Cổ phiếu thép có sóng dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngành thép có nhiều lần dậy sóng, một số mã có mức tăng giá tính bằng lần.
Nhu cầu thép tại thị trường nội địa giảm, nhưng trên thế giới tăng cao. Nhu cầu thép tại thị trường nội địa giảm, nhưng trên thế giới tăng cao.

Ba động lực

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, có ba động lực đang giúp cổ phiếu nhóm ngành thép tiếp tục có triển vọng tích cực.

Thứ nhất, xuất khẩu tăng trưởng, các nước đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nên nhu cầu thép tăng cao.

Thứ hai, tín hiệu mở cửa xây dựng trở lại ở nhiều địa phương sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng thép xây dựng tại thị trường nội địa sau thời gian dài bị tạm ngưng vì giãn cách xã hội và đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Thứ ba, biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đang được cải thiện nhờ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 8/2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá gần 7,1 tỷ USD, tăng 43,4% về lượng và tăng 127% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Năng lực sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đạt khoảng 24 triệu tấn/năm. Năm 2021, sản lượng sản xuất thép thô dự kiến đạt 21,2 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tính đến cuối tháng 8, sản lượng thép thô đạt 13 triệu tấn, tăng 23% so với cùng kỳ.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong xuất khẩu là thép cuộn cán nóng, tăng 145%, nhờ Formosa đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp theo là xuất khẩu tôn mạ tăng 115%, thép cán nguội tăng 45%, thép xây dựng tăng 27%.

Đối với mặt hàng thép xây dựng, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng cả nước trong 8 tháng đầu năm nay là 6,6 triệu tấn, trong đó xuất khẩu trên 1 triệu tấn.

Riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tiêu thụ được gần 2,5 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ. Kết quả này giúp HPG đạt 37% thị phần mặt hàng thép xây dựng, cao hơn 9% so với đầu năm (28%).

Các doanh nghiệp ngành tôn mạ cũng đẩy mạnh xuất khẩu khi có đến 54% sản lượng tôn mạ sản xuất ở Việt Nam được xuất đi các nước. Xuất khẩu được coi là “cứu cánh” của doanh nghiệp trong bối cảnh tiêu thụ trong nước sụt giảm.

10 tháng niên độ tài chính 2020 - 2021 (từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đạt sản lượng 1,88 triệu tấn, tăng 150%; doanh thu 37.850 tỷ đồng, tăng 175%; lợi nhuận sau thuế 3.674 tỷ đồng, tăng 439% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, HSG đã thực hiện vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả niên độ. Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, tháng 8/2021, HSG bán được 150.781 tấn tôn mạ, trong đó xuất khẩu 123.080 tấn, chiếm tỷ trọng 81% hàng làm ra.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) ghi nhận sản lượng bán hàng tháng 8/2021 đạt 86.299 tấn tôn mạ, tăng 14,3%, trong đó xuất khẩu 80.610 tấn, tăng 30% so với tháng 7.

Xuất khẩu phần lớn sản phẩm làm ra đã giúp HSG, NKG giữ được đà tăng trưởng. Công ty Chứng khoán SSI nhận định, kênh xuất khẩu sẽ giúp hai doanh nghiệp này duy trì hoạt động hết công suất trong thời gian tới, bất chấp tác động kéo dài của dịch Covid-19 đối với nhu cầu thép trong nước. Cả hai đều đã có đơn hàng xuất khẩu để hoạt động hết công suất đến hết tháng 11/2021.

Kỳ vọng quý IV

Ông Nguyễn Thế Minh cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các dự án đầu tư công bị tạm dừng, nhu cầu thép trong nước chậm lại, nhưng điểm sáng xuất khẩu đã giúp nhóm ngành thép có những yếu tố tích cực.

Sang quý IV, giá trị xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng cao khi các nước đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng sau dịch.

Song song với đó, doanh nghiệp thép Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh khi Trung Quốc hạn chế sản xuất thép do ô nhiễm môi trường, đóng cửa một số nhà máy thép khiến sản lượng xuất khẩu giảm.

Ngoài ra, xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, Úc - Trung Quốc sẽ khiến doanh nghiệp tại Mỹ và Úc hạn chế nhập thép từ Trung Quốc, đây là điểm thuận lợi cho thị trường xuất khẩu thép Việt Nam.

Tại thị trường nội địa, Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, sản lượng sản xuất thép xây dựng tháng 8/2021 thấp nhất trong giai đoạn 2017 - 2021, chủ yếu do nhiều tỉnh, thành phố tăng cường giãn cách xã hội.

Cụ thể, các thành viên Hiệp hội sản xuất 713.000 tấn thép xây dựng, giảm 8%; bán được gần 560.000 tấn, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến quý IV, khi hoạt động xây dựng được mở cửa trở lại ở Hà Nội, TP.HCM (tại các “vùng xanh”) và Nhà nước đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, nhu cầu thép sẽ tăng.

Định giá cổ phiếu không phản ánh chính xác ngành thép. Nhà đầu tư cần nhìn vào câu chuyện tăng trưởng của từng ngành để có lựa chọn cơ hội đầu tư. Nhóm cổ phiếu ngành thép đang có mức giá thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Tiềm năng của nhóm cổ phiếu này còn lớn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Giá thép trong nước gần đây ổn định, nhưng giá thép thành phẩm cũng như giá thép nguyên liệu trên thế giới duy trì ở mức cao. Đa phần doanh nghiệp thép phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và chưa có chu trình khép kín, nên khi giá thép nguyên liệu tăng sẽ gây áp lực lên chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lớn như HPG chủ động được nguyên liệu thép cán nóng, giúp biên lợi nhuận tăng và đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cổ phiếu ngành thép có sự phân hóa, nhất là khi giá thép biến động. Nhà đầu tư nên cân nhắc các doanh nghiệp có tiềm lực tốt, biên lợi nhuận gộp cao để lựa chọn cổ phiếu. Nếu giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ tốt vẫn có triển vọng phát triển, bởi doanh thu tăng trưởng sẽ bù lại được chi phí. Những doanh nghiệp xuất hàng tới các thị trường như EU, Mỹ sẽ có biên lợi nhuận tốt hơn nhờ giá trị hàng hóa cao.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) đánh giá, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn tăng trưởng nhờ thị trường xuất khẩu tốt. Đặc biệt, những doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ có lợi nhuận cao nhờ giá thép tăng cao từ đầu năm đến nay. Ngoại trừ một số doanh nghiệp thép có nhà máy tại khu vực phía Nam bị tạm dừng hoạt động do giãn cách xã hội, những nhà máy đang hoạt động bình thường sẽ có triển vọng tăng trưởng tích cực.

Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng, nhóm cổ phiếu thép sẽ tiếp tục có sóng dài, nhất là quý IV thường là mùa cao điểm của thị trường xây dựng trong và ngoài nước.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục