Kết quả kinh doanh tích cực
Ngày 26/4/2018, TCB công bố chào bán thành công hơn 164 triệu cổ phần với giá bán chốt ở mức 128.000/cổ phần, tương đương vốn hóa đạt xấp xỉ 6,6 tỷ USD, lớn hơn cả BIDV và VietinBank, dù vốn điều lệ nhỏ hơn nhiều. Lượng đặt mua cổ phần Techcombank từ các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài lên tới hơn 4 tỷ USD, gấp hơn 4 lần lượng chào bán.
Các nhà đầu tư quan tâm tới ngành ngân hàng đều biết rõ, trong vòng 7 - 8 năm qua, Techcombank không chia cổ tức bằng tiền mặt. Đây là quan điểm được bảo lưu bởi Ban lãnh đạo Ngân hàng nhằm giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư dài hạn, từ đó gia tăng hiệu quả sử dụng vốn và tạo ra thêm giá trị trên mỗi cổ phiếu mà cổ đông nắm giữ.
Cách đây 7 - 8 năm về trước, giá TCB trên sàn OTC chỉ quanh mốc 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm TCB chuẩn bị niêm yết lên sàn cũng chính là lúc sức nóng của ngành ngân hàng đang rất mãnh liệt. Cho tới nay, sau 7 năm nắm giữ cổ phiếu TCB, cổ đông đã đạt mốc sinh lời hơn 10 lần giá vốn nắm giữ ban đầu.
Sơ lược kết quả kinh doanh của Techcombank.
Hiện tại, với giá trị tổng tài sản tính tới quý III/2018 đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2018 của TCB đạt tới 7.774 tỷ đồng, vượt qua BIDV, VietinBank và chỉ xếp sau Vietcombank. Bên cạnh đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2018 của Techcombank đạt 7.774 tỷ đồng, hoàn thành 77,8% kế hoạch năm 2018 được Đại hội đồng cổ đông giao phó.
9 tháng năm 2018, Techcombank chứng kiến tăng trưởng thu nhập ở hầu hết các mảng kinh doanh. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 26,4%, đạt 8.168 tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng thu nhập hoạt động kinh doanh.
TCB không thuyết minh về cơ cấu cho vay theo khách hàng nhưng với chủ trương và hệ sinh thái TCB - Doanh nghiệp, chuỗi giá trị lớn nhất TCB đang có là các khách hàng doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan và Vietnam Airlines... Đây cũng là mô hình khiến cho lợi nhuận của TCB phục hồi mạnh mẽ khi các doanh nghiệp này sử dụng một chuỗi xuyên suốt các sản phẩm của TCB, tạo tính liên kết và gắn bó hơn trong hệ sinh thái với doanh nghiệp đối tác.
Về chất lượng nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu của TCB là 2,05% (đầu năm 2018 là 1,61%). Sau khi sử dụng 2.226 tỷ đồng để xử lý thì dư nợ xấu cuối quý III/2018 của Techcombank còn lại 3.428 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn chiếm 59% trong cơ cấu nợ xấu.
Trong kỳ, TCB trích lập thêm 2.998 tỷ đồng và số dư trích lập cuối quý III/2018 còn lại chưa sử dụng là 2.657 tỷ đồng – tỷ lệ trích lập trên tổng dư nợ xấu đạt 77,5% (cùng kỳ đạt 70%). Với tình hình kinh doanh khả quan, Ngân hàng đã chủ động tăng trích lập dự phòng cho vay khách hàng so với cùng kỳ, trong khi đã trích lập xong cho dự phòng trái phiếu VAMC.
Nhìn chung, các chỉ tiêu tài chính tính tới thời điểm quý III/2018 đều cải thiện so với cả năm 2017.
Lợi thế cạnh tranh
TCB có nhiều các lợi thế cạnh tranh riêng, có thể làm nền tảng để tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới. Thứ nhất, ký kết thoả thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền kéo dài 15 năm với Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife). Trong bối cảnh hoạt động bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) đang có tiềm năng tăng trưởng tích cực, đây là lợi thế lớn của TCB.
Thứ hai, Ngân hàng có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cao (trên 20% trong cơ cấu tiền gửi) giúp chi phí huy động ở mức thấp.
Thứ ba, Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) hiện là công ty chứng khoán hàng đầu về tư vấn và môi giới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, là thị trường có tiềm năng tăng trưởng tốt. Phần lớn lượng trái phiếu cũng được phân phối cho các khách hàng trong hệ sinh thái của TCB. Nhờ đó, Ngân hàng hạn chế được rủi ro nhưng vẫn duy trì được nguồn thu nhập ổn định từ phí bảo lãnh phát hành và phí phân phối trái phiếu.
Thứ tư, TCB có mối quan hệ đối tác tốt với một số khách hàng doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan và Vietnam Airlines... cũng như khách hàng trong nhóm viễn thông, đồ ăn - thức uống. Những doanh nghiệp này có sở hữu lượng khách hàng cá nhân lớn mà TCB có thể tận dụng.
Ngoài cho vay mua nhà, cho vay các nhà thầu, nhà phân phối... trong hệ sinh thái của các khách hàng lớn, TCB có khả năng cung cấp dịch vụ và bán chéo cho nhóm khách hàng này các sản phẩm khác như thẻ tín dụng, cho vay mua xe…
Thứ năm, hệ số đảm bảo an toàn vốn (CAR) được cải thiện nhiều sau khi Ngân hàng tăng vốn. Vào thời điểm cuối tháng 9/2018, CAR đạt mức 14,33%, cao hơn 2,31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ sáu, TCB được biết đến là một ngân hàng khá năng động trong xây dựng nền tảng công nghệ và có kế hoạch đầu tư 324 triệu USD cho công nghệ tới thời điểm năm 2021. Đây sẽ là lợi thế lớn của nhà băng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ.
Trên sàn, việc cổ phiếu TCB chính thức được cấp margin kể từ ngày 6/12/2018 cũng là một điểm cộng cho các nhà đầu tư quan tâm tới mã này.
Rủi ro hiện hữu
Hiện tại, với EPS trượt 4 quý đạt 2.380 đồng/cổ phiếu, TCB đang giao dịch ở mức P/E là 10,78x, P/B là 1,87x, đều thấp hơn trung bình ngành. Giá cổ phiếu TCB đã nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn kể từ khi niêm yết tới nay, một phần xuất phát từ việc nhà đầu tư tranh thủ cơ hội cổ phiếu lên sàn để chốt lời, sau nhiều năm không được chia cổ tức.
Thực tế, rất khó để định giá chính xác các cổ phiếu ngành ngân hàng, nhưng với triển vọng còn tốt, TCB sẽ tiếp tục tạo thêm giá trị cho cổ đông trong dài hạn. Với P/B cao hơn trung bình ngành là 2,5 lần (P/B ngành khoảng 2,2 lần) thì giá hợp lý của TCB hiện tại là 35.000 đồng/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu này đang giao dịch quanh vùng 28.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu đặt niềm tin vào triển vọng doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể mua tích lũy tại các giai đoạn thị trường sụt giảm mạnh để đạt được mức sinh lời cao hơn. Đây là tư duy khác biệt dựa trên một kinh nghiệm được đúc rút trong câu: "Khi nào giá cổ phiếu xuống mà lợi nhuận lại tăng lên, đó là khi nhà đầu tư mua tích lũy cổ phiếu ở vùng giá thấp và dưới biên an toàn đặt ra”.