Cổ phiếu quỹ có thể lợi bất cập hại

(ĐTCK) Các giao dịch cổ phiếu quỹ chỉ có thể làm tăng hay giảm vốn góp của cổ đông và làm giảm lợi nhuận giữ lại.
Cổ phiếu quỹ có thể lợi bất cập hại

> Cổ phiếu quỹ, góc nhìn cần đầy đủ hơn

> Cổ phiếu quỹ là thứ vô giá trị

Hạch toán cổ phiếu quỹ

Việc hạch toán kế toán đối với các giao dịch cổ phiếu quỹ gồm giao dịch mua và các giao dịch tái phát hành (bán lại), được thực hiện theo hai phương thức: (1) hạch toán theo giá vốn và (2) hạch toán theo mệnh giá. Việc chọn áp dụng theo cách nào tùy thuộc vào quan niệm hay chủ trương của DN.

Nếu ta cho việc mua lại cổ phiếu đã phát hành chỉ là cách giảm vốn chủ sở hữu tạm thời, thì sử dụng phương thức hạch toán giá vốn. Còn nếu nghĩ rằng, đó cũng đã là giao dịch giảm vốn cổ phần, thì áp dụng cách hạch toán mệnh giá. Xin lưu ý, vốn chủ sở hữu khác với vốn cổ phần hay vốn góp. Cách đầu, vốn cổ phần trên sổ sách được giữ nguyên cho đến khi DN có quyết định hủy bỏ. Cách sau, vốn cổ phần (gồm vốn theo mệnh giá và thặng dư vốn) được điều chỉnh giảm ngay theo nguyên giá sổ sách và sẽ được ghi nhận lại khi DN tái phát hành; phần chênh lệch giữa giá mua lại so với nguyên giá sổ sách sẽ được trừ trực tiếp vào lợi nhuận giữ lại (trường hợp bất lợi) hoặc được ghi nhận vào một tài khoản riêng (trường hợp có lợi). Cho dù hai phương thức sẽ cho kết quả như nhau, nhưng trong thực tế, phương thức hạch toán giá vốn được sử dụng phổ biến.

Bài viết này sẽ trình bày trước phương thức hạch toán giá vốn. Phần hạch toán theo mệnh giá sẽ được trình bày trong một bài riêng.

 

Các giao dịch cổ phiếu quỹ luôn làm giảm lợi nhuận giữ lại, chứ không có điều ngược lại

Phương thức hạch toán giá vốn

Hạch toán theo giá vốn đối với hoạt động mua cổ phiếu quỹ là phương thức được sử dụng phổ biến do chính sự đơn giản của nó. Khi DN sử dụng phương thức giá vốn, việc mua cổ phiếu quỹ được xem là việc tạm thời giảm vốn chủ sở hữu. Lý do biện minh cho cách làm này là do DN có chủ ý rõ ràng sẽ tái phát hành số cổ phiếu đã mua lại hơn là hủy chúng. Khi DN mua cổ phiếu quỹ, giá vốn số cổ phiếu này được đưa vào tài khoản đối ứng “cổ phiếu quỹ” và làm giảm số dư vốn chủ sở hữu (bao gồm lợi nhuận giữ lại). Nhưng phương thức ghi chép này không làm giảm vốn cổ phần. Hãy xem ví dụ trích từ một bảng cân đối kế toán DN như sau (Bảng 1).

Bảng 1

Nguồn vốn chủ sở hữu

 

Cổ phần phổ thông mệnh giá $1
Số cổ phần đã phát hành: 25.000 cp

$25.000

Thặng dư vốn góp (so với mệnh giá)

$25.000

Lợi nhuận giữ lại

$15.283

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu

$65.283

Nếu DN mua lại 1.000 cổ phần với giá 5 USD/CP, DN sẽ ghi bút tích nhật ký kế toán như sau (Bảng 2).

Bảng 2

Tài khoản

Nợ

Cổ phiếu quỹ

$5.000

-

Tiền mặt

-

$5.000

Việc mua cổ phiếu quỹ làm giảm cả nguồn vốn chủ sở hữu lẫn tài sản thuần (net assets, ở đây là tiền mặt). Việc ghi nợ ở tài khoản đối ứng “Cổ phiếu quỹ” làm giảm nguồn vốn chủ sở hữu và số dư tài khoản tiền mặt của DN cũng giảm một khoản tương ứng. Phương thức hạch toán này tác động đến bảng cân đối kế toán như sau (Bảng 3).

Bảng 3

Nguồn vốn chủ sở hữu

 

Cổ phần phổ thông mệnh giá $1
Số cổ phần đã phát hành: 25.000 cp

Trong đó cổ phiếu quỹ: 1.000 cổ phần

$25.000

Thặng dư vốn cổ phần

$25.000

Lợi nhuận giữ lại ($5.000 bị hạn chế do giữ CPQ)

$15.283

Trừ: Giá vốn của 1.000 cổ phiếu quỹ

($5.000)

Tổng cộng nguồn vốn chủ sở hữu

$60.283

Mục nguồn vốn chủ sở hữu đã bị giảm đi 5.000 USD. Các tài khoản vốn góp được giữ nguyên như báo cáo ban đầu, do phương thức hạch toán giá vốn xem việc mua cổ phiếu quỹ chỉ là việc giảm vốn chủ sở hữu tạm thời.

Trong ví dụ này, DN đã phát hành 25.000 cổ phần. Số cổ phần được rút ra khỏi thị trường là 1.000, tuy có làm giảm số cổ phiếu đang lưu hành (outstanding), nhưng lượng cổ phiếu trên sổ sách không thay đổi, chỉ có một phần trong đó chuyển sang dạng cổ phiếu quỹ.

Nhiều nước có quy định, việc phân phối lợi nhuận hoặc trả cổ tức chỉ được thực hiện trong khoản lợi nhuận còn lại sau khi đã trừ đi giá vốn cổ phiếu quỹ đang nắm giữ. Do vậy, GAAP (nguyên tắc hạch toán được thừa nhận) yêu cầu phải công khai điều này bằng một ghi chú hay để trong ngoặc (như trên) trên bảng cân đối kế toán khoản tiền mua cổ phiếu quỹ làm hạn chế nguồn lợi nhuận giữ lại. Tóm lại, DN chỉ có thể trả cổ tức từ khoản lợi nhuận giữ lại khả dụng, là khoản sau khi đã giảm trừ giá vốn mua cổ phiếu quỹ, cụ thể trường hợp này là 10.283 USD (15.283 USD - 5.000 USD). Thuật ngữ gọi khoản không được phép phân phối cho cổ đông này là “legal capital”.

Khi tái phát hành, tài khoản cổ phiếu quỹ được ghi có giá vốn số cổ phần được tái phát hành. Nếu cổ phiếu quỹ được bán lại giá cao hơn giá vốn thì DN ghi có vào một tài khoản “thặng dư vốn từ cổ phiếu quỹ” được lập riêng. Trường hợp cổ phiếu được bán lại có giá thấp hơn giá vốn đã mua, khoản chênh lệch thấp hơn này trước tiên được giảm trừ vào tài khoản thặng dư vốn từ cổ phiếu quỹ (nếu có), nếu tài khoản thặng dư này không đủ để giảm trừ, thì số còn lại sẽ được trừ vào lợi nhuận giữ lại (xem các bảng 4 - 7).

 

Các giao dịch cổ phiếu quỹ chỉ có thể làm “giảm” lợi nhuận giữ lại

DN không thể tạo ra lợi nhuận thông qua việc mua hay bán lại cổ phiếu của chính mình. Đây là nguyên tắc cơ bản về giao dịch cổ phiếu quỹ. Các giao dịch cổ phiếu quỹ chỉ có thể làm tăng hay giảm vốn góp của cổ đông và làm giảm lợi nhuận giữ lại; sẽ không có điều ngược lại, vì khi DN bán lại cổ phiếu quỹ thì nguồn thu sẽ được đưa vào “vốn cổ đông”.

Nếu DN tái phát hành 200 cổ phiếu trong số cổ phiếu quỹ với giá 7 USD/CP, thì phần vốn góp của DN đã nhận về là 1.000 USD (giá vốn 200 CP) và thặng dư vốn 400 USD (là khoản “lợi”) từ giao dịch này (Bảng 4).

Bảng 4

Tài khoản

Nợ

Tiền mặt

$1.400

-

Cổ phiếu quỹ (200 x $5)

-

$1.000

Thặng dư vốn góp từ giao dịch cổ phiếu quỹ

-

   $400

Nếu DN tiếp tục tái phát hành 300 cổ phiếu trong số 800 cổ phiếu quỹ còn lại với giá 3 USD/CP thì “lỗ” (Bảng 5).

