Cổ phiếu QCG tăng gấp đôi sau hơn 2 tuần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp áp lực chốt lời khiến hàng loạt mã đã tăng nóng thời gian qua rung lắc điều chỉnh, nhưng cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn chạy băng băng với 11 phiên tăng trần liên tiếp, tổng mức tăng 108,7% sau hơn 2 tuần giao dịch.
Cổ phiếu QCG tăng gấp đôi sau hơn 2 tuần

Sau cú “vấp ngã” ngày hôm qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán nói riêng và thị trường chung đã gượng dậy thành công. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng hơn sau biến cố vừa trải qua khiến dòng tiền trở nên thận trọng, thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ và chỉ số VN-Index chỉ đủ sức để tăng nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc trong khoảng hơn 1 giờ mở cửa. Tuy nhiên, tâm lý mất kiên nhẫn của bên bán khiến thị trường dần nới rộng đà giảm và VN-Index dễ dàng thủng mốc 1.100 điểm.

Những tưởng thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến thêm một phiên đỏ lửa, nhưng không nằm ngoài dự đoán, mốc 1.095 điểm đã làm tốt vai trò là vùng hỗ trợ quan trọng trong nhịp điều chỉnh này. Thị trường đã có pha “quay xe” ngoạn mục giúp chỉ số VN-Index bật hồi 10 điểm chỉ trong 30 phút cuối phiên với sự góp công lớn của nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Trong đó, cặp đôi vốn hóa lớn nhất nhóm chứng khoán là VND và SSI hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể, SSI ấn tượng khi tăng vọt 3,9% lên mức giá cao nhất ngày 25.250 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2023; đồng thời, thanh khoản thuộc top 10 dẫn đầu thị trường với gần 23 triệu đơn vị khớp lệnh. Còn VND tăng 4,7% lên mức 18.950 đồng/CP với thanh khoản lớn nhất thị trường, đạt hơn 43 triệu đơn vị.

Ngoài ra, hàng loạt mã khác cũng xác lập mức giá cao nhất trong phiên như VIX tăng 4,7% lên mức 11.200 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua SSI với 22,49 triệu đơn vị khớp lệnh; VCI tăng 2,4% lên 34.800 đồng/CP, HCM tăng 1,9% lên 26.600 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chỉ nhích nhẹ với “anh cả” VCB chững lại khi chỉ tăng 0,5% sau pha bốc đầu hôm qua, cổ phiếu tăng tốt nhất ngành là MSB và LPB cũng đạt hơn 3%; trong khi CTG, SHB, EIB, ACB, BID, HDB kết phiên giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở nhóm bất động sản, một số mã nóng vừa và nhỏ cũng đã đảo chiều hồi phục trở lại như NVL tăng 2,8%, PDR tăng 3,7%, HHV, DIG nhích nhẹ… Đặc biệt, dù thanh khoản không quá nổi trội, nhưng QCG chính là mã gây ấn tượng nhất trong nhóm bất động sản nói riêng và thị trường nói chung.

Bất chấp phiên hôm qua nhiều cổ phiếu chịu áp lực chốt lời, nhất là các mã vừa và nhỏ tăng nóng trong thời gian qua, khiến hàng loạt mã quay đầu giảm mạnh, nhưng QCG vẫn đứng vững và duy trì phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp.

Trong phiên hôm nay, dù vẫn chịu áp lực chốt lời, mở cửa ở mức tham chiếu, nhưng lực bán không quá lớn, trong khi dòng tiền vẫn được đổ vào mạnh với kỳ vọng các dự án của Công ty được tháo gỡ khó khăn, giúp QCG nhanh chóng lấy lại sắc tím và có phiên tăng trần thứ 11 liên tiếp với tổng mức tăng hơn gấp đôi, từ 5.080 đồng chốt phiên 25/5, lên mức đóng cửa hôm nay là 10.600 đồng và vẫn còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm dược phẩm vẫn duy trì đà tăng tốt với cặp DHG và DBD cùng tăng kịch trần, DCL tăng 5,24%, DMC tăng 4,24%, IMP tăng 5,35%, VDP tăng 6,49%, TRA và OPC tăng hơn 1%...

Xét về vốn hóa thị trường, nhóm VN30 hỗ trợ tốt cho thị trường khi kết phiên tăng hơn 8 điểm. Ngoài sự bứt phá của SSI, một số mã bluechip khác cũng tăng tốt hơn như MSN, TCB, MWG, FPT, BCM…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu GEX trở lại ấn tượng sau phiên điều chỉnh hôm qua. Đóng cửa, GEX tăng 6,7% lên sát mức giá trần 19.100 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất trong năm nay, đồng thời thanh khoản đứng thứ 2 thị trường khi có tới hơn 36,81 triệu đơn vị khớp lệnh.

Với diễn biến tích cực của các nhóm cổ phiếu và sự hỗ trợ tích cực của rổ VN30, thị trường đã đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày.

Chốt phiên, sàn HOSE có 190 mã tăng và 191 mã giảm, VN-Index tăng 6,21 điểm (+0,56%), lên 1.107,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 902,2 triệu đơn vị, giá trị 16.526,78 tỷ đồng, cùng giảm hơn 30% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,48 triệu đơn vị, giá trị 1.445,75 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường cũng quay đầu giảm khá mạnh và đã bật hồi thành công khi để thủng mốc 225 điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 84 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 0,82 điểm (+0,36%) lên 227,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 117,9 triệu đơn vị, giá trị 1.805,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,08 triệu đơn vị, giá trị 145,39 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng đua nhau khởi sắc, trong đó SHS tăng 3,3% lên mức cao nhất trong phiên 12.700 đồng/CP và thanh khoản tiếp tục gia tăng đạt gần 24,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã khác như MBS tăng 1,7% lên 18.300 đồng/CP và khớp 3,32 triệu đơn vị, TVC kết phiên tăng kịch trần với thanh khoản đạt 3,23 triệu đơn vị, IVS cũng tăng trần…

Trong khi đó, CEO vẫn đứng thứ 2 về thanh khoản trên thị trường với 13,12 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên vẫn giảm nhẹ 0,8% xuống 26.000 đồng/CP; cổ phiếu bất động sản khác như IDC, IDJ cũng giảm nhẹ…

Trên UPCoM, dù chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng thị trường cũng đảo chiều thành công về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,21%) lên 84,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 104,9 triệu đơn vị, giá trị 758,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,41 triệu đơn vị, giá trị 131,69 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục có thêm phiên mất điểm khi đóng cửa giảm 1,7% xuống mức 17.400 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với 10,75 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Trong khi đó, cổ phiếu đáng chú ý là PVX có thanh khoản đột biến, đạt hơn 10 triệu đơn vị và đóng cửa vẫn giữ mức giá trần.

Ngoài ra, hàng loạt mã nhỏ như DCS, KSH, DPS, ACM, AVF đều kết phiên trong sắc tím với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2306 tăng 6,3 điểm, tương đương +0,6% lên 1.095,3 điểm, khớp lệnh đạt gần 137.070 đơn vị, khối lượng mở gần 51.590 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch khá phân hóa, trong đó, CHPG2306 là mã duy nhất có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, tương ứng đạt 1,62 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,8% xuống mức 1.300 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục