Cổ phiếu TCB giúp VN-Index “thoát lời nguyền 14h”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đi ngược xu hướng dòng bank, cổ phiếu TCB đã tăng tốc và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày, đã giúp chỉ số VN-Index "thoát lời nguyền 14h".
Cổ phiếu TCB giúp VN-Index “thoát lời nguyền 14h”

Tâm lý lo ngại hàng T+ khiến thị trường giao dịch phiên sáng diễn ra giằng co, chỉ số VN-Index liên tục đổi sắc trong biên độ khá hẹp và tạm dừng trong xu hướng giảm nhẹ nhờ sự hỗ trợ khá tích cực từ một số cổ phiếu lớn.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán có chút gia tăng khiến VN-Index nới nhẹ đà giảm điểm. Tuy nhiên, với mức thanh khoản trong những phiên gần đây khá thấp cho thấy lượng tiền bắt đáy nhập cuộc không quá lớn so với lượng hàng đang bị kẹp trên thị trường, điều này đã khiến nỗi lo T+ nhanh chóng qua đi.

Chỉ số VN-Index nhanh chóng bật hồi và đã tìm lại được sắc xanh chỉ sau hơn 20 phút mở cửa. Diễn tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu bluechip đã tiếp thêm động lực giúp chỉ số chung thử thách mốc 1.080 điểm.

Tuy nhiên, một lần nữa thị trường lại có những biến động mạnh khi thời khắc “14h” điểm. Tại thời điểm này, áp lực bán gia tăng với gánh nặng chính từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến VN-Index giật lùi và may mắn vẫn giữ được sắc xanh nhạt khi kết phiên.

Trong đó, thành viên chính giúp VN-Index “thoát lời nguyền 14h” chính là TCB. Cổ phiếu TCB đã bất ngờ khớp gần 2,7 triệu cổ phiếu trong đợt khớp lệnh ATC, đã kéo giá cổ phiếu này tăng 5,6% và đóng cửa ở mức giá cao nhất trong ngày, đạt 31.000 đồng/CP, đồng thời thanh khoản ghi nhận mức cao nhất trong gần 2 tháng, với hơn 8,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Với mức tăng ấn tượng trên, TCB là cổ phiếu đóng góp lớn nhất, đạt hơn 1,51 điểm cho chỉ số chung. Tiếp theo là các mã bluechip gồm SAB, MWG, VRE, VHM, HDB đều đóng góp hơn 0,5 điểm cho chỉ số chung.

Xét về nhóm ngành, bán lẻ vẫn là nhóm đi đầu thị trường nhờ sự đóng góp của mã lớn trong ngành là MWG đóng cửa tăng 5,3%, ngoài ra FRT đóng cửa tăng gần 3,5%.

Nhóm chế biến thủy sản vẫn giữ nhịp tăng dù đã hạ nhiệt sau phiên bùng nổ hôm qua, với VHC, ACL đều tăng hơn 2%, FMC tăng 1,51%, CMX tăng 0,6%...

Nhóm bất động sản cũng giữ được đà tăng. Bên cạnh các mã lớn tăng nhẹ, tâm điểm đáng chú ý của ngành vẫn là các mã quen thuộc như NVL, CII, VCG, LCG, DIG… đều đóng cửa tăng, trong đó NVL có thời điểm tiệm cận mức giá trần và đã đóng cửa tăng 3,9% với thanh khoản vẫn sôi động với gần 31,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Điểm sáng ngành là cặp đôi CTD và VPH đều tăng 6,9% và đóng cửa tại mức giá trần, với thanh khoản tương ứng đạt 3,6 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoài TCB tăng mạnh còn có HDB kết phiên tăng 4,26%, MSB tăng 2,31%, OCB tăng 5,3%, nhưng không đủ để giúp nhóm trụ cột thoát khỏi sự điều chỉnh nhẹ, do SSB giảm 6,36% về sát sàn, TPB và VPB cùng giảm hơn 2%, ACB, MBB, STB, SHB giảm hơn 1%.

Nhóm chứng khoán cũng điều chỉnh nhẹ, trong khi VCI, CTS, ORS, AGR đóng cửa tăng nhẹ, thì HCM, VND, FTS, BSI, VDS… đảo chiều giảm. Trong đó, VIX vẫn là “vua” thanh khoản khi có tới 39,57 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 13.650 đồng/CP.

Kết phiên, sàn HOSE có 253 mã tăng và 280 mã giảm, VN-Index tăng 1,31 điểm (+0,12%), lên 1.076,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 756,48 triệu đơn vị, giá trị 15.410,54 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% về khối lượng nhưng tăng 5,28% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 52,7 triệu đơn vị, giá trị 1.087,73 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường vẫn tiếp diễn trạng thái rung lắc trong suốt cả phiên chiều và đã chính thức đảo chiều giảm sau 2 phiên khởi sắc trước đó.

Đóng cửa, sàn HNX có 80 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,1%) xuống 217,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,36 triệu đơn vị, giá trị 1.577,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,47 triệu đơn vị, giá trị 59,67 tỷ đồng.

Cặp đôi dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX vẫn giữ sắc đỏ trong phiên chiều. Cụ thể, SHS và CEO cùng đóng cửa giảm nhẹ chưa tới 1% với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 28,95 triệu đơn vị và 12,49 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong rổ HNX30 cũng giao dịch kém khả quan như PVS, MBS, IDC, PVI, TNG… giảm trên dưới 15.

Trái lại, HUT ngược dòng thành công và có phiên khởi sắc thứ 3 liên tiếp. Kết phiên, HUT tăng 1,6% lên mức 19.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6,76 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sau 4 phiên liên tiếp không có thanh khoản, cổ phiếu TAR đã có phiên giao dịch sôi động với thanh khoản đạt hơn 5,82 triệu đơn vị, tuy nhiên, áp lực xả bán lại khiến mã này đóng cửa có thêm phiên nằm sàn, xuống mức 9.000 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường rung lắc nhưng đã may mắn thoát hiểm cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,23%), lên 84,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,9 triệu đơn vị, giá trị 454,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,5 triệu đơn vị, giá trị 26,22 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giữ mức tăng nhẹ 0,5% lên 18.600 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với hơn 6,8 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Đáng chú ý là mã nhỏ PVX đã kéo trần thành công và đóng cửa tăng 14,3% lên mức 2.400 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt hơn 1,8 triệu đơn vị.

Các mã khác có thanh khoản khá tốt với hơn 1 triệu đơn vị là SBS, C4G, AAS, CEN, VGI đều đóng cửa khởi sắc, đáng kể là CEN tăng 8,3%.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng nhẹ và 1 hợp đồng đứng giá tham chiếu. Trong đó, VN30F2311 kết phiên đứng giá 1.087 điểm, khớp lệnh lớn nhất với hơn 283.750 đơn vị, khối lượng mở hơn 57.290 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, tuy nhiên 2 mã thanh khoản tốt nhất đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, CVPB2307 khớp 6,42 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,7% lên 160 đồng/cq và CHPG2324 khớp 5,93 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,9% lên 350 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục