Theo đó, chỉ số Nasdaq nặng về công nghệ nhích 1,4% để dẫn đầu thị trường, trong khi S&P 500 đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 9/6. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,5%.
Phiên này, cổ phiếu của Tesla đã tăng 9,8% sau khi nhà sản xuất xe điện công bố kết quả kinh doanh quý II tốt hơn mong đợi, với lợi nhuận đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng của Tesla đã giúp bù đắp sự sụt giảm của cổ phiếu viễn thông và năng lượng, với ảnh hưởng từ AT&T sau khi cắt giảm dự báo dòng tiền, trong khi cổ phiếu năng lượng cũng trượt dốc do giá dầu thô yếu đi.
J. Bryant Evans, cố vấn đầu tư và quản lý danh mục đầu tư tại Cozad Asset Management, cho biết: “Bức tranh lợi nhuận quý II dường như tốt hơn một chút so với những gì nhà đầu tư lo ngại và có thể có một số cơ hội để mua vào”.
Các cổ phiếu tăng trưởng lớn khác như Amazon và Apple đều tăng 1,5%, với cả hai công ty dự kiến báo cáo kết quả kinh doanh vào tuần tới.
Hiện đã có có hơn 90 doanh nghiệp trong S&P 500 báo cáo kết quả kinh doanh quý II, trong đó, 78% vượt kỳ vọng của giới chuyên gia, theo Refinitiv.
Dù vậy, một số nhà đầu tư cho rằng các báo cáo kinh tế yếu kém và áp lực lạm phát lớn hơn là những dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn chưa chạm đáy.
Mới nhất, chỉ số sản xuất của Fed khu vực Philadelphia ở mức -12,3 điểm, thấp hơn nhiều so với dự báo con số dương 1,6 từ Dow Jones.
Trong khi đó, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục xu hướng tăng và chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên 251.000 đơn trong tuần kết thúc ngày 16/7, cao hơn so với mức điều chỉnh 244.000 đơn trong tuần trước đó.
Kết thúc phiên 21/7, chỉ số Dow Jones tăng 162,06 điểm (+0,51%), lên 32.036,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 39,05 điểm (+0,99%), lên 3.998,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 161,96 điểm (+1,36%), lên 12.059,61 điểm.
Chứng khoán châu Âu giằng co quanh tham chiếu và đóng cửa tăng nhẹ, trong ngày Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) lần đầu tiên tăng lãi suất sau 11 năm.
ECB hôm nay đã quyết định đã nâng lãi thêm 0,5% từ mức âm 0,5% lên 0%, vượt con số dự báo 0,25% do lạm phát khu vực mức cao kỷ lục 8,6%, cao hơn mục tiêu 2%.
Ngân hàng này cũng cho biết, các đợt tăng lãi suất trong tương lai "sẽ hợp lý", trong khi quy mô của các đợt tăng sẽ "tùy vào dữ liệu" kinh tế thời điểm đó. Dự kiến, đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể được đưa ra sớm nhất trong cuộc họp ngày 8/9 tới.
Trong một nỗ lực để giảm bớt tác động của sự gia tăng chi phí đi vay, ECB cũng đã tiết lộ một công cụ mới gọi là Công cụ Bảo vệ Chứng thư (TPI), được thiết kế để giới hạn chi phí đi vay và hạn chế sự phân tán tài chính.
Cổ phiếu các ngân hàng đồng euro nhạy cảm với lãi suất đã giảm 1,1% sau khi tăng 1,8% trước đó trong phiên.
Thị trường cũng được thúc đẩy nhờ việc dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 nối Nga với Đức đã khởi động trở lại.
Đáng chú ý khác là tại Ý, mọi thứ dường như tệ hơn, khi các ngân hàng Ý giảm 4,6%, sau khi đã mất 7,2% trong phiên trước đó, do ảnh hưởng từ việc Thủ tướng Mario Draghi từ chức, đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn chính trị.
Kết thúc phiên 21/7: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 6,20 điểm (+0,09%), lên 7.270,51 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 35,34 điểm (-0,27%), xuống 13.246,64 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 16,45 điểm (+0,27%), lên 6.201,11 điểm.