
Cổ phiếu liên quan đến tiền mã hóa "đỏ lửa"
Theo dữ liệu mới nhất, cổ phiếu Coinbase (COIN), sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ, đã lao dốc 31% trong quý vừa qua. Đây là kết quả quý tồi tệ nhất của công ty kể từ sau sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX vào cuối năm 2022, sự kiện từng gây chấn động toàn bộ ngành công nghiệp.
Không chỉ Coinbase, hầu hết các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực tiền mã hóa đều chìm trong sắc đỏ như cổ phiếu tập đoàn đầu tư tiền mã hóa Galaxy Digital Holdings, các công ty khai thác Bitcoin Riot Platforms và Core Scientific...
Đồng thời, trên thị trường tiền mã hóa, tình hình cũng không mấy khả quan. Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất theo vốn hóa - đã giảm hơn 10% trong quý, trong khi Ethereum mất tới 45% giá trị.
Theo các chuyên gia, đà đi xuống của thị trường tiền mã hóa không đến từ các vấn đề nội tại của ngành mà phần lớn bắt nguồn từ bức tranh kinh tế vĩ mô đang xấu đi.
"Cộng đồng nhà đầu tư tiền mã hóa hiểu rõ rằng đợt sụt giảm này không phải do các yếu tố cơ bản của ngành," ông Owen Lau, chuyên gia phân tích tại Oppenheimer nhận định. "Nguyên nhân chính đến từ môi trường kinh tế vĩ mô - các cuộc chiến thuế quan, nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang, và nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế đang đến gần."
Sự leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu, được thúc đẩy bởi chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã tạo ra làn sóng lo ngại về triển vọng kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này khiến chỉ số S&P 500 kết thúc phiên giao dịch đầu tuần với kết quả tệ nhất kể từ năm 2022.
Đáng chú ý, cổ phiếu của các công ty liên quan đến tiền mã hóa thường phản ứng mạnh hơn so với chính các đồng tiền số mà họ phục vụ.
"Đầu tư vào cổ phiếu liên quan đến tiền mã hóa thường sẽ mang rủi ro kép," ông Lau giải thích. "Ngoài biến động vốn có của thị trường tiền mã hóa, nhà đầu tư còn phải đối mặt với rủi ro doanh nghiệp như nguy cơ phá sản. Khi các dấu hiệu cảnh báo kinh tế xuất hiện, những cổ phiếu này thường bị bán tháo nhanh hơn và mạnh hơn."
Trường hợp của Coinbase là một ví dụ điển hình. Sàn giao dịch này không chỉ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của Bitcoin mà còn chịu tác động từ việc các đồng tiền thay thế như Ethereum, vốn chiếm tỷ trọng đáng kể trong khối lượng giao dịch của sàn, giảm còn mạnh hơn.
Trong khi thị trường tiền mã hóa đang gặp phải vô vàn khó khăn, thì vàng - loại tài sản mang đặc tính trú ấn truyền thống, đã có một trải qua quý đầu năm 2025 đầy ấn tượng. Kim loại quý này đạt tỷ suất lợi nhuận quý tốt nhất kể từ năm 1986 nhờ liên tục thiết lập mức giá cao kỷ lục mới.
Điều này đã khiến ông Chris Weston, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Pepperstone, đưa ra nhận xét, bất chấp những tuyên bố về Bitcoin là "vàng kỹ thuật số", thực tế đã chứng minh vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư khi thị trường bất ổn. Không chỉ vậy, niềm tin vào khả năng Trái phiếu Kho bạc Mỹ có thể đóng vai trò phòng ngừa rủi ro hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Từ đỉnh cao xuống thực tại
Tình hình hiện tại của thị trường tiền mã hóa tương phản rõ rệt với đầu năm, khi làn sóng lạc quan dâng cao sau chiến thắng bầu cử của ông Donald Trump, người xem là ứng cử viên thân thiện với tiền mã hóa.
Vào ngày Lễ Nhậm chức của ông Trump tại tháng 1/2025, giá của đồng Bitcoin đã đạt mức giá kỷ lục trên 109.000 USD. Tuy nhiên, các chính sách thực tế của chính quyền Trump về tiền mã hóa dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng cao của thị trường.
Bitcoin giảm giá đáng kể đầu tháng này sau khi Tổng thống công bố kế hoạch tạo kho dự trữ chiến lược Bitcoin, nhưng không cho phép sử dụng ngân sách liên bang để mở rộng. Tính đến phiên giao dịch ngày 31/3, mặc dù giá của Bitcoin vẫn dao động ở khoảng 82.600 USD, cao hơn nhiều so với thời điểm trước cuộc bầu cử, song đã giảm đáng kể so với đỉnh điểm.
Trong bức tranh ảm đạm chung của thị trường, vẫn có một số cổ phiếu liên quan đến tiền mã hóa duy trì được sắc xanh. Đáng chú ý nhất là Strategy của Michael Saylor - một trong số ít cổ phiếu trong ngành vẫn tăng trưởng kể từ ngày 5/11.
Mặc dù gặp khó khăn trên thị trường, ngành công nghiệp tiền mã hóa vẫn đang tăng cường ảnh hưởng tại Washington và tiến gần hơn đến việc hội nhập với hệ thống tài chính truyền thống. Tuy nhiên, những tiến triển về mặt chính sách và thể chế này chưa đủ để thúc đẩy sự phục hồi của thị trường.
Các chuyên gia cho rằng thị trường tiền mã hóa cần những động lực mới để tìm lại đà tăng trưởng.
"Những gì chúng ta đã chứng kiến cách đây vài tháng, tôi không nghĩ thị trường có thể hưng phấn hơn thế nữa," Connor Loewen, chuyên gia phân tích tại 3iQ nhận định. "Chúng ta cần tìm kiếm những chất xúc tác mới cho thị trường."