handysize - loại tàu cỡ trung có trọng tải 35.000 - 50.000 DWT, dòng tàu mà các DN vận tải biển Việt Nam thường sở hữu, giảm còn 183 điểm vào ngày 12/2. Chỉ số BHSI bình quân quý I/2016 ước khoảng 229 điểm, giảm 28,1% so với quý IV/2015. Mức cước tại thị trường khu vực Thái Bình Dương giảm còn khoảng 3,2 USD/tấn cho một chuyến hành trình từ khu vực Tây Úc đến Trung Quốc, đây là mức cước thấp nhất kể từ tháng 11/2001.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), chỉ số BDI giảm chủ yếu là do sức tiêu thụ của Trung Quốc giảm và sự bất ổn địa chính trị tại nhiều nơi trên toàn cầu. Chỉ số BDI phục hồi lên mốc 700 điểm vào cuối tháng 4, nhưng từ đó đến nay có diễn biến giảm trở lại, hiện dao động quanh 600 điểm. Vị lãnh đạo Vinalines dự báo, ngành vận tải biển nhiều khả năng sẽ tiếp tục bất ổn cho đến cuối năm. Thực tế, thị trường rơi vào tình trạng có quá nhiều tàu cùng theo đuổi một lượng hàng ít ỏi. Việc đàm phán giá cả rất khó khăn vì nguồn cung vượt xa nhu cầu về vận chuyển.

Trong khi đó, theo CTCK Ngân hàng Ngoại thương, năm 2015, sản lượng hàng hóa vận chuyển đảm nhận bởi đội tàu biển Việt Nam đạt 107,8 triệu tấn, tăng 9,5% so với năm 2014, nhưng thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ đạt khoảng 10 - 12% do sự cạnh tranh cao từ các hãng tàu biển nước ngoài. Các DN vận tải biển của Việt Nam có nhiều hạn chế, từ cơ cấu đội tàu không hợp lý, thiếu liên kết giữa chủ tàu và DN xuất nhập khẩu, kỹ thuật tàu yếu kém, đến năng lực quản lý chưa cao…, nên khó có khả năng tranh giành thị phần.

Triển vọng ngành vận tải biển cũng như cảng biển được kỳ vọng sẽ sáng hơn trong trung và dài hạn, do đây là các ngành được hưởng lợi gián tiếp từ việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại. Các hiệp định này sẽ giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam gia tăng, làm tăng nhu cầu về các dịch vụ vận tải biển, cảng biển. Mặt khác, các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới như Samsung, Microsoft, LG, Bridgestones… được dự báo sẽ chuyển dần dây chuyền sản xuất về Việt Nam, góp phần làm tăng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.

Năm 2016. Cục Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt 470 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2015, trong đó hàng container đạt 13,3 triệu TEU, tăng 11%.               

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục