Cùng chuyển mình để bứt tốc
Trong tuần cuối của tháng 9, số ca nhiễm Covid mới hàng ngày giảm hơn 25% so với cùng kỳ tháng trước và được dự báo sẽ duy trì đà giảm trong tháng 10 nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Cùng với những thông tin tốt về vắc-xin là Hà Nội và một số địa phương trên cả nước đã nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội, kỳ vọng nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi kể từ quý IV/2021.
Tin vui đến dồn dập giúp dòng tiền quay trở lại dù vẫn còn thận trọng nhưng đã khiến thanh khoản được cải thiện. Đặc biệt, sự trở lại của dòng ngân hàng cùng giao dịch khởi sắc của các nhóm ngành khác như thủy sản, mía đường, thép… khiến thị trường khởi sắc trở lại. Theo đó, thanh khoản khớp lệnh trong tuần cuối của tháng 9 đã gia tăng so với tuần trước đó với trung bình khoảng 22.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn HNX và HOSE.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, trạng thái đi ngang của chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm kết thúc trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 10, đặc biệt dòng tiền có thể gia tăng trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Điểm đáng chú ý, trước đó, HOSE đã có thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu SHB trên HOSE là ngày 11/10/2021, giá tham chiếu là giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu SHB trên sàn HNX, biên độ dao động là +/- 7%.
Nhưng, quan trọng hơn cả, trước đó SHB đã có “màn trình diễn” đi vào lòng người về năng lực tài chính vững mạnh như: hoàn thành xong đề án nhận sáp nhập Habubank; kết quả kinh doanh ấn tượng, lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt gần 3.200 tỷ đồng cao nhất từ trước đến nay; thương vụ bán SHB Finance mang lại nguồn thặng dư vốn.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khách hàng tiềm năng và chuỗi giá trị khác biệt khi SHB là một trong số ít ngân hàng có ngân hàng con tại Lào và Campuchia. Mạng lưới hơn 530 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 5 triệu khách hàng, kết nối hơn 400 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục… phục vụ các tệp khách hàng lớn, các tập đoàn kinh tế lớn. Đồng thời, chuyển đổi số mạnh mẽ thông qua việc cung cấp các sản phẩm - dịch vụ số hoá từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô và tăng trưởng bền vững…
Một yếu tố then chốt mang đến những kết quả ấn tượng đó là câu chuyện nhân sự. Được biết, Ban lãnh đạo và các cán bộ nhân viên của SHB đã và đang quyết tâm cao độ để ngân hàng phát triển hiệu quả nhất, mở đầu cho giai đoạn bứt tốc.
Tại SHB, Ban lãnh đạo ngân hàng là những người có thâm niên trong ngành, với trung bình hơn 20 năm kinh nghiệm. Hầu hết đều có ít nhất 10 năm làm việc tại SHB và đưa SHB đi qua những thử thách khó khăn và đều giải quyết thành công qua các thương vụ nhận sáp nhập Habubank và Công ty tài chính tiêu dùng Vinaconex Viettel…
Thành công nối tiếp thành công, SHB vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore chấp thuận về nguyên tắc việc đăng ký niêm yết trái phiếu quốc tế đợt 1 theo Chương trình Euro Medium Term Note (EMTN) với giá trị tối đa 300 triệu USD…, thêm bệ đỡ vững chắc cho cổ phiếu SHB - “điểm sáng” thị trường chứng khoán tháng 10.
Cộng hưởng giá trị
6 tháng đầu năm 2021, chỉ số VN-Index tăng mạnh thứ 2 trên thế giới tính từ đầu năm và tăng tốt nhất trong một năm giao dịch vừa qua. Tính đến cuối tháng 9, tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 111,3 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,13 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 81,59% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành), trong đó, riêng trên HOSE đã thu hút niêm yết và giao dịch cổ phiếu của 39 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD.
Được biết, kể từ khi tham gia niêm yết, các doanh nghiệp trên HOSE đã huy động được một lượng vốn đáng kể phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị vốn huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu kể từ năm 2000 đến nay ước đạt hơn 318.000 tỷ đồng với trên 890 đợt phát hành.
Cùng với đó, trên 68% công ty niêm yết tại HOSE đã thực hiện tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết trên TTCK, giúp các công ty nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cho các dự án mới, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, HOSE đề xuất và triển khai hàng loạt các giải pháp kỹ thuật về giao dịch cũng như đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời, là những giải pháp, vận dụng sáng tạo nhằm thực tiễn hóa chính sách của Chính phủ, thực hiện đấu giá bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa qua Sở giao dịch chứng khoán.
