Cổ phiếu thép và mối bất an

(ĐTCK) Trong khi nhiều NĐT lo ngại về triển vọng của DN thép trong quý III/2013, mùa thấp điểm tiêu thụ thép, thì một số DN ngành này lại tỏ ra lạc quan.

Trước hết, NĐT lo ngại về hàng tồn kho. Quý II vừa qua, các doanh nghiệp ngành thép có thể có một quý kinh doanh thuận lợi như mọi năm nếu không có cú sốc giảm giá thép nguyên liệu, khiến các doanh nghiệp phải giảm giá bán nhằm tiêu thụ hàng tồn kho giá cao. CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) từ tháng 5 sang tháng 6 đã lỗ xấp xỉ 40 tỷ đồng tính riêng bán hàng nhập khẩu, trung bình lỗ 1.000 đồng/kg sắt bán ra. Con số lỗ này dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ trong quý II/2013 và làm giảm lợi nhuận chung của 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trái với thông tin từ một công ty chứng khoán rằng, SMC đang còn một lượng hàng tồn kho lớn giá cao, ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SMC cho biết, hàng tồn kho của SMC không phải trích lập dự phòng do giá không cao hơn so với mặt bằng giá thế giới hiện nay. SMC còn tồn kho khoảng 67.000 tấn so với mức tiêu thụ 60.000 tấn/tháng, nên tồn kho chỉ ở mức “hơi cao”, chứ không phải mức cao. Trong tháng 7, giá thép thế giới đã tăng trở lại nên quý III, theo dự đoán của ông Anh, sẽ đảm bảo lợi nhuận cho sản xuất.

Quý III là mùa thấp điểm tiêu thụ thép

Điều khiến NĐT băn khoăn nữa là giá thép nguyên liệu có thể giảm trở lại do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, khi một nhà nhà sản xuất lớn đã giảm giá bán trong tháng 7. Nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), giá thép vừa qua đã xuống rất thấp, theo thông lệ, khi phục hồi phải tăng đến 100 USD/tấn, nhưng do sức tiêu thụ của thị trường kém nên giá chỉ phục hồi khoảng 30 - 40 USD/tấn. Có những loại thép mà tồn kho không lớn, giá phục hồi đến 70 USD/tấn. Nhận định chung của ông Hà là giá thép sẽ phục hồi trong thời gian tới.

Ở thị trường trong nước, do sức mua giảm vì bước vào mùa mưa nên hiện nay giá bán đầu ra không tăng như tăng giá đầu vào. Bước sang tháng 9, vào mùa tiêu thụ, hàng tồn kho trong nước giảm mạnh thì giá thép có thể bật lại nhanh.

Tìm hiểu từ các doanh nghiệp thép, giá thép nguyên liệu trên thị trường thế giới phục hồi, hiện nay là 603 USD/tấn cán nguội chào từ Nhật Bản và 580 USD/tấn với nguồn cung từ Trung Quốc, nên những doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua ở giá đáy là 530 USD/tấn có nguy cơ bị bên bán “xù”, chấp nhận đền bù hủy hợp đồng. Ngay tại thị trường trong nước, nhà sản xuất cán nguội Posco cũng đã tăng giá 30 USD/tấn.

Triển vọng khả quan nên ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) vừa công bố đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu DTL theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Trao đổi với ĐTCK, ông Nghĩa cho biết, mục đích của ông là nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty và phần nào hỗ trợ thanh khoản cho cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu DTL. Lý do là Khu liên hiệp Đại Thiên Lộc đã đi vào hoạt động với sản lượng ổn định, hoạt động xuất khẩu giúp Công ty có lợi nhuận và phấn đấu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay.

Với TLH, ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định, Công ty sẽ không lỗ và thực hiện được kế hoạch chia cổ tức tối thiểu 10%. Thời gian chi trả cổ tức tiền mặt theo thông lệ của TLH là trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ông Hà lưu ý, dù Công ty đang kinh doanh có lãi, nhưng vẫn phải dự phòng cho những lúc khó khăn, bởi thị trường biến động khó lường. Lo ngại nhất hiện nay là nguy cơ Trung Quốc thực hiện thắt chính sách chặt tín dụng, khi đó giá thép Trung Quốc có thể giảm mạnh và tràn sang thị trường Việt Nam.

Đối với thị trường trong nước, ông Nghĩa cho biết, tỷ suất lợi nhuận khi bán hàng tôn thép rất thấp, bởi không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc không bị kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng. Nhiều doanh nghiệp nhập thành phẩm từ Trung Quốc về bán trong nước với mức thuế là 0% với tôn màu và 5% với tôn mạ, nên hàng sản xuất trong nước đúng tiêu chuẩn rất khó cạnh tranh.   

Minh An
Minh An

Tin cùng chuyên mục