Cổ phiếu vận tải biển bắt đầu “nổi sóng”

(ĐTCK-online) Mặc dù ngành vận tải biển còn gặp nhiều khó khăn nhưng đón trước cơ hội phục hồi kinh tế thế giới, các cổ phiếu ngành này đã bắt đầu “nổi sóng” và dự kiến sự hồi phục sẽ còn tiếp tục.
Cổ phiếu vận tải biển bắt đầu “nổi sóng”

Đón đầu phục hồi kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới đang dần phục hồi, điều này được ghi nhận ở hầu hết nền kinh tế. Chẳng hạn, theo báo cáo quý III về tình hình tăng trưởng kinh tế của các nước trong khối OECD, Đức có tăng trưởng dự đoán trong quý III là 3,6%; tỷ lệ này của Mỹ và Pháp là 1,6%, Nhật là 1,1%.

Sự phục hồi của kinh tế thế giới sẽ làm tăng mạnh nhu cầu vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển đường biển. Các tín hiệu này báo hiệu sự phục hồi của cổ phiếu vận tải biển, mặc dù nhiều DN ngành này thua lỗ trong 6 tháng đầu năm.

 

Áp lực chỉ tiêu lợi nhuận năm 2009 - nhiều công ty đang bán tàu

Từ cuối năm 2008, một số DN vận tải biển vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận dương năm 2009. Áp lực này hiện được cụ thể hóa bằng việc một số DN thực hiện bán tàu (phần lớn đã khấu hao hết) để hạch toán lợi nhuận. Cụ thể, VST đang chuẩn bị bán 2 tàu, thu về 4,5 triệu USD. DDM và MHC cũng đang chào bán các tàu đã hết khấu hao và dự kiến thu về hàng triệu USD.

Điều này không hẳn là tín hiệu xấu, vì các DN này đều đã hoặc đang mua tàu mới về thay thế. Việc bán trong năm nay có thể giúp cải thiện lợi nhuận năm 2009 và tạo ra dòng tiền, trong khi năm 2010 thì triển vọng phục hồi là rõ ràng và lợi nhuận có thể bảo đảm.

 

Triển vọng ngày càng sáng sủa làm giảm lo lắng về thua lỗ trong quá khứ

Nhà đầu tư thường e ngại các công ty thua lỗ. Tuy nhiên, tương tự như một số DN thủy sản, giá cổ phiếu một số DN vận tải dù thua lỗ nhưng đã tăng giá cao hơn cả VN-Index trong 1 tháng vừa qua (xem bảng 1).

 

Bảng 1: Một số CP vận tải biển thua lỗ nhưng tăng giá mạnh hơn VN-Index trong 1 tháng qua. Nguồn: AVSC
Bảng 1: Một số CP vận tải biển thua lỗ nhưng tăng giá mạnh hơn VN-Index trong 1 tháng qua. Nguồn: AVSC

Vận tải xăng dầu không còn bị lãng quên

Trước kia, trong bối cảnh suy thoái của các công ty vận tải biển khác, giá các cổ phiếu vận tải xăng dầu như VIP, VTO bị giảm mạnh, ít được nhà đầu tư chú ý, mặc dù có kết quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên, gần đây các thông tin tốt của cổ phiếu vận tải xăng dầu đã được nhà đầu tư quan tâm trở lại. Chẳng hạn, sau 8 tháng VIP đạt hơn 80 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 91% kế hoạch năm 2009. Tính ra, VIP có EPS 4 quý gần nhất là gần 1.500 đồng/CP, P/E là 13,6 lần và thị giá hiện là 19.900 đồng/CP - những thông số đáng xem xét.

Bảng 2: Giá cổ phiếu vận tải biển tăng trưởng cao hơn VN-Index và HNX-Index trong tuần qua
Bảng 2: Giá cổ phiếu vận tải biển tăng trưởng cao hơn VN-Index và HNX-Index trong tuần qua

Các cổ phiếu vận tải xăng dầu của Petrolimex có ưu điểm là được đảm bảo đầu ra, nên doanh thu, lợi nhuận ổn định, không bị tác động lớn của suy thoái trong ngành vận tải. Ước tính, chỉ 30% doanh thu của VIP bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của chỉ số vận tải biển (BDI).

Thu lợi nhuận từ các dự án khác

Không thể không tính đến một yếu tố là từ năm 2008 nhiều công ty vận tải đã lường trước khó khăn từ hoạt động kinh doanh chính trong năm 2009 và đã mở rộng sang các dự án khác để giúp cải thiện lợi nhuận năm nay. Chẳng hạn, VSP vừa chuyển nhượng vốn góp trong CTCP Lọc hóa dầu Nam Việt, thu về 51 tỷ đồng lợi nhuận; VIP sẽ đưa Tòa nhà văn phòng VIPCOM vào hoạt động trong quý III/2009, khai thác 10.000 m2 cho thuê và đã hoàn thành móng một cao ốc 25 tầng khác.

Các thông tin kể trên cho thấy một số cổ phiếu vận tải biển vẫn rất tiềm năng và hứa hẹn “nổi sóng”.       

Lê Anh Thi, Giám đốc Tư vấn - Phân tích, CTCP Chứng khoán Âu Việt
Lê Anh Thi, Giám đốc Tư vấn - Phân tích, CTCP Chứng khoán Âu Việt

Tin cùng chuyên mục