Sau khi Chính phủ Mỹ công bố số liệu tăng trưởng kinh tế đạt 3%, vượt con số dự báo 2,7% tính theo năm, thị trường chứng khoán nước này lập tức phản ứng tích cực.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8% và S&P 500 tăng 1,32% so với mức đóng cửa tuần trước. Các chỉ số vẫn giao dịch dưới mức cao nhất của tháng 8, nhưng giới đầu tư tỏ ra lạc quan về khả năng lập đỉnh mới dựa trên nền tảng giá trị giao dịch tăng mạnh.
Trong một diễn biến khác, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,7% so với mức đóng cửa tuần trước, theo đó đạt lợi suất 5,2% so với mức thấp nhất trong tháng. Chỉ số này cũng thu hẹp khoảng cách với S&P 500 của Mỹ và đạt lợi suất 7,37% kể từ đầu năm.
Tốc độ tăng mạnh của Shanghai Composite khá tương xứng với các thị trường mới nổi khác như Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ và Đông Nam Á. Chứng chỉ quỹ iShares MSCI đầu tư vào các thị trường mới nổi (EEM) đã tăng giá mạnh trong tháng 8 và đạt lợi suất 5,65% so với mức thấp nhất trong tháng. Điều này đồng nghĩa với việc dòng vốn từ quỹ này mua mạnh trên các thị trường cơ sở.
Theo dõi diễn biến các nhóm ngành trên thị trường Mỹ, chúng tôi nhận thấy bắt đầu có sự phân hóa. Tuần qua, lĩnh vực công nghệ (XLK) và chăm sóc sức khỏe (XLV) tiếp tục tăng giá nổi bật, kế tiếp là nhóm vật liệu cơ bản (XLB), công nghiệp (XLI) và bất động sản (XLRE). Lĩnh vực tài chính (XLF), tiêu dùng lâu bền (XLY) đang không theo kịp mức tăng trung bình của thị trường trong ngắn hạn.
Trong số các nhóm ngành phòng thủ, lĩnh vực dịch vụ (XLU) đang vươn lên khá mạnh. Như vậy, các lĩnh vực nhạy với tăng trưởng như công nghiệp, tài chính và tiêu dùng lâu bền đang tạm thời suy yếu, có nghĩa là giới đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn với đà tăng thị trường.
Sự mạnh lên của các tài sản trú ẩn rủi ro cũng cho những hàm ý quan trọng về hướng đi của dòng vốn. Giá chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm (IEF) tăng liên tục từ tháng 7 và duy trì xu hướng tăng kể từ đáy khủng hoảng 2009.
Điều này cũng xảy ra với trái phiếu chính phủ của các quốc gia phát triển khác. Khi dòng vốn ưa chuộng tài sản trú ẩn rủi ro, điều đó có nghĩa là giới đầu tư bớt ưa chuộng cổ phiếu.
Chỉ số chứng khoán trong nước cũng vừa có một tuần hồi phục khá mạnh, chỉ số VN-Index tăng 3,12%, trong khi VN30 - Index tăng 5,52% so với mức thấp nhất tháng. Lĩnh vực bất động sản, vận tải, cảng biển, thép, dệt may, điện, chứng khoán và ngân hàng đều phục hồi tốt, trong khi nông nghiệp, xây dựng và xây lắp, xi măng, thủy sản và dược sụt giảm. Độ rộng của thị trường tốt trở lại nhờ số đông cổ phiếu tham gia đà tăng chung.
Chúng tôi cho rằng, việc duy trì danh mục dài hạn cân bằng giữa cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị là lựa chọn tốt cho giai đoạn hiện tại. Đối với giao dịch ngắn hạn, khi giá tăng và dòng tiền mua theo lực hấp dẫn của lợi nhuận đầu tư, lựa chọn phù hợp là bán bớt cổ phiếu.