Thêm vào đó, cấu trúc sản phẩm niêm yết của HOSE ngày càng hoàn thiện và tiệm cận hơn với xu hướng quốc tế, góp phần tăng thanh khoản trên thị trường cơ sở, đa dạng hóa các lựa chọn đầu tư trên thị trường.
Ngoài cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, HOSE đã tiếp tục phát triển và niêm yết các dòng sản phẩm cấu trúc tiên tiến như chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục ETF (2014) và chứng quyền có bảo đảm - covered warrant (tháng 6/2019) và phát triển hơn 30 chỉ số đa dạng, mang lại nhiều giá trị sử dụng trên thực tiễn, trong đó chỉ số VN30 đang là chỉ số tham chiếu của nhiều quỹ ETF và sản phẩm phái sinh.
VN-INDEX hiện được giao dịch ở mức P/E là 16,3 lần, cao hơn một chút so với P/E trung bình 3 năm là 16,1 lần và chiết khấu khoảng 15% so với mức đỉnh vào cuối tháng 6. Các chuyên gia phân tích cho rằng, thị trường đã phản ánh phần nào những rủi ro giảm giá liên quan đến làn sóng Covid-19 thứ tư và sẽ sớm chuyển sự chú ý sang triển vọng kinh doanh trong năm 2022.
Chuyên gia phân tích của VNDirect kỳ vọng: “VN-INDEX sẽ dao động trong vùng 1.280 - 1.380 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh trong tháng 10. Nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu chỉ số giảm về vùng hỗ trợ và chúng tôi ưu tiên các công ty hàng đầu trong ngành Dầu khí, Ngân hàng…”
Trong một diễn biến có liên quan, trước đó, nhiều công ty chứng khoán đã dự đoán cổ phiếu SHB sẽ lọt vào rổ VNM ETF trong kỳ tái cơ cấu quý I/2022 do giá trị vốn hoá của Ngân hàng này đã tăng mạnh trong thời gian qua và lọt vào nhóm 85% vốn hoá dẫn đầu.
Đặc biệt, với tiềm năng thu hút vốn ngoại do SHB còn room ngoại lớn, báo hiệu cổ phiếu SHB sẽ trở thành đại diện tiếp theo chính thức ghi dấu mình vào VN30 (chỉ số được uỷ quyền đại diện cho sức mạnh nền kinh tế nhất Việt Nam).
“Dự báo SHB sẽ đón một nguồn vốn mới từ việc cơ cấu của các quỹ ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu bao gồm DCVFM VN30, SSIAM VN30 và Mirae Asset VN30. Lúc đó, SHB không chỉ khẳng định là top 10 ngân hàng có vốn hoá lớn nhất, mà còn đại diện thể hiện tầm vóc của thị trường Việt Nam, khi các định chế tài chính lớn trên thế giới quan tâm và đánh giá cao”, các chuyên gia phân tích nhận định.
Thời khắc chuyển mình của SHB, cũng chính là thời điểm chuyển mình của thị trường chứng khoán Việt Nam khi đã đáp ứng được tất cả điều kiện định lượng để được đánh giá từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Nhìn lại quá khứ những “người bạn” như Qatar và UAE, từ lúc Chỉ số thị trường mới nổi (MSCI) công bố kế hoạch nâng hạng cho hai thị trường này vào nhóm mới nổi đã giúp chỉ số chứng khoán tăng mạnh từ 50-150% và thanh khoản tăng gấp 2-3 lần trong giai đoạn 1 năm sau đó.
Lịch sử cũng có thể lặp lại. Ước tính của các công ty chứng khoán, trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào cuối năm 2022, sẽ thu hút dòng tiền lên tới 1,4 tỷ USD đến từ các quỹ tracking hoặc benmarking theo chỉ số FTSE Global All-Cap, FTSE All-Word và FTSE Emerging Markets. Điều này đồng nghĩa, những cổ phiếu đại diện cho các chỉ số như VN30, dù tỷ trọng khiêm tốn thì lượng vốn ngoại đổ vào là rất lớn.
Năm 2021 - 2022 sẽ là một giai đoạn bản lề mở ra một thập kỷ mới hứa hẹn sự bứt phá ngoạn mục của SHB với nhiều sự kiện đáng chú ý. SHB sắp ghi dấu mình vào VN30 đại diện cho cả một nền kinh tế; là đại diện xứng đáng lọt vào “mắt xanh” của nguồn vốn mới khi thị trường nâng hạng trong tương lai.