Bảng 5

Tài khoản

Nợ

Tiền mặt

$900

-

Thặng dư vốn góp từ giao dịch cổ phiếu quỹ

$400

-

Lợi nhuận giữ lại

$200

-

Cổ phiếu quỹ (300 x $5)

-

$1.500

Lưu ý, khoản “lỗ” của đợt phát hành 300 cổ phiếu quỹ lần này là 600 USD (chênh lệch giữa giá bán 3 USD/CP và giá vốn 5 USD/CP). Khoản lỗ này không những làm biến mất khoản lợi vốn (capital gain) được ghi nhận trước đó ở tài khoản “thặng dư vốn từ việc bán cổ phiếu quỹ” (400 USD), mà còn ăn thâm vào nguồn lợi nhuận giữ lại 200 USD cho đủ 600 USD.

Sau các giao dịch trên, mục vốn chủ sở hữu của bảng tổng kết kế toán của DN xuất hiện như sau (Bảng 6).

Bảng 6

Nguồn vốn chủ sở hữu

 

Cổ phần phổ thông mệnh giá $1
Số cổ phần đã phát hành: 25.000 cp

Trong đó cổ phiếu quỹ: 500 cổ phần

$25.000

Thặng dư vốn góp

$25.000

Lợi nhuận giữ lại ($2.500 bị hạn chế cho việc nắm giữ cổ phiếu quỹ)

$15.083

Trừ: Giá vốn của 500 cổ phiếu quỹ

($2.500)

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu

$62.583

Sau hai lần tái phát hành, tổng nguồn vốn chủ sở hữu lúc này tăng lại 2.300 USD, đây là khoản thu về từ việc bán lại “200 + 300” cổ phiếu quỹ (giá vốn 2.500 USD trừ khoản lỗ ăn vào lợi nhuận giữ lại 200 USD trong lần bán 300 cổ phiếu với giá 3 USD/CP). Số cổ phiếu quỹ nay còn lại là 500, với giá vốn là 2.500 USD (500 x 5 USD).

Do lợi nhuận giữ lại không được tăng trong các giao dịch cổ phiếu quỹ, DN chỉ có thể ghi khoản tăng “lợi” tăng vốn ở tài khoản vốn góp. Trong khi đó, khi một khoản “lỗ” phát sinh từ các giao dịch này, khoản lỗ trước tiên được cấn trừ vào tài vốn góp (thặng dư vốn từ giao dịch cổ phiếu quỹ), nếu không đủ thì sẽ được xử bằng lợi nhuận giữ lại.

Nếu sau đó DN chính thức hủy bỏ 500 cổ phiếu quỹ còn lại, thì sẽ làm giảm vốn góp theo mệnh giá 500 USD và thặng dư vốn 500 USD (ghi nợ) dựa trên giá trị sổ sách ban đầu, phần chênh lệch 1.500 USD do mua cao hơn giá sổ sách xem như “lỗ”, được trừ vào (ghi nợ) tài khoản lợi nhuận giữ lại. Cổ phiếu quỹ được ghi có giá vốn 2.500 USD để thanh lý tài khoản này (Bảng 7). Lúc này, trên bảng tổng kết tài sản, vốn theo mệnh giá sẽ là 24.500 USD, thặng dư vốn là 24.500 USD, lợi nhuận giữ lại 13.583 USD và tổng nguồn vốn chủ sở hữu là 62.583 USD.

Bảng 7

Tài khoản

Nợ

Cổ phần phổ thông

$500

-

Thặng dư vốn góp cổ phần phổ thông

$500

-

Lợi nhuận giữ lại

$1.500

-

Cổ phiếu quỹ (500 x $5)

-

$2.500

Cách hạch toán ở đây cho thấy, việc mua cổ phiếu quỹ cao hơn giá phát hành theo sổ sách và bán lại thấp hơn giá đó dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc hủy bỏ hẳn, sẽ làm giảm (gây thiệt hại) khoản lợi nhuận giữ lại. Đây là nguyên tắc cơ bản nhằm bảo đảm sự chặt chẽ về mặt sổ sách và cũng là điều mà DN cần cân nhắc khi giao dịch cổ phiếu quỹ.  

Huy Nam, CV Kinh tế Tài chính CK - Giảng viên CFO, PFA /PACE
Huy Nam, CV Kinh tế Tài chính CK - Giảng viên CFO, PFA /PACE

Tin cùng chuyên mục